Tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao ở Thanh Hóa

Thực tế triển khai mô hình này, thu nhập 1 ha NNCNC đạt trên 1 tỷ đồng được cho là con số còn khiêm tốn.

Nhằm khai thác tối đa lợi thế tiềm năng đất đai, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa chủ lực, Cty CP Mía đường Lam Sơn (LASUCO – Thanh Hóa) đã tiên phong triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) SX mía; rau củ quả; hoa kiểng… đạt giá trị cả tỷ đồng/ha.

Gấp hàng chục lần SX truyền thống

Mô hình NNCNC là một trong những giải pháp đổi mới tư duy SX theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường; đặc biệt là sức khỏe của con người. Tuy nhiên, không phải DN nào, nông dân nào cũng có thể thực hiện được quy trình này. Chính vì vậy, thành công bước đầu của dự án NNCNC của LASUCO đã mở ra hướng đi mới…

Thai nghén từ vài ba năm trước, nhưng mãi đến tháng 4/2013 LASUCO mới thực sự thành công với các sản phẩm giống mía, rau sạch, cây ăn quả, hoa các loại… đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Duy Khái, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển NNCNC (LASUCO) cho biết, những năm gần đây SXNN lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV, người làm lúa, làm rau vẫn “đèo bòng” các loại sản phẩm hóa chất sử dụng trên ruộng đồng nên chất lượng sản phẩm thấp, người tiêu dùng ngày một xa dần dẫn đến hiệu quả kinh tế gần như không có.

“Khó khăn nhất khi làm NNCNC là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Hơn nữa vì áp dụng quy trình SX đồng bộ nên phải có quy mô cánh đồng mẫu để SX lâu dài. Việc phân biệt, đánh giá giữa rau sạch và rau không sạch của người dân đang còn lẫn lộn nên Cty phải tự xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm bằng niềm tin của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Duy Khái.

Theo ông Khái, dự án của Cty có tổng diện tích 140 ha, trong đó diện tích SX mía giống 50 ha; cây ăn quả trên 40 ha (cam V2); còn lại là rau và hoa các loại như dưa kim cô nương, kim hoàng hậu, dưa chuột đơn tính cái, ớt ngọt, cà chua; lan Hồ Điệp, hoa ly, cúc…Trong lúc đó trên địa bàn Thọ Xuân nói riêng, Thanh Hóa nói chung đất đai rất màu mỡ, nên việc triển khai thực hiện dự án NNCNC gắn liền du lịch sinh thái, di tích văn hóa – lịch sử Lam Kinh… sẽ tạo đà phát triển nông nghiệp xứ Thanh. Du khách đến Thọ Xuân không chỉ đến với cội nguồn văn hóa tâm linh mà còn được thưởng ngoạn những cánh đồng đầy ắp hoa, trái thơm ngon tinh khiết được SX bằng CNC.

“Đến thời điểm này hầu hết các diện tích đều cho kết quả rất tốt, đặc biệt là gần 1 ha rau quả sạch và hoa được SX trong nhà lưới; bình quân cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí (chưa khấu hao tài sản) lợi nhuận đạt trên 60%. Tháng 5 tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô diện tích ra 6 ha đã được quy hoạch gần đường Hồ Chí Minh để trồng các loại dưa và hoa”, ông Khái phấn khởi.

Thoạt đầu nghe ông Khái khẳng định về hiệu quả kinh tế mô hình NNCNC thì rất khó tin, nhưng quả đúng như thực tế. Ông nhẩm tính, trên diện tích 3.000 m2 nhà lưới khép kín, mỗi năm SX 2 vụ (6 tháng) dưa Kim Hoàng Hậu thu được 12 tấn x 35.000 đ/kg = 420 triệu đồng; thời gian còn lại luân canh cây cà chua, ớt ngọt thu 10 tấn x 20.000 đ/kg = 200 triệu đồng…

Như vậy thu nhập 1 ha NNCNC đạt trên 1 tỷ đồng là con số khiêm tốn.

