Tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học

     Đa dạng sinh học (ĐDSH) và Biến đổi khí hậu (BĐKH) có sự tương tác lẫn nhau, phản ứng của ĐDSH với BĐKH ngày càng rõ rệt, đó là sự suy giảm các hệ sinh thái, sự dịch chuyển khu phân bố về phía cực và lên các vùng cao. Có thể phân tích tác động của BĐKH tới ĐDSH dựa trên các hậu quả của BĐKH gây ra gồm: nhiệt độ, lượng mưa tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần xã sinh vật của nhiều hệ sinh thái, ngập lụt, xâm ngập mặn cũng ngày càng gia tăng.

Tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng địa hình nằm trong vùng sinh thái Trung Trường Sơn nên có nguồn tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú. Không chỉ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao về các loài động thực vật bậc cao, Thừa Thiên Huế còn có các kiểu hệ sinh thái, gồm: tài nguyên rừng, tài nguyên sinh vật và hệ sinh thái thủy vực. Trong đó, thể hiện đặc trưng nhất tại 4 khu rừng đặc dụng: Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn Sao La và vùng rừng đặc dụng phía Tây Nam Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do nằm trong vùng chịu tác động mạnh của thời tiết cực đoan, BĐKH, nên ĐDSH của tỉnh trong những năm gần đây bị ảnh hưởng đáng kể.

Tác động của BĐKH tới ĐDSH chủ yếu thông qua sự biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa tạo nên lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán trên diện rộng, cháy rừng…. Sự biến đổi này sẽ có tác động mạnh, nhanh tới các loài có biên độ sinh thái hẹp và ít có khả năng di chuyển. Nhóm các loài đặc hữu và có vùng phân bố hẹp là một trong những nhóm loài nhạy cảm nhất với BĐKH. Khi các yếu tố sinh thái này thay đổi, để tồn tại phải dịch chuyển vùng phân bố tới những khu vực có điều kiện sinh thái phù hợp hơn.

Về nhiệt độ, với đặc trưng những đợt nắng nóng kéo dài và nhiệt độ trung bình có thời điểm trên 40 độ là nguyên nhân dẫn đến khô hạn làm nguồn thủy sinh vật nội địa giảm sút. Bên cạnh đó nhiệt độ tăng cao làm có nguy cơ suy giảm về mặt đa dạng sinh học, đặc biệt là khu vực đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Lượng mưa thay đổi thất thường làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài sinh vật, có thể làm sáo trộn quần thể sinh vật trong hệ sinh thái ven biển, hệ sinh thái đầm phá. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực ven biển, cửa sông và đầm phá trên địa bàn tỉnh. Xâm nhập mặn có thể tạo điều kiện mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn và hệ sinh thái cỏ biển, rong biển phát triển mạnh hơn, tuy nhiên xâm nhập mặn tăng nhanh và ăn sâu vào đất liền sẽ làm giảm, thu hẹp nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đồng thời cũng giảm sự thích nghi của nhiều loài sinh vật.

BÙI THẮNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email