Người thầy giáo thương binh tâm huyết với nghề

Đó chính là thầy giáo thương binh hạng 2/4 Phan Trọng Hòa, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Trở về sau chiến tranh, thầy vẫn nỗ lực vươn lên, giảng dạy, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo.

 

Năm 1968, chàng thanh niên Phan Trọng Hòa rời quê hương Hà Tĩnh lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và Đường 9 – Nam Lào. Năm 1974, anh bị thương nặng, một bên chân đã để lại trên chiến trường và sau đó được đưa về hậu phương điều trị. Hơn một năm sau, với quyết tâm cao độ, anh đã thi vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và sau này trở thành giảng viên.

Thầy giáo Phan Trọng Hòa (bên trái ảnh)

“Năm 1979, tôi ra trường và vào Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) giảng dạy. Với chiếc chân giả là minh chứng cho sức tàn khốc của chiến tranh, vẫn hành hạ tôi mỗi khi trời trở gió, bởi vết thương tháo khớp gối dẫu liền sẹo nhưng không lành hẳn bao giờ, vẫn hằng ngày theo tôi đến lớp”- thầy Hòa tâm sự.

Rất nhiều giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đều có chung tâm sự rằng, trên giảng đường, thầy có cách truyền thụ hấp dẫn mà ai cũng thích. Hầu hết các thế hệ giảng viên khoa Ngữ văn của trường ngày nay đều là học trò cũ của thầy. Trong đó, có nhiều người nay đã là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú và nắm giữ nhiều cương vị lãnh đạo khoa. Nhà giáo Ưu tú Hồ Thế Hà tâm sự: “Thầy là người mà mỗi lần nhắc đến, bất cứ cựu sinh viên nào cũng có nhiều kỷ niệm, cũng như trong mắt ai cũng ánh lên niềm tự hào từng được thầy dạy dỗ. Tôi còn nhớ như in dáng đi của thầy tập tễnh, vịn chặt tay tôi mỗi lần lên cầu thang, áo sơ-mi và quần tây bao giờ cũng ủi thẳng tắp, cặp da bóng và giọng thầy giảng sang sảng cả dãy nhà giảng đường. Bao nhiêu năm trên giảng đường, tôi chưa thấy thầy đi dạy trễ hay cho về sớm một phút nào, bất chấp trời nắng hay mưa. Mặc dù tôi biết thầy mỗi lần thay đổi thời tiết, thầy lại đau nhức vết thương cũ ở chân và đau đầu…”

Ngày nay, không hiếm người đơn thuần chỉ là “thợ” giảng, có thể giảng rất hay và truyền cảm, còn việc nghiên cứu khoa học, tìm ra cái mới hầu như chỉ đối phó. Ấy vậy mà người thương binh Phan Trọng Hòa đã dũng cảm lựa chọn ngành khoa học hàn lâm gắn liền với triết học là Lô-gíc học để giảng dạy và nghiên cứu. Thầy là một trong những người có nhiều bài viết nhất đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực nghiên cứu sự kiện văn học thông qua phương pháp Lô-gíc học.

Nhiều thế hệ sinh viên đã học được rất nhiều những bài học từ cuộc đời thầy. Chính sự hy sinh to lớn, nghị lực phi thường và cả ở cái khoảng trống chênh vênh dưới chân của người cựu chiến binh, đã cho thế hệ trẻ một khát vọng vươn lên.

Chục năm nay về hưu, nhưng thầy vẫn được mời giảng dạy mỗi tuần với tư cách thỉnh giảng. Trong một lần khám bệnh định kỳ, thầy bị phát hiện xơ gan cổ trướng với tiên lượng rất nặng. Sau nhiều lần nhập viện rồi bị bệnh viện trả về bởi việc điều trị không có kết quả, tóc thầy giờ bạc trắng và nhiều lúc cơ thể suy kiệt tưởng chừng như không thể qua khỏi. Giữa lúc phải đấu tranh vật lộn với bệnh tật, tôi vẫn thấy được nghị lực phi thường và khát khao sống mạnh mẽ. Thầy bảo: “Dù mệt đấy, nhưng tôi vẫn cố gắng trồng cây và chăm sóc mảnh vườn. Mỗi mầm xanh mọc lên mỗi ngày, bên khoảng đất nhỏ phía ngoài mái hiên ban công sân thượng cho tôi niềm vui”.

Đúng là con người không đầu hàng định mệnh nghiệt ngã. Mỗi lần gặp thầy trò chuyện, trong những hoàn cảnh bi quan và nghiệt ngã nhất, tôi đều thấy thầy cười. Mỗi lúc thầy cảm thấy đau đớn nhất, hoặc nghĩ quỹ thời gian của mình không còn nhiều, thầy chỉ nắm chặt tay, dặn dò giữ sức khỏe. Người ốm yếu bao giờ cũng lo cho sức khỏe người khác, người gặp nhiều phi lý, bất công nhất của cuộc đời lại giảng dạy Lô-gíc học, và đôi chân không lành lặn lại giúp thầy đi rất xa trên con đường của học vấn, của sự nghiệp trồng người. Có lẽ, đó là lô-gíc riêng của những bàn chân mà chúng ta chỉ có thể hiểu bằng trái tim.

Tuấn Anh

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email