Trồng trên giá thể, tưới nhỏ giọt

Đối với các sản phẩm SX ngoài trời như hoa thời vụ, cam, bí xanh…Cty hạn chế đến mức tối đa sử dụng thuốc BVTV; không sử dụng các loại phân bón chưa qua xử lý; lựa chọn phân bón giảm thiểu ô nhiễm lên cây trồng; không dùng nước thải công nghiệp tưới cho cây. Còn diện tích SX trong nhà lưới hoàn toàn được thực hiện theo quy trình VietGAP.

“Nhà lưới sau khi được xử lý mầm bệnh sẽ đóng cửa khoảng hơn 1 tuần. Sau đó đưa bầu cây được ươm trên giá thể mùn xơ dừa và DT05 (giá thể trồng rau sạch của Viện Nông hóa thổ nhưỡng). Trường hợp không có DT05 thì sử dụng xơ dừa và đất phù sa sạch (mỗi loại 0,5%) vào trồng.

Quá trình chăm sóc, chúng tôi chế phân bón vào hệ thống đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt để cây ăn trực tiếp và thường xuyên giữ được độ ẩm từ gốc. Đến khi cây đơm hoa kết trái, chúng tôi chỉ để lại lượng quả thích hợp vừa đảm bảo cây phát triển tốt, vừa dồi dào dinh dưỡng cho quả phát triển đạt yêu cầu về mẫu mã và chất lượng”, ông Khái nói.

Ông Khái lấy ví dụ, một cây dưa kim hoàng hậu thường chỉ để lại 1 – 2 quả. Sau khi thu hoạch mỗi quả đạt 1,3 – 1,5 kg. Việc giữ lại ít quả sẽ đảm bảo độ đồng đều của quả, kiểm soát sâu bệnh cũng như chất lượng quả.

Hay như lan Hồ Điệp, mặc dù diện tích của nhà lưới trồng được trên 3 vạn cây nhưng Cty chỉ đưa vào trồng 1,5 vạn để dành khoảng trống đến tháng 8 hằng năm xử lý cho hoa nở đúng dịp Tết.

Được biết, ngoài chiến lược nhân mô mía, từ nay đến 2020 LASUCO sẽ phấn đấu xây dựng từ 15 – 20 xí nghiệp SX NNCNC. Đồng thời, khâu nối để trong 5 năm tới trên địa bàn toàn tỉnh có ít nhất 10 ha diện tích của hộ dân thực hiện theo mô hình này (bình quân mỗi hộ khoảng 1.000 m2).

“Đây chính là giải pháp hạn chế thói quen tùy tiện bón đạm, bón phân, phun thuốc BVTV của nông dân, cũng như giúp họ hiểu, áp dụng thành thạo các tiến bộ KHKT, quy trình SX theo mô hình VietGAP…”, ông Lê Văn Tam, Anh hùng Lao động – Chủ tịch HĐQT LASUCO nói.

Trên cơ sở mục tiêu đề ra, LASUCO đã tài trợ cho Trường Cao đẳng nghề Lam Linh đào tạo 180 sinh viên là con em trên địa bàn vừa học vừa hành SX NNCNC để khi các em ra trường có vốn kiến thức áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của Cty.

Sau mỗi kỳ học đích thân Chủ tịch Lê Văn Tam kiểm tra, đánh giá kết quả học của các sinh viên trên. Thậm chí những học sinh trung bình, yếu, ông trực tiếp tập huấn, hướng dẫn bằng thực tiễn sát thực ngoài đồng ruộng.

Có thể nói, việc thực hiện thành công mô hình NNCNC của LASUCO đang là địa chỉ tin cậy để nông dân mọi nơi về tham quan, học hỏi, từng bước SX ra những sản phẩm rau sạch, quả sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập người dân trong chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM.

Theo Nongnghiep.vn

ĐINH VĂN CHUNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email