Đá ốp lát tự nhiên khi mới khai thác ở dạng hình hộp chữ nhật, sau khi chế tác mới được xẻ thành tấm và gia công theo yêu cầu của từng hạng mục công trình. Vì phải mất rất nhiều thời gian đá mới được tạo ra, tương đương với cả quá trình hình thành và biến đổi của vỏ trái đất, lại chứa vô vàn các vật chất khác nhau nên đá tự nhiên rất hiếm và có vẻ đẹp độc đáo không thể sao chép.
Đá ốp lát chủ yếu được khai thác và chế biến thành từng tấm đá khổ. Chúng được sử dụng nhiều trong các ngành như: xây dựng, trang trí nhà cửa, trang trí nội thất,… Tuy nhiên, trong quá trình chế biến đá sẽ phát sinh các yếu tố môi trường bị tác động như:
– Đối với không khí
Quá trình chế biến đá có các công đoạn gây ra ô nhiễm không khí gồm: Cưa, mài, đánh bóng, sẽ tạo ra một lượng bụi nhất định. Tuy nhiên, phân xưởng đã khắc phục bằng cách dùng nước để hạn chế bụi trong các công đoạn và tăng độ bền của các trang thiết bị (lưỡi cưa, đầu mài…).
– Đối với tiếng ồn
Phát sinh tiếng ồn nhiều nhất trong phân xưởng chế biến đá là công đoạn xẻ đá. Nếu không có biện pháp giảm thiểu tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, sức khỏe của những cán bộ công nhân trong phân xưởng. Tuy nhiên, thường thấy thực tế ở các công ty chế biến đá đã làm giảm tiếng ồn bằng cách tăng lượng nước cấp cho máy cưa. Bằng biện pháp này nên ở các công ty giảm được tiếng ồn trong phân xưởng.
– Nước thải
Để tăng độ bền của các trang thiết bị, làm giảm bụi, tiếng ồn trong phân xưởng, các công ty đã sử dụng bình quân khoảng 01m3/h đến 10 m3/h để phục vụ quá trình chế biến đá. Lượng nước này sẽ được thải ra ngoài hoàn toàn, trong nước thải chủ yếu chứa bột đá do quá trình cưa, mài… Để hạn chế lượng nước cấp và thu hồi bột đá, công ty đã tiến hành xây dựng bể chứa nước thải (thể tích 10m3) có ngăn để lắng và tuần hoàn nước thải để phục vụ chế biến, giảm được lượng nước thải ra môi trường. Nước thải trong quá trình chế biến gần như không có, cần phải bổ sung thêm nguồn nước do quá trình bay hơi.
– Chất thải rắn
Quá trình chế biến sẽ tạo ra chất thải rắn ở các công đoạn xẻ đá khối, cắt, mài… chất thải rắn gồm đá bìa, bột đá. Đối với đá bìa tấm lớn và dày, tận dụng làm đá chẻ để kinh doanh, đá bìa mỏng dùng để làm đường, dùng làm mặt hàng đá 4×6. Đối với những đá nhỏ hơn thực sự là chất thải. Nhưng trong thực tế lượng thải này không lớn có thể dùng để rải trong khuôn viên và có thể làm vật liệu xây dựng thông thường.
– Tác động đối với kinh tế xã hội
Chế biến đá ốp lát đang mang lại nhiều ý nghĩa cho kinh tế – xã hội. Tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tạo thêm việc làm cho xã hội, tăng nguồn ngoại tệ và ngân sách cho đất nước, đa dạng sản phẩm để phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tăng khả năng gọi vốn đầu tư trong chế biến đá granit, đào tạo được đội ngũ công nhân lành nghề có kỹ thuật đối với quá trình chế biến đá.
BÙI THẮNG