Tác giả: Thuỷ Tiên dịch
- Thế Chiến thứ nhất
Chiến trường của thế kỷ 20 đã thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực phẫu thuật và mang lại vô số bài học quý báu cho các bác sĩ, và rồi được áp dụng để điều trị các bệnh nhân không liên quan đến chiến tranh. Tuy nhiên, đáng tiếc là các nguyên tắc phẫu thuật quân sự và sơ tán thương vong có nguồn gốc từ thời kỳ Chiến tranh Napoleon phải được học lại từ đầu.
Thế Chiến thứ nhất đã tạo ra một sự thay đổi đột ngột về sự phân cấp phẫu thuật và quy tắc truyền thống hiện có. Các bác sĩ phẫu thuật châu Âu không cần phải trải qua giai đoạn thực tập kéo dài và học nghề trong nhiều năm trước khi trở thành bác sĩ phẫu thuật độc lập và chính thức. Hơn nữa, trước chiến tranh, các bác sĩ trẻ tuổi đã được đào tạo thực hiện phẫu thuật trong môi trường “sạch”, trong điều kiện không có vi khuẩn hoặc nhiễm trùng. Bấy giờ họ phải đối mặt với việc điều trị một số lượng lớn vết thương bị nhiễm trùng nặng trong các phòng mổ tạm thời. Trong quá trình này, các bác sĩ trẻ đã phải học lại kỹ thuật cắt lọc, một kỹ thuật quan trọng trong việc xử lý các vết thương nhiễm trùng, bằng cách loại bỏ mô chết và mô đang chết cùng với các vật thể lạ từ vùng bị tổn thương.
Các bác sĩ thâm niên đề xuất quay lại sử dụng phương pháp phẫu thuật của Lister (sử dụng thuốc khử trùng để ngăn nhiễm trùng), nhưng nhận thấy rằng dù thuốc khử trùng có mạnh đến đâu, thì vẫn không đủ để ngăn chặn sự thối rửa và sự xuất hiện căn bệnh hoại thư. Tuy nhiên, một phương pháp tưới sát trùng – do Alexis Carrel và Henry Dakin nghĩ ra và gọi là phương pháp điều trị Carrel-Dakin – dù có ích, nhưng nó chỉ hiệu quả khi vết thương đã được loại bỏ mô chết một cách đầy đủ. Bệnh uốn ván và hoại thư sinh hơi đã được kiểm soát đáng kể bằng cách tiêm antitoxin (thuốc kháng độc tố) và antiserum (kháng huyết thanh), nhưng việc phẫu thuật để điều trị vết thương vẫn là một yêu cầu thiết yếu.
Những bệnh nhân bị thương vùng bụng đã trải qua những thời kỳ khó khăn trong năm đầu của chiến tranh, vì kinh nghiệm từ chiến tranh Nam Phi đã dẫn đến quan điểm rằng nên để cho bệnh nhân tự phục hồi mà không cần đến phẫu thuật. May mắn thay, sau 15 năm, người ta nhận ra rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách điều trị vết thương bụng như trước là sai lầm, vậy nên họ đã nỗ lực thực hiện đưa người bị thương đến các đơn vị phẫu thuật một cách nhanh chóng để có biện phương pháp điều trị tốt nhất. Không có sự tiến bộ đáng kể nào liên quan vết thương ngực ngoài việc mở rộng vết thương để loại bỏ mủ từ khoang màng phổi giữa thành ngực và phổi.
Có lẽ lợi ích đáng giá và lâu dài nhất có được từ Thế Chiến thứ nhất là việc phục hồi sức khỏe cho những người bị thương. Gần như lần đầu tiên, các bác sĩ phẫu thuật đã nhận ra rằng công việc của họ không chỉ dừng lại ở việc phẫu thuật và điều trị vết thương cho đến khi nó lành. Năm 1915, Robert Jones thành lập các cơ sở đặc biệt dành cho bệnh nhân chỉnh hình, đồng thời Harold Gillies thành lập cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở Anh tại một túp lều ở Sidcup, Kent. Năm 1917, Gillies đã phổ biến phương pháp ghép da kiểu “pedicle” (là loại cấy da mà trong đó lớp da và mô dưới da được tạm thời giữ kết nối với vị trí mà nó được lấy để đảm bảo cung cấp dưỡng chất cho đoạn da cấy trong một thời gian). Kể từ đó phẫu thuật thẩm mỹ đã mang lại nhiều kỹ thuật và nguyên tắc cho các ngành phẫu thuật khác.
