Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Tỉnh nhà

Nhiệm vụ bao trùm của MTTQ trong giai đoạn tới là: phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết triệu người như một, xây dựng xã hội lành mạnh, dân chủ, văn minh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, thực tế khẳng định, Mặt trận là tổ chức tập hợp đông đảo nhất, rộng rãi nhất mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi thành phần kinh tế, mọi cá nhân mong muốn phấn đấu “vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hoạt động của Mặt trận dù ở diễn đàn nào, lĩnh vực nào cũng đều là nơi biểu thị ý chí thống nhất và sự đồng thuận xã hội. Mặt trận phải lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, xoá bỏ mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, hoà hợp một khối thống nhất trong đại gia đình Việt Nam; xây dựng ý thức cởi mở, tin cậy lẫn nhau, tạo ra sự đồng bộ trong nhận thức về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành, quản lý có hiệu quả của các cấp chính quyền và tinh thần tự giác thực hiện của mỗi người dân. Trên cơ sở đó, nâng cao hơn nữa sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức trong hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh.

Việc đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận và các lực lượng trong từng tổ chức thành viên của Mặt trận không chỉ thuần tuý bằng tổ chức mà quan trọng hơn là phải thông qua các phong trào hành động cách mạng để tập hợp, đoàn kết quần chúng. Thông qua các phong trào cách mạng, Mặt trận phải làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tình hình, nhiệm vụ, các công việc cụ thể về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng địa phương, đơn vị, địa bàn dân cư để nhân dân hiểu và thống nhất hành động, tạo sự đồng thuận trong nhận thức về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó, nâng cao hơn nữa sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Vì vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết phất đấu vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ, văn minh”. Đẩy mạnh phong trào toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, phát huy cao độ các năng lực và tài năng, sáng tạo, ra sức phát triển sản xuất, làm giàu hợp pháp, từng gia đình làm giàu cho mình, cho cộng đồng. Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Tỉnh ủy đã xác định, đến hết năm 2005 phải xoá nhà tạm, tranh tre dột nát cho người nghèo, trước mắt, tập trung cho đồng bào nghèo ở hai huyện miền núi A Lưới, Nam Đông. Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong rằng, Mặt trận các cấp có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Ngày vì người nghèo“. Trong đó, chú trọng vận động các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, những người có thu nhập và đời sống khá, những nhà hảo tâm tích cực tự nguyện ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” hoặc đăng ký làm nhà ở cho người nghèo ở các địa phương theo điều kiện và khả năng của mình. Đồng thời, tham gia thực hiện tốt các phong trào xây dựng đời sống văn hoá, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân học tập, phong trào xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân¦

Trước mắt UBMTTQ các cấp tổ chức phát động rộng rãi trong toàn thể cán bộ, đảng viên ủng hộ một ngày lương để hỗ E E trợ đồng bào tái định cư cho đồng bào Dương Hoà tái định cư ra nơi ở mới theo chương trình xây dựng hồ Tả Trạch nhằm giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần mở rộng dân chủ ở cơ sở. Như chúng ta đã biết, cơ sở là nền tảng của xã hội, là nơi trực tiếp thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đó chính là nơi quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện một cách trực tiếp, đầy đủ và rộng rãi nhất.

Để làm được điều đó, điều đầu tiên và thường xuyên là phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận rõ và phát huy chế độ dân chủ đại diện, thực hiện có hiệu quả dân chủ trực tiếp để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra“, tạo điều kiện cho mọi người dân được tham gia quyết định những công việc quan trọng, gắn liền với lợi ích chính đáng và hợp pháp của người dân. Mở rộng các hình thức tự quản trong nhân dân trong khuôn khổ pháp luật để dân bàn bạc và thực hiện nhiệm vụ xây dựng các hương ước, quy tắc ứng xử, quy ước làng văn hoá, đơn vị văn hoá. Thực hiện dân chủ phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, gắn liền với kỷ cương, kỷ luật. Xây dựng cộng đồng có lẽ sống trung thực, lối sống cao thượng và nếp sống văn minh, tức là sống và làm việc theo pháp luật là cơ sở đảm bảo cho mọi cá nhân được tư do, phát huy quyền làm chủ của mình. Không thể có dân chủ xã hội chủ nghĩa khi tuyệt đối hoá tự do cá nhân, đối lập với lợi ích và quyền làm chủ của toàn thể nhân dân và toàn thể cộng đồng. Đồng thời, phải đấu tranh làm thất bại mọi mưu tan lợi dụng dân chủ, tự do tôn giáo, nhân quyền nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, xâm hại đến lợi ích của Tổ quốc.

Mặt khác, Mặt trận các cấp phải tạo các điều kiện để các đại biểu dân cử, cán bộ, công chức Nhà nước đi sâu, đi sát, lắng nghe, nắm bắt, tập hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của dân để đề đạt, phản ánh với chính quyền, tham mưu cho các cấp ủy Đảng có biện pháp xử lý những kiến nghị, khiếu nại của dân, tập trung làm tốt công tác hoà giải mẫu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, tạo điều kiện cho dân giám sát cán bộ, giám sát hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền các cấp. Chống sự áp đặt, mất dân chủ, không tôn trọng quyền làm chủ chính đáng của dân. Có như vây, chúng ta mới thực sự “lấy dân làm gốc“, mới “an dân” để xây dựng quê hương, đất nước.

Đi đôi với thực hiện quy chế dân chủ là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường chỉnh đốn kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính và xã hội, trong đó, tập trung mũi nhọn đấu tranh chống tham nhũng, tệ sách nhiễu dân, coi thường kỷ luật và tắc trách trong công việc. Thực hiện nghiêm quy chế công chức và chế độ công vụ gắn với đề cao trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ và phục vụ nhân dân. Mọi cán bộ, đảng viên và đặc biệt là cán bộ làm công tác Mặt trận phải khắc phục được tình trạng ngại đi cơ sở, tình trạng “bàn giấy”, quan liêu, xa dân, ngại tiếp xúc với dân, không muốn đối thoại với dân; tập trung hướng mạnh về cơ sở, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, bằng phương châm “thiết thực, mạnh mẽ, cụ thể, sát dân“.

Vấn đề cuối cùng, để hoàn những nhiệm vụ cao cả và trọng trách của mình, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục nâng cao năng lực, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hoá trong tổ chức và cơ chế hoạt động. Thực hiện nguyên tắc: kiên trì giáo dục, thuyết phục, đôi khi phải biết chờ đợi nhằm khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Mặt trận phải là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, là nơi nhân dân tin tưởng bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, đóng góp trí tuệ, sáng kiến với Đảng, Nhà nước và là chỗ dựa để nhân dân tham gia đấu tranh với những hành vi và luận điệu sai trái nhằm bảo vệ sự thống nhất của cộng đồng và lợi ích chính đáng của mọi người dân. Đồng thời tăng cường củng cố, kiện toàn, có kế hoạch cụ thể bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp, đặc biệt là ban công tác mặt trận ở địa bàn dân cư phải đến từng hộ gia đình, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng người dân, nói cho dân nghe, đồng thời phải nghe dân nói; làm cho mọi người dân trở thành cán bộ dân vận, vận động lẫn nhau, tạo ra mạng lưới dân vận rộng khắp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, không ngừng đưa sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân lên tầm cao mới và chiều sâu mới.

Trích bài phát biểu của đồng chí Hồ Xuân Mãn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ VI

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email