Phải đưa Nhã nhạc đến với công chúng và kéo công chúng đến với Nhã nhạc

Sau 3 năm thực hiện với rất nhiều những nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ), Dự án Nhã nhạc giai đoạn 2005-2008 đã thành công tốt đẹp và trở thành một dự án mẫu mực về bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đây cũng là dự án được kỳ vọng sẽ trở thành trường hợp điển hình để nghiên cứu học tập và áp dụng trong khu vực Đông Nam á cũng như trong khu vực Châu á-Thái Bình Dương. Nhìn lại dự án này, KTS Phùng Phu, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, Phó trưởng Ban điều hành dự án cho rằng:

Lý do dự án này được UNESCO đánh giá là dự án mẫu cho những cái khác thành công lớn nhất là do chúng ta biết tổ chức, thực hiện, điều hành dự án, và trong sự điều hành đó thì ý thức trách nhiệm, ý thức về chuyên môn đầy đủ, tính chủ động của ban quản lý dự án tại địa phương cùng với sự cố gắng tích cực từ phía trung tâm dẫn đến thành công tương đối toàn diện và kết quả rất cụ thể. Trong đó có những kết quả vượt trội so với những yêu cầu mà UNESCO đề ra.

* Cụ thể những kết quả vượt trội đó là…?

Đầu tiên là việc sớm hình thành Ban điều hành (BĐH) với các tiểu ban. Các tiểu ban này chia thành các nhóm theo các mục tiêu của dự án. Mỗi một tiểu ban đều có sự phân công và thường xuyên họp đánh giá, trao đổi, điều chỉnh những công việc được giao. Có những tiểu ban rất mới như tiểu ban về thông tin, sưu tầm tư liệu, xây dựng hệ thống dữ liệu cho Nhã nhạc. Do ở Huế chúng ta chưa có những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm trong phỏng vấn, sưu tầm các tư liệu nên chúng ta đã phải nỗ lực nhiều và đến nay đã hình thành đựơc một phòng lưu trữ tư liệu về Nhã nhạc khá phong phú với nhiều loại hình khác nhau từ các bản ký âm cổ chép tay cho đến tài liệu ghi âm, các hệ thống thông tin máy tính và các tư liệu thành văn, các báo cáo chuyên đề…

Thứ hai là thành công về đào tạo. Chúng ta có những nghệ nhân lớn tuổi – đó là may mắn, chúng ta còn Nhã nhạc, nền văn hoá nghệ thuật cung đình còn lan truyền vào dân gian vào các vùng miền, nhưng đào tạo Nhã nhạc như thế nào thì hiện nay chúng ta chưa có giáo trình. Các trường đại học mới là đào tạo như thế thôi nhưng chuẩn mực của việc đào tạo như thế nào thì chưa có. Rất may là Huế mới hình thành Học viện Âm nhạc và có khoa về âm nhạc dân tộc đào tạo về Nhã nhạc, nhưng theo chúng tôi biết thì số học sinh đăng ký ở đây rất ít. Do vậy việc đào tạo này là hoàn toàn mới và chúng ta đã có sự kết hợp với một chương trình đào tạo theo cách thức là khoa âm nhạc dân tộc kết hợp với các nghệ nhân, nghệ sĩ để hướng tới đào tạo truyền nghề, truyền ngón hoặc bằng các phương thức truyền khẩu… 20 nhạc công trẻ vừa tốt nghiệp từ khoá đào tạo này đã có những kỹ năng rất tốt. Các chuyên gia của UNESCO và Viện nghiên cứu âm nhạc đã thẩm định chất lượng và đánh giá như vậy…

