Thừa Thiên Huế luôn được đánh giá là một vùng đất nhiều tiềm năng trong xu thế phát triển hiện nay. Được xác định là 1 trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với những lợi thế về giao thông cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Nơi hội tụ giao thoa của các nền văn hóa, mà văn hóa Huế là một nét độc đáo riêng biệt. Một trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu.
40 năm xây dựng và phát triển
Chiến tranh đi qua, niềm kiêu hãnh sống và khát vọng hòa bình chính là động lực thôi thúc chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đứng lên xây dựng quê hương, viết tiếp những trang sử của hòa bình và phát triển. Từ năm 1975 đến đầu năm 1980, toàn tỉnh vừa ra sức xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội, lo cho dân nơi ăn chốn ở, được chữa bệnh, được học hành.
Đặc biệt, từ năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới do TƯ Đảng khởi xướng, Đảng bộ và chính quyền Thừa Thiên Huế đã trăn trở, tìm tòi để có hướng phù hợp, đưa nền kinh tế của địa phương thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Việc chia tách 3 tỉnh Bình – Trị – Thiên vào năm 1989 càng tạo đà cho Thừa Thiên Huế độc lập đi lên.
Xác định cơ cấu kinh tế của địa phương là công nghiệp – du lịch, dịch vụ – nông nghiệp, tạo điều kiện cho kinh tế ngoài quốc doanh phát triển, đổi mới nông nghiệp – nông thôn, đầu tư phát triển cho thế mạnh của địa phương là kinh tế biển và đầm phá, nền kinh tế của Thừa Thiên Huế giai đoạn 1991-2000 đã có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Tổng sản phẩm nội địa GRDP tăng bình quân mỗi năm 7,3%. Doanh thu từ công nghiệp, dịch vụ du lịch, thủy hải sản đều vượt so với 10 năm trước đó.
Trận lũ lịch sử năm 1999 đã đem đến những bế tắc, khó khăn về cả mặt xã hội lẫn kinh tế cho tỉnh Thừa Thiên Huế, song nhờ sự hỗ trợ của đồng bào trên cả nước, mà quan trọng hơn cả là sự đoàn kết vượt lên khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng vượt qua đau thương mất mát để ổn định xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, vực dậy nền kinh tế. Giai đoạn 2001-2005, GRDP của tỉnh vẫn giữ được mức tăng bình quân mỗi năm là 9,5%, GDP đầu người đạt 560 đô la Mỹ, gấp 2,5 lần so với năm 1990.
Với cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng mới là Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp. Trong giai đoạn 2005 -2010, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt trên 12%, bình quân thu nhập đầu người đạt 1.150 đôla Mỹ, gấp 3 lần so với 5 năm trước đó; thu ngân sách nhà nước mỗi năm đạt 3000 tỷ đồng.
Cở sở hạ tầng những năm trở lại đây được cải thiện rõ rệt đã đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa và nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương. Hệ thống giao thông được mở rộng, tạo sự liền mạch giữa các vùng dân cư trên địa bàn, xóa bỏ sự chia cắt và cô lập cho một số vùng dân cư ven biển và đầm phá. Nhiều công trình giao thông mang tầm vóc quốc gia được đưa nâng cấp, hoàn thiện và đưa vào sử dụng sân bay Phú Bài được cải tạo- nâng cấp, cảng biển Chân Mây, hầm đường bộ Hải Vân… Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới như Phú Bài, Hương Sơ, Tứ Hạ, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các cụm điểm du lịch lớn được thành lập, thu hút đầu tư từ nước ngoài… Tất cả đã tạo ra một thời cơ mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Thừa Thiên Huế.
Kinh tế phát triển, Thừa Thiên Huế có thêm điều kiện để ổn định xã hội, chăm lo cho người nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đến đầu năm 2015, Thừa Thiên Huế đã giảm được tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 5,3%; 95% dân số được sử dụng nước sạch, trong đó tỉ lệ này ở nông thôn là 68%; 100% xã phường có trạm y tế và bác sĩ chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hệ thống lưới điện đã đến với 100% thôn bản. Quy mô và chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được khẳng định. Đại học Huế ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu là một trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh đã đem lại những hiệu quả tốt đẹp cho công cuộc cải cách hành chính của địa phương trong những năm gần đây. Năm 2014, chỉ số ICT Index của Thừa Thiên Huế đã vươn lên xếp thứ 6 trên toàn quốc.
Đặc biệt, việc bảo tổn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Huế ngày càng được trân trọng, đầu tư đúng hướng hơn, đã góp phần quảng bá và phát triển văn hóa- du lịch địa phương. Văn hóa Huế mang tầm vóc quốc gia, quốc tế song vẫn giữ được những nét độc đáo riêng có. Quần thể di tích cố đô Huế ngày càng nhận được nhiều sự đầu tư để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể. Thành phố Huế được công nhận là đô thị loại 1, thành phố Festival của cả nước.
Chiến lược phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2020 đã được Đảng bộ và chính quyền địa phương xây dựng, trong đó mục tiêu đặt ra là xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiên với môi trường”, xứng tầm là đô thị cấp quốc gia, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo của cả nước; quốc phòng an ninh được tăng cường, chính trị xã hội ổn định, vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020.
Thừa Thiên Huế có đủ tiềm năng và thế mạnh để thực hiện chiến lược phát triển đã được đề ra. Điều quan trọng là cần những giải pháp đúng đắn và sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân của địa phương. Trong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 nhiệm kỳ 2016 – 2020 sắp tới, các mục tiêu, giải pháp của chiến lược sẽ được cụ thể hóa hơn để đi vào triển khai và thực hiện một cách hiệu quả.
Theo thuathienhue.gov.vn