Nguyễn Đình Chiểu có hiệu là Trạch Phủ, sinh ngày 1-7-1822. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Đình Huy, vốn ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Năm 21 tuổi, ông đỗ Tú tài. 24 tuổi, ông ra Huế học thêm để chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849). Bỗng được tin mẹ mất, ông trở về chịu tang, dọc đường bị bệnh rồi bị mù cả đôi mắt. Từ đó, ông an phận ở Gia Định. Giặc Pháp xâm chiếm Gia Định, ông lui về ở Ba Tri, Bến Tre, tiếp tục dạy học và làm thuốc. Ông mất năm Mậu Tí (1888).
Cuộc đời ông là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ để chống lại những bất hạnh của cuộc đời riêng, những bất hạnh của dân tộc. Ông đã bước vào cuộc đấu với thái độ can cường và tinh thần thép. Ông kiên quyết đấu tranh để không những vượt lên chính mình, để giữ mình mà còn để khẳng định vị trí chiến đấu của bản thân mình trong cuộc đời với tư cách người công dân, người trí thức, người nghệ sĩ.
Tuổi thanh niên, ông từng phải chứng kiến tình trạng sâu mọt, thối nát của chế độ phong kiến. Bọn vua quan, tướng tá thì bất tài, tàn ác, sát hại lẫn nhau chỉ để tranh ngôi báu, tham ô, tàn bạo, đổi trắng thay đen. Ông đã phải lên tiếng để vạch mặt chúng, đóng đinh chúng trên đài dư luận trong bài Hịch đánh chuột nổi tiếng.
Thực dân Pháp xâm phạm bờ cõi nước ta, nơi nơi đều diễn ra cảnh: Phạt cho đến người hèn kẻ khó, thâu của quay treo; tội chẳng tha con nít, đàn bà, đốt nhà, bắt vật. Triều đình bạc nhược nhượng bộ, đầu hàng. Nhân dân lại phải tự đảm đương lấy sự nghiệp kháng chiến. Những lãnh tụ nghĩa quân, đồng thời cũng là bạn bè của ông như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Trương Định…lần lượt hi sinh. Hoàn cảnh riêng, chung mà ông gánh chịu tưởng chừng sẽ quật ngã ông. Nhưng vốn mang trong mình truyền thống sâu nặng với dân tộc, lại sống với nhân dân, được nhân dân tiếp sức, trái tim của Nguyễn Đình Chiểu rực cháy ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước thương dân. Ông đã lao động và chiến đấu không mệt mỏi chiến đấu chống lại kẻ thù của Tổ quốc, của nhân dân; chiến đấu cho cái chân, cái thiện, cái mĩ. Ông đã tiếp thu được tư tưởng nhân nghĩa truyền thống của cha ông. Và ở ông, tư tưởng nhân nghĩa là chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu vì dân, vì nước, vì phẩm giá con người. Chủ nghĩa nhân đạo nơi ông gần gủi với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản và xa lạ với tình thương trừu tượng, khước từ đấu tranh. Đó là tư tưởng, thấy việc nghĩa thì phải hành động, như hành động, thái độ của Lục Vân Tiên Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha.
Trên tư tưởng đó, chính ông là người đầu tiên của Việt Nam đã xác định vị trí chiến đấu của nhà thơ trên mặt trận đấu tranh cách mạng. Với ông, văn chương không phải chỉ để tự tu dưỡng mà còn là một vũ khí chiến đấu sắc bén: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Trong văn thơ ông, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, hình tượng, vai trò của nhân dân trở nên nổi bật. Đó là hình ảnh những người dân lao động mà việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn làm quen/ Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó. Nhưng họ đã chiến đấu với một tinh thần dũng cảm vô song. Ông cũng đặc biệt đề cao vai trò của cá nhân trong lịch sử. Khi Trương Định, lãnh tụ nghĩa quân mất, ông đã không những thể hiện tình cảm sâu nặng của mình mà còn tỏ bày nổi khắc khoải, lo âu với sự nghiệp cứu nước dở dang còn thiếu người gánh vác: Tướng quân còn đó, các nơi đạo tặc thảy kiêng dè; tướng quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái, hay Mấy dặm non sông đều xửng vững; Nạn dân, ách nước để ai toan ?. Tuy nhiên, trái tim yêu nước của ông như một ngọn đuốc sáng rực không bao giờ tắt. Trong hoàn cảnh đen tối ấy, ông vẫn luôn giữ được niềm tin tưởng lạc quan, ông tin rằng, cái xấu, cái ác trước sau rồi cũng sẽ bị quét sạch. Vâng Một trận bão rồi bờ cõi sạch; …Một trận mưa nhuần rửa núi sông…
Ông đã đi xa trọn 100 năm, thế mà tư tưởng của ông, thơ văn của ông cho đến bây giờ vẫn còn giá trị thời sự nóng hổi.
KHÁNH YÊN