- Giữa hai Cuộc Chiến tranh Thế giới
Những năm giữa hai cuộc Thế chiến có thể được coi là thời điểm mà phẫu thuật củng cố vị trí của nó. Ngay cả trong thế kỷ 19, đã có nhiều thành tựu đầu tiên trong phẫu thuật và một lượng lớn nghiên cứu cơ bản đã được thực hiện. Mặc dù đã có sự tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật, nhưng không thể áp dụng một cách thực tế vì cơ thể con người không thể chịu đựng được các phương pháp phẫu thuật cứng rắn và chưa được tối ưu hóa được thử nghiệm trước đó. Trong những năm giữa hai cuộc Thế Chiến, những người trong lĩnh vực y học và phẫu thuật nhận ra rằng kiến thức về sinh lý (trong nghĩa rộng nhất, bao gồm cả hóa sinh, cân bằng chất lỏng và điện giải) có tầm quan trọng lớn, cùng với kiến thức về giải phẫu, bệnh lý và kỹ thuật phẫu thuật.
2.1. Vấn đề về sốc
Vấn đề đầu tiên cần giải quyết là sốc, được hiểu ngắn gọn là do lượng máu cần thiết để duy trì hoạt động của cơ thể giảm. Để đối phó với sự sốc, cần phải khôi phục lượng máu trong cơ thể, và cách hiển nhiên để làm điều này là sử dụng máu. Năm 1901, Karl Landsteiner, lúc đó đang ở Áo, đã phát hiện ra các nhóm máu A, B, và O, và vào năm 1914, sodium citrate là một chất được thêm vào máu để ngăn cản sự đông máu. Trong Thế Chiến thứ nhất, việc truyền máu thỉnh thoảng được thực hiện, nhưng một lượng máu có dung tích khoảng ba phần tư pint đã được xem là một lượng lớn. Việc truyền máu này được thực hiện bằng cách nối trực tiếp ống dẫn máu từ tĩnh mạch của người hiến máu với tĩnh mạch của người cần máu. Phương pháp nhỏ giọt liên tục, trong đó máu chảy từ bình, được Hugh Marriott và Alan Kekwick giới thiệu tại Bệnh viện Middlesex, London, vào năm 1935.
Truyền máu. Nguồn: https://www.britannica.com/science/blood-transfusion
Khi việc truyền máu tăng lên về tần suất và số lượng thì cần phải thiết lập các cơ sở lưu trữ và phân phối máu, gọi là ngân hàng máu. Mặc dù phải mất một Thế Chiến nữa trước khi những điều này được tổ chức trên quy mô lớn, những bước thăm dò đầu tiên đã được thực hiện bởi Sergey Sergeyevich Yudin ở Moscow, ông đã sử dụng máu từ tử thi vào năm 1933, và bốn năm sau đó, Bernard Fantus ở Chicago, đã sử dụng máu từ những người hiến máu đang sống. Dung dịch muối, huyết tương, chất tăng trương huyết tương nhân tạo và các dung dịch khác cũng được sử dụng trong những trường hợp thích hợp.
