Từ lâu Thừa Thiên Huế đã được biết đến là một trung tâm giáo dục và đào tạo lớn của khu vực miền Trung và cả nước, với Đại học Huế có bề dày lịch sử trên 50 năm, là một trung tâm đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô đào tạo lớn nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một lợi thế rất lớn của Thừa Thiên Huế trong việc cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức đông đảo và ngày càng phát triển. Số lượng trí thức có học hàm, học vị cao tăng nhanh. Riêng trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo có 205 giáo sư, phó giáo sư, gần 500 tiến sĩ, khoảng 2.000 thạc sĩ và gần 200 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, trí thức khoa học và công nghệ người Thừa Thiên Huế ở trong nước và nước ngoài; điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên, các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên và đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ phát huy tiềm năng trí tuệ của mình để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển cộng đồng; tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống… Hiện nay, Liên hiệp hội có 39 tổ chức thành viên, 07 trung tâm trực thuộc, đội ngũ trí thức phát triển nhanh, chất lượng ngày càng được tăng cao và có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm trách những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp.
Liên hiệp hội có nhiều hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và phổ biến kiến thức cho quần chúng…Nhiều hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã khơi dậy, nâng cao sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Một trong những hoạt động nổi bật của Liên hiệp hội trong thời gian qua là tổ chức các hoạt động sáng tạo khoa học như: Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng (Cuộc thi) nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của Thanh thiếu niên, Nhi đồng trong tỉnh, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai; Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (Hội thi) nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ (Giải thưởng) nhằm khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống, đồng thời nhằm tôn vinh, ghi nhận công lao của các tổ chức và cá nhân có đóng góp nổi bật cho khoa học công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của quê hương, đất nước.
Để đẩy mạnh hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, Liên hiệp hội luôn tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo khoa học công nghệ. Với 7 lần tổ chức Cuộc thi, Giải thưởng và 6 lần tổ chức Hội thi, các hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh ngày càng có những tiến bộ. Số lượng và chất lượng các đề tài, công trình và giải pháp dự thi không ngừng phát triển. Đến nay, đã có gần 1.500 mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi, 278 công trình tham gia Giải thưởng và 226 giải pháp tham dự Hội thi, trong đó có 91 mô hình, sản phẩm được trao giải Cuộc thi, 163 công trình được trao Giải thưởng và 124 giải pháp được trao giải thưởng Hội thi cấp tỉnh. Số lượng các đề tài, giải pháp, công trình đạt giải toàn quốc ngày càng tăng, thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên, nhà giáo, nông dân, công nhân, nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học tham gia. Nhiều đề tài khoa học, công trình dự thi được triển khai, ứng dụng rộng rãi góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh như: các công trình, giải pháp kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế; sử dụng chế phẩm sinh học Bokashi – Trầu vào nuôi trồng thuỷ sản; nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp etylen và ứng dụng trong bảo quản chuối tiêu Nam Đông; các giải pháp kết nối mở rộng hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu cho lưới điện trung áp tỉnh Thừa Thiên Huế; cụm công trình Chế tạo bạc nano bằng phương pháp sinh học và ứng dụng…Nhiều công trình trên lĩnh vực y tế đã được ứng dụng rộng rãi góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngoài các hoạt động sáng tạo được triển khai theo hệ thống của Liên hiệp hội, trên địa bàn tỉnh còn có một số hoạt động thi đua sáng tạo khác như: Giải thưởng Cố đô về khoa học, công nghệ, Hội thi Tin học trẻ không chuyên và Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ, nhiều đề tài, công trình, giải pháp có tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng đã thực sự đi vào đời sống, sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường… Qua việc tổ chức các hoạt động thi đua sáng tạo khoa học công nghệ, cho thấy: Các đề tài nghiên cứu khoa học của Thừa Thiên Huế có thế mạnh và tập trung vào các lĩnh vực: Khoa học, xã hội và nhân văn; Y dược; Công nghệ sinh học. Một số lĩnh vực chưa mạnh như: Công nghệ vật liệu, cơ khí và tự động hóa, công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới…Ngoài ra, một số lĩnh vực tuy đã được tỉnh quan tâm, đầu tư từ lâu như: Công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông…nhưng số lượng các công trình tham gia dự thi trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế và chất lượng chưa cao.
Nhìn chung, hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa thật sự xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo quản lý, chưa có sự đầu tư thích đáng, thiếu vắng những công trình, giải pháp có giá trị trong lĩnh vực quan trọng.
Thành quả của việc nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần thúc đẩy phát triển ở từng lĩnh vực và toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt là không ít các công trình, đề tài nghiên cứu được đánh giá đạt loại xuất sắc, tham gia Giải thưởng, Hội thi đạt giải cao nhưng vẫn phải “xếp xó” do chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, thị trường khoa học công nghệ chưa thực sự phát triển, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Trong bối cảnh hiện nay, để phát huy những thành tựu và tài năng khoa học trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động sáng tạo, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một Trung tâm Khoa học Công nghệ”, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
– Tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu: Chính sách này cần thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, từ việc tăng thêm ngân sách hàng năm của tỉnh đến việc tăng tỷ lệ ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở từng trường, từng ngành và các doanh nghiệp. Tất nhiên, không phải tăng kinh phí một cách bình quân chủ nghĩa mà nên đầu tư có trọng điểm.
– Cần có cơ chế phù hợp cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng: Hiện nay, ta đang theo cơ chế “xét duyệt” nhiệm vụ nghiên cứu và “đấu thầu” đề tài. Do vậy, bên cạnh cơ chế này, cần có cơ chế “giao” đề tài cho những cá nhân, đơn vị có khả năng, lợi thế thực hiện để tài.
– Lãnh đạo tỉnh cần quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo kỹ thuật như : Cuộc thi, Hội thi và Giải thưởng Sáng tạo khoa học. Để các hoạt động này tương xứng với tiềm năng của tỉnh, cần tăng thêm ngân sách hàng năm bổ sung cho Quỹ hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật, nâng mức giải thưởng theo qui định của Bộ Tài Chính.
– Cần có chính sách vinh danh những nhà khoa học tài năng, có nhiều đóng góp cho sư nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh nhà.
Với hệ thống các trường đại học và cao đẳng, viện, phân viện đóng trên địa bàn tỉnh hiện nay, chúng ta có một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học, một đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao và đủ khả năng triển khai các công trình nghiên cứu và ứng dụng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đó là những tiềm năng và thuận lợi không phải địa phương nào cũng có được. Việc phát huy thuận lợi, khai thác tiềm năng khoa học của địa phương để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà là trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh./.
Trần Giải