Những biện pháp quan trọng trong dự phòng bệnh COVID-19 trong giai đoạn mới

Bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới SARS-CoV-2, gọi là bệnh COVID-19, được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối tháng 12.2019 và đang lây lan nhanh trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến 21 giờ ngày 16.03.2020, đã có 158 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có ca mắc COVID-19. Tổng số trường hợp mắc: 173.955, trong đó có 6.686 ca tử vong, hơn 77.000 người đã khỏi bệnh. Các nước có số mắc và tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc là Ý, Tây Ban Nha, Iran, Hàn Quốc … Chúng ta đang chứng kiến một căn bệnh có khả năng lây lan rất nhanh trên toàn thế giới, khắp cả 5 châu lục, kể cả những nước rất phát triển như Ý, CHLB Đức, Pháp, Anh, Hoa Kỳ… Ngày 11.03.2020, Tổ chức Y tế thế giới đã phải tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Tại Việt Nam hiện đã phát hiện 61 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 18 người nước ngoài và 42 người VN. Những nguồn lây bệnh chủ yếu là từ Trung Quốc (16 ca), Châu Âu (26 ca) và Hoa Kỳ (10 ca)…

      NGUỒN LÂY BỆNH

Nguồn lây bệnh hiện nay rất đa dạng, không còn từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc nữa mà chủ yếu từ những người trở về từ Châu Âu hoặc có thể từ bất cứ quốc gia nào có dịch. Nguồn bệnh cũng có thể từ những người tiếp xúc gần với người nhiễm như trường hợp ở Bình Thuận.

Những khu vực dễ có nguy cơ nhiễm virus hiện nay là sân bay, bến xe, các địa điểm du lịch có nhiều khách nước ngoài … Ngoài ra, đi cùng chuyến bay hoặc cùng chuyến xe với những người nhiễm cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Do đó Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không nên đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhân dân nhiều địa phương đã tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến cuối tháng 3. Từ ngày 15.03.2020, nhiều địa phương đã đình chỉ hoạt động đối với những di tích, thắng cảnh, địa điểm du lịch…

      CÁC NHÓM NGƯỜI CÓ NGUY CƠ CAO

Phần lớn trường hợp người mắc bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng tương đối nhẹ như sốt, mỏi mệt, ho khan … Tuy nhiên khoảng 20% có những biểu hiện nặng hơn như viêm phổi. Một số trong đó có thể có suy hô hấp, có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nghiên cứu những trường hợp bệnh nặng và tử vong ở các nước cho thấy phần lớn trong nhóm này là những người lớn tuổi (trên 70) hoặc có bệnh mạn tính từ trước như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim mạch (tăng huyết áp …), đái tháo đường, suy giảm miễn dịch …

Do đó một phần rất quan trọng trong chiến lược dự phòng hiện nay là dự phòng cho những nhóm đối tượng dễ tổn thương và có nguy cơ cao nêu trên. Cũng cần đặc biệt chú ý đến nhóm phụ nữ có thai, trẻ nhỏ …

      NHỮNG TRƯỜNG HỢP CẦN CÁCH LY

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả những người có kết quả xét nghiệm khẳng định có nhiễm virus (gọi là nhóm F0) đều phải được cách ly ngay tại các cơ sở y tế, được theo dõi trong 14 ngày và chỉ ra khỏi cơ sở cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm lại âm tính 2 lần.

Những người có tiếp xúc gần với người nhiễm (nhóm F1) cũng sẽ được cách ly và được xét nghiệm ngay do nguy cơ nhiễm virus rất cao. Những người có tiếp xúc với nhóm này (nhóm F2) cũng được khuyến cáo nên tự cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc với những người khác để phòng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Việc cách ly hay tự cách ly vô cùng quan trọng để tránh lây lan bệnh cho người thân, những người cùng làm việc và cho cộng đồng. Bài học từ nước Ý và một số quốc gia khác cho thấy sự nguy hiểm như thế nào nếu không cách ly ngay những trường hợp nhiễm đầu tiên.

Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn rất rõ về những trường hợp phải cách ly, thời gian, địa điểm cách ly, điều kiện hết cách ly …

Những người có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm không nên che giấu thông tin vì rất nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình và những người chung quanh cũng như cho cộng đồng. Thậm chí như vậy là vi phạm Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

      LỜI KẾT

Trong tình hình dịch đang phát triển và lan rộng trên toàn cầu hiện nay, có thể trong thời gian đến chúng ta sẽ có thêm nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nữa. Tuy nhiên những gì đã và đang diễn ra hiện nay cho thấy Chính phủ và ngành y tế Việt Nam cũng như tất cả các ngành liên quan đã thực hiện khá tốt công tác dự phòng bệnh.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị tăng cường công tác truyền thông trên tất cả các phương tiện về các biện pháp dự phòng cho cá nhân và cho cộng đồng (sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên…).

Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa phương, tuân theo các khuyến cáo dự phòng bệnh, không đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết và nhất là không hoang mang lo lắng quá mức. Chúng ta hy vọng sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

      PGS.TS TRẦN XUÂN CHƯƠNG                   

Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam            

Chi hội trưởng Chi hội Truyền nhiễm – HIV/AIDS,      

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email