Đôi khi sau các cuộc phẫu thuật (đặc biệt là phẫu thuật vùng bụng), ruột trở nên tê liệt. Ruột có thể căng to, khi đó lượng chất lỏng lớn sẽ chảy vào, làm cơ thể mất nước. Năm 1932, Owen Wangensteen tại Đại học Minnesota đã đề xuất một biện pháp để giảm áp ruột, và vào năm 1934, hai người Mỹ khác, Thomas Miller và William Abbott ở Philadelphia, đã phát minh ra một thiết bị cho mục đích này, gồm một ống có bóng bơm có thể được đưa vào ruột non. Lượng chất lỏng bị mất từ mô đã được thay thế bằng một dòng liên tục của dung dịch muối thông qua truyền tĩnh mạch theo nguyên tắc được mô tả bởi Rudolph Matas ở New Orleans vào năm 1924. Những kỹ thuật này đã cải thiện đáng kể phẫu thuật bụng, đặc biệt là trong các trường hợp tắc nghẽn, viêm phúc mạc (viêm màng bụng) và các trường hợp khẩn cấp nói chung, vì chúng có thể giữ cho ruột trống và ở trạng thái nghỉ ngơi sau phẫu thuật.
2.2. Gây mê và phẫu thuật lồng ngực
Những bước tiến trong lĩnh vực gây mê từ những năm 1920 trở đi đã cho phép các bác sĩ phẫu thuật có nhiều tự do hơn. Gây tê trực tràng chưa bao giờ đạt được hiệu quả và hài lòng trong quá trình phẫu thuật, và cải tiến đầu tiên về sự kết hợp của nitrous oxide, oxygen và ether là sự giới thiệu của chất gây mê tổng hợp cyclopropane bởi Ralph Waters ở Madison, Wisconsin, vào năm 1933. Ngay sau đó, thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch đã được giới thiệu. John Lundy của Phòng khám Mayo đã đã sử dụng một loại chất gây mê tên là Pentothal (natri thiopental, một loại barbiturate) để đưa bệnh nhân vào giấc ngủ một cách êm dịu và hiệu quả. Sau đó, vào năm 1942, Harold Griffith và G. Enid Johnson ở Montreal đã gây tê liệt cơ bằng cách tiêm một dạng tinh chế của curare. Điều này vô hại vì lúc đó, bác sĩ gây mê đã có thể kiểm soát được nhịp thở của bệnh nhân.
Nếu có một nhóm người nhận được nhiều lợi ích từ tiến bộ trong lĩnh vực gây mê hơn bất kỳ nhóm nào khác, thì đó chính là các bác sĩ phẫu thuật ngực. Điều thách thức phẫu thuật lồng ngực trước đây là tình trạng xẹp phổi, xảy ra bất cứ khi nào khoang màng phổi được mở ra. Từ cuối thế kỷ 19, đã có nhiều phương pháp thông minh được phát minh để ngăn chặn điều này xảy ra. Nổi tiếng nhất là tủ áp lực âm của Ernst Ferdinand Sauerbruch, lúc đó được đặt tại phòng khám của Mikulicz ở Breslau; chiếc tủ này lần đầu được giới thiệu và trình diễn vào năm 1904 nhưng đã sớm trở nên lỗi thời.
Giải pháp nằm ở việc gây mê đường hô hấp được thực hiện dưới áp lực. Thật vậy, vào năm 1891, khi Théodore Tuffier đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thành công phần đỉnh của phổi bị bệnh lao, đây chính là kỹ thuật mà ông đã sử dụng; ông thậm chí còn bổ sung thêm một vòng bít bơm hơi xung quanh ống được đưa vào khí quản để đảm bảo kín khí. Tuy nhiên, Tuffier đã tiên phong so với thời đại của ông, nhưng sau đó, nhiều bác sĩ phẫu thuật và nhà nghiên cứu đã đi vào các hướng phức tạp và rối rắm trước khi Ivan Magill và Edgar Rowbotham, làm việc tại bộ phận phẫu thuật thẩm mỹ của Gillies, tìm ra cách trở lại với sự đơn giản khi sử dụng ống nội khí quản và áp lực dương. Năm 1931, Ralph Waters chứng minh rằng có thể kiểm soát được quá trình hô hấp bằng cách bóp túi gây mê bằng tay hoặc sử dụng một động cơ nhỏ.
