Thanh Hóa: Góp ý dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật nuôi thả cánh kiến đỏ

Vừa qua, Ban điều hành và nhóm chuyên gia dự án “Góp phần khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ Mường Lát” (thuộc Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Thanh Hóa) đã có buổi làm việc với Trung tâm nghiên cứu Lâm đặc sản thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) – đơn vị chịu trách nhiệm dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật nuôi thả cánh kiến đỏ.

Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có đủ điều kiện sinh thái nhất định định cho rệp cánh kiến đỏ sinh trưởng và phát triển. Những năm 70, 80 của thế kỷ XX, nhà nước ta đã đầu tư phát triển hàng loạt các lâm trường trồng rừng nuôi thả cánh kiến và sản phẩm nhựa cánh kiến đỏ là mặt hàng xuất khẩu giữ vị trí quan trọng của Việt Nam sang thị trường Liên Xô và các nước khác. Hiện nay, sản phẩm cánh kiến đỏ vẫn được xếp vào mặt hàng “lâm, thổ sản” quý hiếm, có giá trị về thương mại và đời sống sức khoẻ đang được xã hội hết sức quan tâm. Việc nuôi thả cánh kiến đỏ đang là nghề đem lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội và môi trường, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên cho đến nay, nhà nước ta vẫn chưa có Bộ tiêu chuẩn về kỹ thuật nuôi thả cánh kiến đỏ.

Để góp ý dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật nuôi thả cánh kiến đỏ, Ban điều hành dự án đã tổ chức lựa chọn các chuyên gia có nhiều kinh nghiêm đã và đang thực hiện những hoạt động về nuôi thả cánh kiến đỏ tại các địa phương trong tỉnh nhiều năm qua, kết hợp các tiêu chí kỹ thuật tiên tiến với kiến thức bản địa, truyền thống lâu đời của cộng đồng mà dự án đã khuyến cáo trong việc xây dựng thành công các mô hình nuôi thả cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát, cũng như những kinh nghiệm thu được trong các đợt tham quan học hỏi ở các tỉnh phía Bắc có nghề nuôi thả cánh kiến đỏ để bổ sung, góp ý cho dự thảo Tiêu chuẩn này.

Trung tâm nghiên cứu Lâm đặc sản đã đánh giá cao những ý kiến thiết thực này mang ý nghĩa quan trong cả về khoa học lẫn thực tiễn sản xuất của nhóm chuyên gia dự án.

Tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật nuôi thả cánh kiến đỏ sau khi được hoàn thiện và ban hành sẽ là cơ sở để các tỉnh có nghề nuôi thả cánh kiến đỏ có thể xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho địa phương mình.

Theo vusta.vn

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email