Thành công thứ ba là xã hội hoá Nhã nhạc vào công chúng. Từ chỗ còn phân vân, bàn cãi về thế nào là Nhã nhạc, âm nhạc cung đình, đến hôm nay, nó đã trở thành một nền tảng nhận thức của nhi?u bộ phận quần chúng khác nhau, ngay cả những người làm quản lý trong di tích chúng tôi cũng đã nhận thức rõ hơn. Và chúng ta cũng may mắn là đã đưa Nhã nhạc đi gần hết các vùng miền, đặc biệt là đưa ra các nước, nhất là nước đồng văn thì người ta rất sành và hiểu được giá trị của Nhã nhạc. Nhã nhạc cũng đã đến được với cộng đồng xã hội kể cả trường học, rồi các buổi thuyết diễn về Nhã nhạc cho thanh thiếu niên. Trong các lễ hội, festival của Việt Nam, người ta cũng đưa Nhã nhạc vào nội dung đó ví dụ Festival Tây Sơn Bình Định chẳng hạn. Đấy là thành công và qua đây một loạt các bài bản đã được lưu giữ, phục hồi.

Song song với việc phục chế thành công các trang phục của nhạc công, chuyển biên các bài bản cũng là một thành công kế tiếp bởi vì cái quan trọng của văn hóa phi vật thể là truyền theo các thế hệ thì việc chuyển biên là để các thế hệ sau nắm được đồng thời có thể phổ cập Nhã nhạc ra các học viện âm nhạc quốc tế. Tôi mong một ngày nào đó sẽ có những người đi dạy về Nhã nhạc ở Trung Quốc, Tokyo…

* Theo ông, cần làm gì để đưa Nhã nhạc tiếp cận với công chúng nhiều hơn và trong chặng đường tiếp theo, trung tâm sẽ có sự đầu tư như thế nào để tiếp tục bảo tồn và phát huy Nhã nhạc?

Định hướng của giai đoạn tới là làm sao để đưa phòng lưu trữ tư liệu Nhã nhạc trở thành một trung tâm lưu trữ về Nhã nhạc, từ đó các nhà nghiên cứu, các cá nhân quan tâm đến Nhã nhạc có địa chỉ để đến và chính từ đây sẽ có sự trao đổi giữa các nền âm nhạc, văn hoá quốc tế thông qua mạng thông tin toàn cầu. Một dự án tiếp tục nữa là về phục chế các nhạc cụ đặc biệt là biên chung và biên khánh.

Để đưa Nhã nhạc tiếp cận gần hơn với công chúng cần tập hợp phổ biến Nhã nhạc thông qua nhiều hình thức khác nhau. Hình thức đơn giản nhất là phải kéo khán giả vào Nhã nhạc. Trung tâm dự kiến sẽ xây dựng những môi trường học tập Nhã nhạc theo sở thích tại một số điểm di tích; phải in ấn, xuất bản và phổ biến những công trình về Nhã nhạc. Bán các quà lưu niệm mang hình tu?ng của Nhã nhạc cũng là điều cần nghĩ đến…

* Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bảo tồn di sản đặc biệt là rất gắn bó với Nhã nhạc, điều gì đến nay vẫn khiến ông trăn trở ?

Một vấn đề mà hội thảo tổng kết sắp tới chúng tôi sẽ đưa ra bàn rất nhiều đó là chính sách đãi ngộ tôn vinh đối với các nghệ nhân Nhã nhạc, ở đây tôi muốn nói đời sống các nghệ sĩ còn vất vả lắm và như vậy thì sức sáng tạo, tâm hồn nghệ sĩ… chắc chắn sẽ bị hạn chế. Chúng ta đã có chính sách nhà ở cho người nghèo, vạn đò, vùng sâu vùng xa, đối với gia đình chính sách, đối với người giỏi, người tài nhưng gần như chưa có chính sách đối với nghệ sĩ một cách thấu đáo nhất là các nghệ sĩ theo con đường văn hóa truyền thống. Bây giờ cát – sê biểu diễn Nhã nhạc chỉ từ 30.000-50.000 là tối đa nên điều chúng tôi quan tâm và mong muốn là cần có chính sách đãi ngộ tôn vinh nghệ nhân nghệ sĩ để người ta yên tâm với nghề.

Ngọc Hà (thực hiện)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email