Đây là dự án do Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế chủ trì thực hiện và TS Nguyễn Hữu Chúc làm chủ nhiệm. Kết quả của dự án vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nghiệm thu vào ngày 30/11/2017.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều vùng trồng rau má, nhưng nhiều nhất là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích trồng cây rau má ở Quảng Thọ là hơn 50 ha (dự kiến quy hoạch đến năm 2020 là trên 70ha), giá trị thu nhập bình quân: 250 triệu đồng/ha/ năm (thu nhập gấp 3,5 lần so với trồng lúa).
Trong thời gian qua, việc cắt và thu gom rau má được thực hiện bằng tay với năng suất thấp, trung bình khoảng 150 kg/1 người/1 ngày, đồng thời trong quá trình thu hoạch người dân phải dẫm đạp lên luống trồng, làm dập các gốc cây, làm cho cây rau khó phát triển trở lại. Chính vì vậy, nhóm thực hiện đã nghiên cứu chế tạo thành công máy thu hoạch rau má sử dụng năng lượng điện có kết cấu gọn nhẹ, năng suất cao và dễ sử dụng.
Trước khi tiến hành nghiên cứu, nhóm thực hiện đã tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng, yêu cầu về tính năng của máy thu hoạch rau má… Kết quả cho thấy 100% nông dân được khảo sát đều trả lời là cần có máy thu hoạch để giảm việc lao động chân tay cho nông dân; yêu cầu đối với máy thu hoạch rau má, đó là cấu tạo máy phải nhỏ gọn, trọng lượng càng nhẹ càng tốt; năng suất của máy phải gấp từ 3-6 lần năng suất thu hoạch bằng tay; máy dễ dàng di chuyển trên đồng ruộng rau má của xã; máy dễ dàng vận hành, chăm sóc và bảo dưỡng; máy phải vừa cắt vừa thu gom rau má tại chỗ.
Từ những yêu cầu đặt ra, trong quá trình thiết kế, chế tạo máy, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá 02 phiên bản để tìm ra những ưu điểm hạn chế của từng phiên bản để thiết kế, chế tạo máy có tính ưu việt nhất. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất nguyên lý làm việc của mẫu máy gồm những bộ phận sau: bộ phận cắt: dùng bộ phận cắt loại hai dao cùng chuyển động ngược chiều; bộ phận vơ gom: dùng rulo cuốn rau từ bộ phận cắt; bộ phận băng chuyền: vận chuyển rau từ phần vơ gom lên bộ phận thu sản phẩm; bộ phận thu sản phẩm: dùng để chứa rau; bộ phận phụ trợ: khung máy, bộ phận truyền động, bộ phận điều khiển và nguồn động lực.
Theo TS. Nguyễn Hữu Chúc, chủ nhiệm dự án, thì máy cắt rau má được thiết kế và chế tạo làm việc ổn định trên đồng ruộng, giải phóng được lao động chân tay tiến tới tăng năng suất lao động, giảm giá thành việc sản xuất rau má, góp phần vào việc ổn định thu nhập của người dân ở vùng sản xuất rau má; Máy làm việc dựa vào ắc quy nên rất an toàn cho vùng trồng rau vì tránh được dầu mỡ. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình của vùng trồng rau má nên yêu cầu máy phải gọn nhẹ để dễ di chuyển máy. Đây là là sản phẩm kết hợp giữa kinh nghiệm người nông dân trồng rau má, đặc tính nông học của cây rau má, kiến thức của người thiết kế – chế tạo áp dụng công nghệ cơ giới hóa vào sản xuất. Người nông dân trồng rau má khi áp dụng hệ thống cắt rau má tự động thấy khá hài lòng, giải phóng sức lao động, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định nghề trồng rau má
Việc thiết kế, chế tạo máy thu hoạch rau má đã mở ra nhiều triển vọng áp dụng cho việc thu hoạch các cây rau khác trên địa bàn xã Quảng Thọ, cũng như những hợp tác xã khác trên cả nước. Hệ thống đã được một số cá nhân, công ty đặt mua áp dụng cho trồng các rau khác như rau khoai lang, rau xà lách…
Được biết, trong thời gian tới, cơ quan chủ trì dự án sẽ phối hợp với các ngành chức năng xã Quảng Thọ, các xã lân cận và tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục điều tra khảo sát để xác định vùng, địa điểm cần được nhân rộng mô hình, thông qua các chương trình trọng điểm của huyện, chương trình phát triển nông thôn mới…; kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, kết hợp phát huy nội lực của bà con nông dân địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển kết quả của dự án.
Linh Hà