Thừa Thiên Huế có một số loại khoáng sản nằm rải rác khắp trên địa bàn tỉnh như: Đá vôi, đá granít, Kaolin… phân bố ở các huyện vùng núi và gò đồi dùng làm vật liệu xây dựng. Mỏ nước khoáng ở huyện Phong Điền đang khai thác, nhưng quy mô còn nhỏ.
Khoáng sản có tiềm năng lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế là sa khoáng Titan, khoáng chất công nghiệp Kaolin, cát thuỷ tinh, than bùn, vàng và vật liệu xây dựng. Khoáng sản có giá trị kinh tế lớn nhất và giàu tiềm năng là khoáng chất công nghiệp, trong đó quan trọng nhất là nguyên liệu cát trắng nguyên liệu thủy tinh, gốm sứ…
Các mỏ sa khoáng titan của tỉnh phân bố tập trung trên các dãi cát ven biển xen lẫn khu vực dân cư. Các mỏ sa khoáng này đều chứa khoáng vật nặng; trong đó, có các khoáng vật chứa các nguyên tố mang tính phóng xạ tự nhiên.
Thừa Thiên Huế còn là tỉnh duy nhất ở vùng Bắc Trung Bộ có mỏ Pyrit thuộc Bản Gôn huyện Nam Đông. Ngoài ra, trong một số văn liệu còn ghi nhận nhiều điểm khác song có trữ lượng thấp, ít có triển vọng khai thác với quy mô công nghiệp. Ngoài các khoáng sản, khoáng chất công nghiệp nêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có than bùn, quặng sắt, vàng, khoáng sản thiếc và wolfram, đá ốp lát.
Tài nguyên nước (bao gồm cả nước nhạt và nước khoáng nóng) được phân bố tương đối đều trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng trữ lượng nước dưới đất ở các vùng đã nghiên cứu ở cấp C1 đạt gần 9.200 m3/ngày. Trên địa bàn tỉnh còn có một số nguồn nước khoáng nóng có thể sử dụng để uống và chữa bệnh (đáng chú ý nhất trong số này là ba điểm Thanh Tân, Mỹ An và A Roàng).
Nhìn chung, Thừa Thiên Huế có nhiều tài nguyên khoáng sản, nhưng trữ lượng không lớn. Hiện tại, đã khai thác, nhưng chưa được tập trung đầu tư lớn để khai thác chế biến để có giá trị kinh tế cao hợp lý phục vụ cho lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó vấn đề biến đổi khí hậu cũng đang là thách thức đối với nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh.
Những năm gần đây tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi thất thường. Các loại hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến lĩnh vực khoáng sản đó là mưa bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Các đợt mưa bão có lượng và cường độ lớn sẽ gây ngập các mỏ khoảng sản ở các khu vực thấp, hoặc gây ra lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở sẽ làm vùi lấp các mỏ khoáng sản và gây khó khăn hơn cho quá trình điều tra, thăm dò và khai thác khoáng sản, đồng thời gia tăng sự phát tán các kim loại độc hại trong chất thải mỏ, gây ô nhiễm môi trường. Nắng nóng kéo dài góp phần làm cho hạn hán xảy ra nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn, dẫn đến hiện tượng nhiễm mặn ở một số khu vực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác khoáng sản cần nhu cầu nước cao. Nước biển dâng do bão lũ, do triều cường dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến chất lượng tài nguyên khoáng sản ven biển.
BÙI THẮNG