Thiết bị siêu âm “made in Việt Nam”

Lần đầu ở Việt Nam, các thiết bị phát siêu âm công suất được chế tạo thành công với mức giá cực rẻ.

Thiết bị trên là thành quả của nhóm nghiên cứu gồm tiến sĩ Trương Văn Chương, thạc sĩ Lê Quang Tiến Dũng, thạc sĩ Nguyễn Đình Tùng Luận và thạc sĩ Thân Trọng Huy, Khoa Vật lý, ĐH Khoa học Huế.

Tiến sĩ Trương Văn Chương, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Biến tử siêu âm là trái tim của tất cả các thiết bị phát siêu âm. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, nhóm đã chế tạo thành công nhóm vật liệu gốm áp điện cứng trên cơ sở PZT pha tạp. Từ vật liệu này, đã thiết kế chế tạo hoàn chỉnh các nhóm biến tử phát siêu âm công suất. Việc làm chủ được công nghệ này sẽ cho phép chế tạo được tất cả các loại thiết bị siêu âm theo mong muốn.

Thiết bị phát siêu âm công suất được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống như chế tạo vật liệu có cấu trúc nanô, phân hủy nước thải, chiết tách vật liệu, diệt tảo độc ở các nơi nước bị nhiễm độc…

Tiến sĩ Chương cho biết: “Trong các thiết bị được chế tạo, nhóm nghiên cứu tâm đắc nhất là máy siêu âm tổng hợp vật liệu. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện hệ thiết bị công nghệ siêu âm “ thủy nhiệt, phục vụ cho việc chế tạo các vật liệu có cấu trúc nanô. Đây là một công nghệ độc đáo, hoàn toàn mới ở Việt Nam”.

Nhiều nhà khoa học đã đánh giá rất cao công trình nghiên cứu và các thiết bị của nhóm nghiên cứu. Tiến sĩ Đỗ Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kiêm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết: Thành công của nhóm nghiên cứu khẳng định sự tiến bộ ứng dụng khoa học, công nghệ trong nước và thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Hầu hết thiết bị phát siêu âm được ứng dụng hiện nay đều mua từ nước ngoài, tần số và công suất cố định, với giá thành rất cao, mỗi thiết bị thấp nhất cũng hơn 3.000 USD. Trong khi đó, thiết bị phát siêu âm công suất của nhóm nghiên cứu có giá thành rẻ hơn nhiều lần (thấp nhất khoảng 5 triệu đồng/thiết bị) và công suất phát siêu âm được điều chỉnh theo yêu cầu của đơn vị đặt hàng. Nhóm nghiên cứu cũng đang tập trung để hoàn thiện nhóm sản phẩm mới về thiết bị phát siêu âm công suất đa tần số.

Hiện nay, các trung tâm, phòng thí nghiệm và nghiên cứu của Đại học Huế đang sử dụng thiết bị trên. Nhiều trung thí nghiệm, ứng dụng khoa học, công nghệ, một số bệnh viện, trung tâm dược phẩm cũng đã ứng dụng các thiết bị phát siêu âm vào nghiên cứu và sản xuất.

Tiến sĩ Chương cho biết, nhóm nghiên cứu sẵn sàng hợp tác với các đơn vị để sản xuất các thiết bị phát siêu âm công suất nhất là ứng dụng trên các lĩnh vực xử lý môi trường nước thải bãi rác, bệnh viện, nước nhiễm tảo độc…

Các thiết bị đã được nhóm giảng viên đã chế tạo thành công và đưa vào ứng dụng như: Thiết bị tổng hợp vật liệu tần số 30 kHz, công suất 155 W; máy siêu âm sử dụng trong diệt tảo tần số 42kHz. Các loại máy rửa siêu âm đã được sản xuất, như: máy rửa siêu âm dung tích 2 lít, công suất 100 W; máy rửa siêu âm dùng biến tử kép, dung tích 4 lít, công suất 150 W; máy rửa dạng ống, dung tịch 2.5 lít, công suất 115 W..

Phạm Đó

(nguồn Baodatviet.vn ngày 14/03/2009)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email