Những tiến bộ này khiến phẫu thuật lồng ngực trở nên hiện đại hơn. Vào những năm 1920, các ca phẫu thuật chủ yếu được thực hiện đối với các tình trạng nhiễm trùng và là biện pháp cuối cùng. Các ca phẫu thuật thường không phức tạp và hạn chế trong phạm vi phương pháp điều trị “collapse therapy” (làm xẹp hoặc làm giảm thể tích của một hoặc vài phần của phổi bị ảnh hưởng bởi bệnh lao), bao gồm phẫu thuật cắt bỏ xương sườn, làm xẹp đỉnh phổi sau đó đóng kín để ngăn không khí xâm nhập vào, và làm tê liệt cơ hoành ở phần được chọn; cách ly khu vực phổi cần được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật thông qua việc tạo đoạn kết màng phổi; và thải dịch.
Các vấn đề kỹ thuật của phẫu thuật ở ngực rất khó khăn cho đến khi Harold Brunn ở San Francisco báo cáo sáu ca phẫu thuật lobectomies (cắt thùy phổi) vì bệnh giãn phế quản chỉ có một trường hợp tử vong. (Trong bệnh giãn phế quản, một hoặc nhiều phế quản hoặc tiểu phế quản bị giãn và viêm mãn tính, tiết ra nhiều chất nhầy trộn lẫn mủ). Bí quyết thành công của Brunn là việc sử dụng phương pháp hút ngắt quãng sau phẫu thuật để giữ cho không gian bên trong khoang ngực không có dịch tiết, cho phép các phần còn lại của phổi mở rộng và lấp đầy không gian bị loại bỏ. Năm 1931, Rudolf Nissen ở Berlin đã cắt bỏ toàn bộ một bên phổi của một cô gái bị giãn phế quản. Cô đã hồi phục và chứng minh được rằng những rủi ro không tệ như người ta lo sợ.
Ung thư phổi đã trở thành một căn bệnh lớn của thế kỷ 20, và sự gia tăng này có thể là do sự gia tăng thực sự của số ca bệnh hoặc có thể là do các kỹ thuật chẩn đoán được cải tiến. Quay trở lại năm 1913, một người xứ Wales, Hugh Davies, đã thực hiện việc cắt bỏ một phần của phổi cho một trường hợp ung thư. Tuy nhiên, sự phát triển quan trọng bắt đầu khi Evarts Graham cắt bỏ toàn bộ một bên phổi để điều trị ung thư vào năm 1933. bệnh nhân trong trường hợp này, một bác sĩ, vẫn sống vào thời điểm thời điểm Graham qua đời vào năm 1957.
Phần ngực của thực quản là một vị trí khó tiếp cận, tuy nhiên, vào năm 1909, bác sĩ người Anh Arthur Evans đã thực hiện thành công một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ nó để điều trị ung thư. Trước năm 1944, kết quả của các cuộc phẫu thuật này thường không tốt, nhưng vào năm 1944, John Garlock ở New York đã cho thấy có thể cắt bỏ thực quản và đưa dạ dày lên trên qua phần ngực và nối lại với phần họng. Đoạn ruột kết đã được sử dụng để kết nối các cơ quan này.
- Thế Chiến thứ hai và sau đó
Sau khi nguyên tắc của phẫu thuật quân sự được học lại và áp dụng vào y học chiến trường hiện đại, số lượng trường hợp tử vong, biến dạng và mất chi hoặc chân đã giảm đáng kể, đạt được mức không thể đạt trước đó. Điều này chủ yếu là do việc cải cách toàn diện trong dịch vụ phẫu thuật, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện hiện tại để những người bị thương có thể nhận được điều trị thích hợp ngay thời điểm sớm nhất có thể. Việc sơ tán bằng máy bay (được sử dụng lần đầu trong Thế Chiến thứ nhất) đã giúp rất nhiều trong việc này. Các thiết bị chẩn đoán đã được cải tiến và phát triển trong y học phẫu thuật đã theo kịp nhu cầu của các bác sĩ phẫu thuật. Máu đã được truyền với lượng đầy đủ, mà trước đó được coi là điều không thể hoặc khó thực hiện, và các dịch vụ truyền máu hiện đại đã được thành lập để quản lý và cung cấp máu một cách hiệu quả.
