Từ bao đời nay, người dân vạn chài thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) đã quen với cuộc sống sông nước, coi chiếc thuyền, con ghe là ngôi nhà, nơi sinh cơ lập nghiệp. Những năm gần đây, xóm vạn chài đang từng ngày thay da, đổi thịt, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo.
Chúng tôi vừa có một chuyến thăm lại thôn Ngư Mỹ Thạnh. Trong ký ức của tôi, Ngư Mỹ Thạnh là một xóm nghèo, người dân chủ yếu lênh đênh trên sông nước. Ít người trong xóm nhỏ này được ăn học đến nơi đến chốn. Nghề ngư được xem như nghề cha truyên con nối ở làng chài nhỏ này.
“Lên bờ từ những năm 1986, nhưng do chưa thích nghi với điều kiện sống nhiều hộ lại xuống thuyền sinh sống. Điều kiện sống lúc đó khó khăn, người dân chủ yếu chạy ăn từng bữa là chính, chẳng có của ăn, của để. Đó là viễn cảnh chung của nhiều hộ dân thôn Ngư Mỹ Thạnh ngày ấy. Đến năm 1996, nhiều hộ dân sống lênh đênh trên sông nước gặp bão, lụt chết không ít, chính quyền địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền vận động người dân lên bờ định cư. Từ đó, người dân mới bắt đầu học cách sống trên bờ. “An cư mới lạc nghiệp” quả chẳng sai, từ đó đến nay, đời sống của bà con thôn nghèo này dần thay da đổi thịt”, anh Binh tâm sự. Những năm trước, bà con ngư dân trong thôn chỉ biết đánh bắt tôm, cá trên phá bằng việc bủa lừ, bủa lưới… đến khi tôm cá cạn kiệt, nhiều người chuyển sang dùng kích điện để tận diệt thủy sản. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước, giờ thôn đã thành lập được chi hội nghề cá nên không còn ai đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt như vậy nữa. Thông qua các lớp tập huấn, bà con được dạy phương pháp nuôi trồng và tham gia đấu diện tích mặt nước để nuôi tôm, cua và các loại cá có giá trị kinh tế cao. Hiện, thôn Ngư Mỹ Thạnh có gần 190 hộ dân, trong đó gần 80% người dân nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên vùng phá Tam Giang. Nhờ đó, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm từ 30% xuống còn 17%. Tính đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của thôn Ngư Mỹ Thạnh đạt 21 triệu đồng/người/năm. Dừng chân tại nhà ông Nguyễn Nhân, khi gia đình ông đang làm lưới chuẩn bị cải tạo lại hồ nuôi cá trên phá Tam Giang, ông Nhân cho hay: “Trước đây, làng chài nghèo lắm, ngày đêm lặn lội, trôi dạt khắp nơi tìm nguồn sống, cái đói, cái rét cộng thêm tình trạng thất học luôn đeo bám người dân. Thậm chí có gia đình 2 – 3 thế hệ chung sống trên một chiếc thuyền, đồ dùng chẳng có gì đáng giá. Cuộc sống khó khăn, vất vả là thế, vào mùa nước lũ người dân nơi đây còn phải gồng mình chống đỡ, bởi thiếu đi nguồn cá để đánh bắt. Đó là câu chuyện của mấy năm trước, giờ đây làng vạn chài nghèo khó đã đổi khác”. Hiện, gia đình ông Nhân đang phát triển mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá với diện tích hồ 500m², phát triển thêm mô hình nuôi cá chẽm, cá trắm trên phá Tam Giang. Thu nhập hàng năm từ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 100 triệu đồng. Để cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của Ngư Mỹ Thạnh, chúng tôi đi một vòng quanh xóm. Điều rất dễ nhận thấy là, có hàng chục ngôi nhà mới xây dựng, ngói lợp vẫn còn màu đỏ tươi, gạch men láng bóng, có nhà còn chưa kịp quét vôi. Cạnh Trường Mầm non Ngư Mỹ Thạnh có khá nhiều hàng quán bán các mặt hàng, như: phân bón, thịt lợn, đậu phụ, bánh kẹo, hoa quả… tạo thành trung tâm xóm. Cùng với đó, nhiều gia đình cũng đã và đang xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi cá lồng, cá chẽm… nhiều hộ còn thoát ly hẳn với nghề “theo đuôi con cá”. Nhìn những ngôi nhà khang trang, nét mặt rạng ngời của người dân, chúng tôi không khỏi vui mừng trước sự đổi thay của làng chài này. Giờ đây, Ngư Mỹ Thạnh như lột xác hẳn. Chúng tôi có cuộc trò chuyện khá thú vị với anh Hà Binh, Bí thư Chi bộ thôn Ngư Mỹ Thạnh. Cũng như nhiều người dân trong thôn, anh Binh rất vui vẻ khi kể cho chúng tôi nghe những đổi thay của xóm nhỏ này. Người dân ở đây không còn kêu khó, kêu khổ nữa, mà hiển hiện trên khuôn mặt họ là niềm vui, sự mãn nguyện với những gì mà xóm đã được đầu tư: có điện, có nước sạch, có đường bê tông, những thứ mà trước đó, bà con chỉ dám mơ.
Hoàng Thảo Nguyên