Quy Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế: Nhìn lại hai năm hoạt động

Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế (Quỹ) là một tổ chức tài chính nhà nước được thành lập theo Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 13/ 01/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2016 và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

 

Những kết quả đầu tiên đạt được đã tạo đà cho sự phát triển Quỹ. Song hành với việc xây dựng tổ chức, Quỹ đã tích cực quảng bá, giới thiệu thông tin về hoạt động của Quỹ đến cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh và nỗ lực kết nối nhu cầu khách hàng và hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Đến nay, Quỹ đã tiến hành thẩm định 08 dự án với giá trị đề nghị cho vay 86.000 triệu đồng và đã ký kết được 05 hợp đồng tín dụng với tổng giá trị cam kết cho vay là 41 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ tín dụng tại Quỹ là 12.522 triệu đồng, chưa xuất hiện các khoản nợ quá hạn, nợ xấu. Quỹ đã đàm phán ký kết hợp đồng tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng theo quy định. Đặc biệt, loại hình giao dịch bảo đảm lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn là rừng sản xuất là rừng trồng gỗ lớn – chưa một tổ chức tín dụng chuyên nghiệp nào trên địa bàn thực hiện được.

 

Ký hợp đồng tín dụng đồng tài trợ cho Dự án Công viên Kim Đồng của Công ty CP Sunrise cùng với Vietinbank Nam TT Huế với số tiền cam kết cho vay lớn nhất kể từ khi thành lập Quỹ (20 tỷ đồng)

Quỹ nhận ủy thác quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh từ 2016, đã tiếp nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và giải ngân hỗ trợ chuyến bay Huế – Bangkok và ngược lại. Hiện Quỹ đang tổ chức nghiên cứu để tiếp tục nhận ủy thác các Quỹ tài chính địa phương khác.

Bên cạnh hoạt động cho vay, Quỹ cũng đã chủ động nghiên cứu một số mô hình đầu tư trực tiếp làm tiền đề cho kế hoạch giai đoạn 2017 – 2020 như: các dự án vận tải hành khách công cộng, dự án trường mầm non tư thục; dự án nhà ở xã hội… Việc nghiên cứu về cách thức tiến hành phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cũng được đặt ra cho các dự án có nhu cầu về vốn lớn để đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định huy động.

Hoạt động bảo lãnh tín dụng đã được thực hiện tốt, Quỹ đã tiến hành làm việc và hướng dẫn trực tiếp các doanh nghiệp có nhu cầu về bảo lãnh tín dụng các hồ sơ thủ tục cần thiết để tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, Quỹ chỉ mới phát hành được duy nhất một chứng thư bảo lãnh với giá trị bảo lãnh 200 triệu đồng.

Phát huy yếu tố con người, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và các sáng kiến.

Chuyên viên nghiệp vụ của Quỹ với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ đã không ngừng nghiên cứu các chuyên đề, đề tài nhằm phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Quỹ. Nổi bật là giải pháp sáng tạo kỹ thuật “Xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Thừa Thiên Huế” đã được Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2017 đánh giá cao và trao giải Khuyến khích bởi tính sáng tạo, tính ứng dụng của đề tài này.

 

Những kết quả đã được là sự nỗ lực của của tập thể Quỹ và đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao, đó là: Việc thành lập, hoạt động Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV – một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế theo mô hình độc lập, chuyên nghiệp đã phát huy được tác dụng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh theo đúng Nghị quyết thành lập của HĐND tỉnh; định hướng Nghị quyết tỉnh đảng bộ 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết về “Năm doanh nghiệp 2016, 2017” của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội nghị tổng kết công tác 2017, triển khai nhiệm vụ 2018

Tuy nhiên, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Đến nay, các doanh nghiệp có nhu cầu về vay vốn tìm đến Quỹ vẫn chưa nhiều so với số lượng các doanh nghiệp trong tỉnh. Một trong các nguyên nhân là Quỹ chỉ cho vay trung và dài hạn thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh. Thực tế, danh mục này khó áp dụng với các doanh nghiệp tại tỉnh: đối với các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn như các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng môi trường thường nguồn vốn của Quỹ không đủ để đáp ứng cho cả dự án; mặt khác, đối với các dự án có tổng mức đầu tư nhỏ như các dự án nông, lâm, ngư nghiệp … thì các chủ đầu tư thường hoạt động theo mô hình nhỏ lẻ, khó đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục, hồ sơ của Quỹ.

Áp lực triển khai chức năng đầu tư trực tiếp vào các Dự án thuộc danh mục của Quỹ là khá lớn, nhiều khó khăn; trong khi kinh nghiệm, nguồn lực con người còn nhiều hạn chế, đòi hỏi tập thể Quỹ cần phải hết sức nỗ lực vươn lên.

Liên quan đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 01/01/2018; Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được cụ thể hóa tại Luật này đã phần nào gỡ được những vướng mắc trong quá trình thực hiện báo lãnh tín dụng, đó là: “…Việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ trước mắt là phải xây dựng Quỹ thành một định chế tài chính chuyên nghiệp. Quỹ phải đóng vai trò tạo vốn mồi, định hướng hoạt động đầu tư vào dự án quan trọng của tỉnh; trong đó chú trọng vào việc huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân cùng tham gia các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) và bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, Quỹ làm cầu nối giúp UBND tỉnh tiếp cận và huy động được vốn trên thị trường vốn cho đầu tư phát triển./.

Tác giả: Dương Nguyễn Xuân Trang

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email