Chuyên khoa phẫu thuật và làm việc theo nhóm đã đạt đến đỉnh cao mới với việc thành lập các đơn vị để xử lý các vấn đề đặc biệt liên quan đến các thương tổn ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nhưng sự thay đổi mang tính cách mạng nhất là cách tiếp cận nhiễm trùng vết thương do sử dụng sulfonamid và (sau năm 1941) penicillin. Sự thật là những loại thuốc này không thể hoàn toàn thay thế việc thực hiện phẫu thuật vết thương một cách tỉ mỉ và cẩn thận, là bài học quan trọng từ kinh nghiệm thực tế.
Khi chiến tranh kết thúc, các bác sĩ trở lại cuộc sống bình thường với cảm giác rằng họ đang bắt đầu một thời kỳ hoàn toàn mới và đầy hứng thú, và thực sự là như vậy, bởi vì sự kích thích mạnh mẽ trong những năm chiến tranh đã dẫn đến sự phát triển trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, mà bây giờ có thể áp dụng vào phẫu thuật.
Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng những tiến bộ này chỉ giúp cho các bác sĩ thực hiện được những ước mơ của cha ông họ; chúng không tạo ra nhiều cơ hội hoàn toàn mới. Hai sự kiện quan trọng trong lịch sử y học và phẫu thuật trong thập kỷ 1950 và 1960, đó là phẫu thuật tim và cấy ghép cơ quan, đã được bắt đầu nghiên cứu và áp dụng vào thời điểm đó và sau đó được phát triển và hoàn thiện.
3.1. Hỗ trợ từ các công nghệ khác
Ban đầu, có thể là các bác sĩ phẫu thuật đã cố gắng thực hiện quá nhiều công việc một mình, nhưng không lâu sau, những thất bại đã dạy họ phải chia sẻ các vấn đề với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác. Điều này đặc biệt đúng với các khó khăn về kỹ thuật y sinh và sự khai thác của các vật liệu mới. Sự bảo vệ tương đối khỏi nhiễm trùng do kháng sinh và hóa trị đã cho phép các bác sĩ phẫu thuật trở nên mạo hiểm hơn nhiều trong việc sửa chữa và thay thế các mô bị hỏng hoặc hao mòn bằng các vật liệu ngoại lai. Vẫn cần nhiều nghiên cứu để tìm ra vật liệu tốt nhất cho một mục đích cụ thể và đảm bảo rằng nó sẽ được cơ thể chấp nhận.
Nhựa, với sự đa dạng dường như vô tận, đã được sử dụng cho gần như mọi thứ từ vật liệu làm chỉ trong phẫu thuật đến van tim; trong quá trình sửa lại hoặc đặt vào vị trí ban đầu cho vùng bị lồi ra của cơ quan nội tạng qua quá trình phẫu thuật; để thay thế đầu của xương đùi (được thực hiện lần đầu bởi bác sĩ người Pháp Jean Judet và anh trai của ông Robert-Louis Judet vào năm 1950); để thay thế tròng kính giả khi tròng kính tự nhiên bị loại bỏ do đục thủy tinh thể; cho việc sử dụng van để điều tiết dòng chất lỏng từ não đối với bệnh nhân mắc bệnh não úng thuỷ; và cho nhiều ứng dụng khác. Đây là sự tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng các vật liệu nhựa thay vì sử dụng celluloid để điều trị các khuyết điểm xương trên khuôn mặt bởi bác sĩ người Đức Fritz Berndt trong thập kỷ 1890. Các kim loại không phản ứng, như vitallium, cũng được sử dụng trong phẫu thuật, chủ yếu trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình để sửa chữa xương bị gãy và thay thế các khớp.
