Bưởi Thanh Trà là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Thừa Thiên Huế được trồng trên đất phù sa bồi hàng năm ven các dòng sông như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi…có những vùng nổi tiếng trồng Thanh trà như phường Thuỷ Biều, thành phố Huế, xã Lộc Hoà huyện Phú Lộc, phường Hương Vân, Hương Trà,… Quả Thanh trà thơm ngon có giá trị dinh dưỡng cao, có vị đặc trưng riêng biệt. Bưởi Thanh Trà thường ra hoa vào tháng 1-2 và thu hoạch vào tháng 9-10 và thời điểm chăm sóc từ sau thu hoạch đến thời điểm ra hoa là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này ở Thừa Thiên Huế là mùa mưa kéo dài và thường kết hợp ngập lụt và gió bão làm cho rễ cây bị hư do thiếu oxy, ngộ độc, bệnh dịch bùng phát,… nếu không chủ động và chăm sóc để cho tình trạng này kéo dài sẽ làm cho sức khỏe của cây suy giảm nghiêm trọng và có thể chết hàng loạt. Để cây bưởi Thanh Trà phát triển tốt, cho năng suất, người trồng bưởi cần áp dụng một số biện pháp sau:
– Chủ động thiết kế, xây dựng hệ thống mươn tiêu nước. Đồng thời cần nạo vét, duy tu, sửa chữa hệ thống tưới tiêu để khi cần thiết sẽ dễ dàng tiêu thoát nước, chăm sóc vườn bưởi cây. Đây là việc cần làm trước tiên.
– Tiến hành cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng kết hợp chống, giữ cố định cây trong mùa mùa mưa bão.
– Nếu gặp mưa lũ kéo dài, vườn cây bị ngập úng, bằng mọi biện pháp nhanh chóng tiêu nước để tránh không cho vườn cây bị ngập kéo dài trên 3 ngày. Tiến hành kiểm tra mực nước ngầm và tạo mươn phụ đối với các vườn cây buổi để đảm bảo mực nước ngầm thấp để giúp cho bộ rễ cây hoạt động tốt.
– Hạn chế làm cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ trong mùa mưa vì cỏ là những bơm sinh học làm tầng đất sâu mau khô ráo, hạn chế đi lại làm cho đất bị đóng váng.
– Bón vôi vào đầu hay cuối mùa mùa mưa là điều rất cần thiết. Vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hoá giải các độc tố trong đất, cung cấp Canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái ngon hơn.
– Không nên bón nhiều phân đạm trong mùa mưa vì sẽ dễ kích thích cây ra đọt non, và khi vườn cây bị ngập úng sẽ tiêu hao nhiều dinh dưỡng, làm cho cây dễ bị suy yếu. Hạn chế bón phân hóa học trong giai đoạn này, nếu cấn thiết cỏ thể phun phân bón lá. Và cũng không nên bón phân hữu cơ, vì phân hữu cơ sẽ làm cho các vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy và khi đất bị ngập úng thì rễ cây sẽ không có đủ oxy để hô hấp.
– Áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh hại, trong đó chú ý phòng trừ bệnh do nấm Phytophthora gây ra, sâu bệnh hại trên chồi non, hoa.
Ngoài ra, chủ vườn cần phải thực hiện quản lý, chăm sóc bưởi Thanh Trà đúng quy trình kỹ thuật thâm canh bền vững; cần tiến hành chăm sóc sớm ngay sau khi thu hoạch nhằm giúp cho cây bưởi phát triển khỏe. Điều quan trọng nhất của việc chăm sóc cây bưởi Thanh Trà trong mùa mưa đó là bảo vệ cho được bộ rễ ít bị tổn thương nhất để giúp cây có khả năng chống chịu với những bất lợi trong mùa mưa lũ thì sẽ phục hồi nhanh sau khi nước rút và đủ sức ra hoa tốt.
Thành Chung