Điều trị các trường hợp chậm liền xương hay khớp giả sau gãy xương vẫn còn một thách thức lớn đối với ngành phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình trong việc bảo tồn đoạn chi. Ghép xương tự thân được xem là quy tắc vàng cho điều trị các ổ khuyết xương ở các bệnh lý trên, tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ không liền xương sau ghép xương hay đòi hỏi phải ghép xương bổ sung nhiều lần, thậm chí phải ghép xương vi phẫu. Ngoài ra, việc lấy xương ghép tự thân từ xương cánh chậu có thể gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, tụ máu vết mổ, đau tại vị trí lấy xương…
Do vậy, thử nghiệm các phương pháp khác giúp tăng hiệu quả liền xương vẫn đang được nghiên cứu. Nghiên cứu phối hợp sử dụng tế bào gốc điều trị chậm liền xương hay khớp giả là một trong những phương pháp đang được tập trung nhiên cứu mạnh mẽ trên thế giới trong những năm gần đây. Những nghiên cứu này mở ra khả năng mới trong việc điều trị những bệnh lý trên.
Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm trên thỏ: “Liệu pháp tế bào gốc kết hợp kết hợp với màng xương trong điều trị khuyết hổng xương trên thỏ” để đánh giá hiệu quả sử dụng tế bào gốc tuỷ xương trong điều trị khuyết hổng xương. Kết quả công trình nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế. Từ thành công của công trình nghiên cứu thực nhiệm trên thỏ này, chúng tôi đã mạnh dạng đề xuất Hội đồng khoa học bệnh viện để thông qua nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trên lâm sàng.
Chúng tôi tiến hành 2 nghiên cứu ứng dụng đối với các trường hợp gãy xương khó liền xương. Ứng dụng thứ nhất là: phẫu thuật can thiệp ít xâm lấn bơm tế bào gốc tuỷ xương qua da dưới hướng dẫn màng hình tăng sáng cho các trường hợp chậm liền xương và khớp giả đã được cố định xương vững chắc. Khoảng 350 ml máu tuỷ xương được lấy từ xương cánh chậu của bệnh nhân được xử lý tách chiếc và cô đặc tài phòng thí nghiệm trong điều kiện vô trùng tuyệt đối cho ra khoảng 8ml tế bào gốc tuỷ xương. Lượng tế bào gốc này được phân tích để xác định tỷ lệ tế bào sống, mật độ tế bào và sự vô khuẩn trước khi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Tế bào gốc được bơm tiêm trực tiếp vào ổ gãy không liền xương dưới hướng dẫn màng hình tăng sáng. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu bơm tế bào gốc cho 12 bệnh nhân chậm liền xương và khớp giả, kết quả tất cả các bệnh nhân đều liền xương sau khoảng thời gian 3 tháng. Đây là phương pháp can thiệp tối thiểu, giảm thương tổn mô tại chổ, rút ngắn thời gian điều trị trong những trường hợp khó liền xương này.
Ứng dụng thứ 2 là: Ghép tế bào gốc tuỷ xương trong điều trị chậm liền xương và khớp giả ổ gãy xương chưa được cố định vững chắc. Quá trình tách chiếc và cô đặc tế bào gốc tuỷ xương như nghiên cứu trước. Ổ gãy xương được cố định lại vững chắc bằng các phương tiện nẹp khoá hay đinh chốt nội tuỷ sau khi lấy bỏ toàn bộ tổ chức xơ không có máu nuôi tại ổ gãy. Chúng tôi tiến hành ghép tế bào gốc cho 18 bệnh nhân có xử dụng kết hợp với ghép xương xốp đồng loại để làm khung nền cho các tế bào gốc bám và phát triển. Có 17 bệnh nhân liền xương sau ghép xương (94,4%), một bệnh nhân gãy nẹp sau 1 năm cần phải cố định lại ổ gãy. Tỷ lệ này là tương tự khi so sánh kết quả của nhóm đối chứng điều trị theo phương pháp cổ điển với ghép xương xốp tự thân đơn thuần, nhưng thời gian liền xương sớm hơn.
Sự kết hợp xương ghép tự thân hay đồng loại với tế bào gốc tuỷ xương được xem có khả năng giúp là liền xương ở những khuyết hổng lớn. Tế bào gốc tuỷ xương được tách chiếc từ tuỷ xương cánh chậu có chứa các tế bào tạo xương có khả năng tăng sinh số lượng. Khi được ghép vào diện khuyết hổng xương với xương ghép tự thân hay đồng loại sẽ đóng vai trò như khung sườn, để các tế bào tạo xương bám vào và biệt hoá thành các xương mới và giúp liền xương (Kuroda 2011; Hernigou 2005; Giannotti 2013).
Kết quả các nghiên cứu ứng dụng của chúng tôi cho thấy sự hiệu quả bước đầu của ứng dụng tế bào gốc tuỷ xương tự thân trong điều trị các gãy xương khó liền xương như chậm liền xương hay khớp giả. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về ứng dụng tế bào gốc tuỷ xương có cô đặc. Các kết quả nghiên cứu được viết bằng tiếng Anh thành các bài báo được công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế, nhằm đóng góp những nguồn tư liệu về ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hình cho cộng đồng nghiên cứu khoa học của Việt nam và thế giới. Nghiên cứu này nên được tiếp tục để có các chỉ định và qui trình điều trị tối ưu, cũng như ứng dụng nguyên vật liệu xương tổng hợp trong liệu pháp tế bào gốc này.
Áp dụng mới này không những giúp làm tăng tỷ lệ liền xương mà còn mở ra triển vọng tạo ra quy trình điều trị phối hợp thay thế xương bị thiếu và khuyết trong khớp giả hoặc khuyết hổng xương. Quy trình này cho phép không cần phải lấy một lượng xương lớn xương ghép tự thân, do đó giúp làm giảm 1 phẫu thuật lấy xương ghép và giảm nhiều biến chứng tại chổ. Và đặc biệt có ý nghĩa trong những trường hợp không thể lấy đủ xương tự thân trên bệnh nhân
Việc điều trị hổ trợ thành công các bệnh lý phức tạp và khó điều trị trong lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hình này giúp rút ngắn quá trình điều trị của bệnh nhân, tiết kiệm chi phí cho gia đình và góp phần giảm quá tải tại Bệnh viện. Bệnh nhân từ tình trạng thương tật do biến chứng của gãy xương hoặc có nguy cơ cao bị tàn phế do cắt cụt chi sẽ được điều trị với tỷ lệ liền xương cao, bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt và lao động như trước đây giúp làm giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.
TS.BS. Lê Thừa Trung Hậu
Bệnh viên Trung ương Huế