Phạm vi phẫu thuật được mở rộng hơn nữa nhờ sự ra đời của kính hiển vi phẫu thuật. Điều này giúp bác sĩ nhìn rõ hơn và phóng đại các chi tiết, đặc biệt là trong quá trình phẫu thuật não và phẫu thuật tai. Trong lĩnh vực tai mắt, nó đã mở ra một lĩnh vực phẫu thuật hoàn toàn trên màng nhĩ và bên trong tai giữa. Những nguyên tắc của các phẫu thuật này đã được đề xuất vào năm 1951 và 1952 bởi hai bác sĩ người Đức là Fritz Zöllner và Horst Wullstein; và vào năm 1952, Samuel Rosen ở New York đã di động phần đế của xương bàn đạp để phục hồi thính giác cho bệnh nhân bị xốp xơ tai – một thủ thuật được bác sĩ phẫu thuật người Đức Jean Kessel thực hiện vào năm 1876.
Kính hiển vi được sản xuất bởi hãng Carl Zeiss vào đầu thế kỷ 20. Nguồn: https://www.microscopehistory.com/zeiss-early-29c-models
Mặc dù các bác sĩ phẫu thuật luôn cố gắng giữ lại càng nhiều bộ phận của cơ thể bệnh nhân trong mức độ bệnh cho phép, nhưng đôi khi họ buộc phải thực hiện các biện pháp triệt để để cứu mạng, ví dụ khi ung thư ảnh hưởng đến các cơ quan vùng chậu. Phẫu thuật cắt bỏ vùng chậu (phẫu thuật cắt bỏ các cơ quan vùng chậu và các cấu trúc lân cận) theo hai giai đoạn đã được phát minh bởi Allen Whipple ở New York City vào năm 1935 và theo một giai đoạn đã được phát minh bởi Alexander Brunschwig ở Chicago vào năm 1937. Sau đó, vào năm 1960, Charles S. Kennedy ở Detroit, sau một thời gian dài thảo luận với Brunschwig, đã tiến hành một ca phẫu thuật mà ông đã cân nhắc suốt 12 năm: phẫu thuật cắt bỏ nửa cơ thể – phẫu thuật cắt bỏ phần dưới của cơ thể. Bệnh nhân đã qua đời sau 11 ngày sau cuộc phẫu thuật đó. Sau đó, cuộc phẫu thuật cắt bỏ phần dưới cơ thể đầu tiên thành công được thực hiện 18 tháng sau đó bởi J. Bradley Aust và Karel B. Absolon ở Minnesota. Cuộc phẫu thuật cắt bỏ phần dưới cơ thể này cũng như các loại phẫu thuật phức tạp tương tự sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đi sự hỗ trợ và tài nguyên từ y học hiện đại.
3.2. Phẫu thuật tim
Ngành y học nghi ngờ và không tin vào khả năng phẫu thuật trên tim. Vết thương ở tim có thể được khâu lại bằng chỉ (đã được thực hiện thành công lần đầu bởi Ludwig Rehn, một bác sĩ phẫu thuật tại Frankfurt am Main, năm 1896); khoang màng ngoài tim – khoang được hình thành bởi túi bao quanh tim – có thể được thoát dịch trong trường hợp nhiễm trùng (tương tự được Larrey thực hiện vào năm 1824); và màng ngoài tim có thể được cắt bỏ một phần đối với bệnh viêm màng ngoài tim co thắt khi nó bị viêm và hạn chế cử động của tim (ca phẫu thuật này được Rehn và Sauerbruch thực hiện vào năm 1913). Ngoài những phương pháp và thủ thuật đã được đề cập trên, thì các phương pháp hay thủ thuật nào khác hiếm khi được chấp nhận.
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 20, có nhiều công trình thí nghiệm đã được thực hiện, điển hình là của các bác sĩ phẫu thuật người Pháp Théodore Tuffier và Alexis Carrel. Vào năm 1912, Tuffier đã phẫu thuật thành công van động mạch chủ. Năm 1923, Elliott Cutler ở Boston đã sử dụng tenotome, một dụng cụ cắt gân, để làm giảm chứng hẹp van hai lá ở một bé gái (hẹp van hai lá giữa buồng trên và buồng dưới của bên trái tim). Và vào năm 1925, ở London, Henry Souttar đã sử dụng ngón tay để làm giãn van hai lá theo cách đi trước thời đại 25 năm. Mặc dù đã có những thành tựu như trên, nhưng còn tồn tại nhiều khó khăn và thất bại trong việc phẫu thuật trên tim, chính vì vậy, bệnh tim chủ yếu được xem xét dưới góc độ y học, có nghĩa là được điều trị bằng phương pháp y khoa và thuốc, chứ không phải thông qua phẫu thuật.
Năm 1938, Robert Gross đã thắt thành công còn ống động mạch dai dẳng (mạch máu của thai nhi nằm giữa động mạch phổi và động mạch chủ). Thành tích này bị gạt sang một bên khi trong Thế Chiến thứ hai, Dwight Harken đã ghi nhận một kỷ lục đáng kinh ngạc khi đã loại bỏ 134 vật thể đạn ra khỏi ngực – 13 vật thể trong buồng tim – mà không có bệnh nhân nào mất mạng.
Sau chiến tranh, đã xảy ra sự tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực phẫu thuật tim, với sự tập trung ban đầu vào việc điều chỉnh hoặc cải thiện các khuyết tật tim bẩm sinh. Gordon Murray ở Toronto đã tận dụng tối đa khả năng kỹ thuật khéo léo tuyệt vời của mình để nghĩ ra và thực hiện nhiều hoạt động mang tính tiên phong. Và Charles Bailey ở Philadelphia đã tiếp cận theo cách chính thống hơn và đã đóng góp vào việc xác lập nhiều nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực chuyên ngành phẫu thuật tim. Ngưng tim là một ước mơ của các bác sĩ phẫu thuật, bởi nó cho phép họ quan sát và thực hiện phẫu thuật một cách chi tiết hơn, và có thêm thời gian để thực hiện phẫu thuật. Năm 1952, giấc mơ này bắt đầu trở thành hiện thực khi Floyd Lewis ở Minnesota giảm nhiệt độ cơ thể để giảm nhu cầu oxy trong khi ông đóng lại một lỗ giữa hai buồng tim phía trên, tâm nhĩ. Năm tiếp theo, John Gibbon, Jr., ở Philadelphia đã hoàn thành nghiên cứu mà ông đã bắt đầu vào năm 1937; ông đã sử dụng máy tim-phổi của mình để cung cấp oxy trong khi đóng lại lỗ trên vách ngăn giữa tâm nhĩ.
Trước đó, không có một phương pháp nào một mình có thể coi là lý tưởng trong việc giảm nhiệt độ cơ thể để tiến hành phẫu thuật tim. Tuy nhiên, sau nhiều nghiên cứu và phát triển chuyên sâu, vào đầu những năm 1960, các nhà nghiên cứu đã kết hợp cả hai phương pháp lại thành một, gọi là phương pháp làm mát ngoại cơ thể. Máu của bệnh nhân được lưu thông qua một máy ngoài cơ thể mà có khả năng làm nguội máu (và làm ấm máu sau khi phẫu thuật hoàn tất), và máu đã được làm nguội này sau đó giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể bệnh nhân. Khi tim của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật đã được làm khô và cho ngừng lại, bác sĩ tiến hành các thao tác để điều trị bệnh tim, lắp ghép các miếng vá nhựa và điều chỉnh lại cấu trúc bên trong của trái tim. Nhưng khi phải thay thế các van bị hỏng do bệnh tật, các bác sĩ phẫu thuật tim phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc sử dụng van từ mô người và van nhân tạo, hoặc thậm chí là van từ nguồn gốc động vật.
3.3. Cấy ghép nội tạng
Vào năm 1967, phẫu thuật đã đạt đến đỉnh cao và làm cho thế giới nhận thức rõ về trách nhiệm của lĩnh vực y học và phẫu thuật đối với cuộc sống con người, khi bác sĩ phẫu thuật người Nam Phi Christiaan Barnard đã thực hiện ca cấy ghép tim người lần đầu tiên. Tất cả mọi người, bao gồm cả người trong lĩnh vực y học và những người không phải là chuyên gia, đã phản ứng với sự kiện này một cách quá kích động và hoảng loạn. và trong năm đó hai nhà nghiên cứu nổi tiếng, Richard Lower và Norman E. Shumway, đã viết: “Có lẽ bác sĩ phẫu thuật tim nên tạm dừng cho đến khi xã hội quen dần với ý tưởng cấy ghép tim này trước khi nó trở thành một phần bình thường trong lĩnh vực phẫu thuật tim”. Khi các nghiên cứu đã không ngừng phát triển và dẫn đến việc tiến hành phẫu thuật cấy ghép tim như thế kể từ khi Charles Guthrie và Alexis Carrel tại Đại học Chicago đã hoàn thiện việc nối các mạch máu vào năm 1905, và sau đó tiến hành các thí nghiệm về cấy ghép nhiều cơ quan, bao gồm cả trái tim.
Giáo sư Chris Barnard thực hiện ca ghép tim đầu tiên ngày 3/12/1967. Nguồn: Le 3 décembre 1967, le chirurgien Christiaan Barnard a assuré la première transplantation cardiaque au monde, au Cap en Afrique du Sud.
Sự phát triển của các phương pháp ức chế miễn dịch (sử dụng thuốc để ngăn ngừa cơ thể từ việc từ chối và tấn công các cơ quan cấy ghép) đã làm cho lĩnh vực cấy ghép nội tạng lên một tầm cao mới. Cấy ghép thận đã nên phổ biến hơn và máy lọc thận nhân tạo (do Willem Kolff tại Hà Lan phát minh trong thời kỳ chiến tranh) đã được sử dụng để làm sạch máu cho bệnh nhân trước và sau khi tiến hành cấy ghép, và nhờ vậy tỷ lệ tử vong đã giảm xuống khoảng 10% mỗi năm vào thế kỷ 21. Hệ thống miễn dịch của bệnh nhân thường không chấp nhận và từ chối việc cấy ghép như việc cấy ghép tim vào cơ thể, tuy nhiên, vào những năm 1980, việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có tên là cyclosporine đã giúp giảm đi phần nào sự từ chối này. Các tài liệu và hồ sơ cho thấy nhiều bệnh nhân đã sống sót và tình trạng sức khỏe tốt sau ít nhất năm năm kể từ khi tiến hành phẫu thuật cấy ghép.
Độ phức tạp của gan và sự thiếu hụt các phương pháp điều trị bổ sung như máy lọc thận nhân tạo đã góp phần khiến quá trình ghép gan diễn ra chậm chạp (lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1963 bởi Thomas Starzl). Ngày càng có nhiều bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, được ghép tạng thành công; tuy nhiên, một số lượng đáng kể bệnh nhân cần phải được cấy ghép lại do sự thất bại của ca cấy ghép đầu tiên.
Cấy ghép phổi là một quá trình phẫu thuật phức tạp và khó khăn. James Hardy đã thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên vào năm 1963, mặc dù bệnh nhân chỉ sống sót được 18 ngày. Vào năm 1983, Joel D. Cooper, một bác sĩ phẫu thuật ngực tại Bệnh viện Đa khoa Toronto, đã thực hiện ca ghép phổi đơn thành công đầu tiên; bệnh nhân sống sót được sáu năm. Năm 1986, Cooper cũng thực hiện thành công ca ghép phổi đôi đầu tiên. Việc cấy ghép tim-phổi kết hợp cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ca ghép tim-phổi thành công đầu tiên được thực hiện vào năm 1981 bởi bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Bruce A. Reitz.
Quá trình cấy ghép toàn bộ hoặc một phần của tuyến tụy chưa đạt được mức độ thành công hoàn hảo, chình vì vậy quy trình phẫu thuật (được thực hiện lần đầu bởi Richard Lillehei vào năm 1966) cần phải cải tiến thêm.
Bài trước: https://husta.vn/phau-thuat-trong-the-ky-20-giai-doan-mo-dau/
Nguồn: https://www.britannica.com/science/history-of-medicine/Malignant-disease#ref35690