Vừa bị tàu tuần tra Trung Quốc lấy đi 70 tấm lưới, một tấn cá khi đánh bắt hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng anh Vũ và nhiều ngư dân khẳng định, sẽ không chùn bước và tiếp tục ra khơi mưu sinh, bảo vệ chủ quyền biển.
Vừa trở về từ Hoàng Sa chiều 5/12, thuyền trưởng Huỳnh Quang Vũ cùng 5 ngư dân ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng về việc bị Trung Quốc tịch thu tài sản ở vùng biển này.
“Họ lùng sục trong buồng máy lấy 70 tấm lưới, đổ hai rổ móc câu xuống biển, lấy đi khoảng một tấn cá chúng tôi đánh bắt được rồi bỏ đi. Tổng thiệt hại khoảng 115 triệu đồng”, ngư dân này kể.Ông Vũ kể, ông đang đánh bắt cá ở vùng biển đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa) thì tàu chết máy nên phải chờ các tàu cùng quê đến ứng cứu đưa đi tránh bão Bopha. 8h sáng 30/11, tàu sắt màu trắng mang số hiệu 306 treo cờ Trung Quốc áp sát. Sau đó, nhiều người mặc quân phục, cầm súng nhảy lên tàu cá của ông Vũ và ra hiệu cho các ngư dân để tay lên đầu, cúi mặt xuống sát sàn tàu.
Hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, chưa bao giờ ông Vũ bị lục soát, lấy tài sản kiểu như vậy. Xưa nay, ngư dân Quảng Ngãi xem đây là ngư trường truyền thống, quen thuộc như “vườn ao, thửa ruộng” của gia đình. “Lúc trước, ông cha tôi ra đó đánh bắt, giờ nối tiếp đến đời tôi cùng con cháu ra vùng biển ấy vừa hành nghề khai thác thủy sản vừa bảo vệ biển đảo quê hương”, ông Vũ nói.
Còn thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) cho hay, dù biết thông tin Trung Quốc đưa ra quy định kiểm soát vô lý tàu cá ở biển Đông nhưng các ngư dân vẫn động viên nhau bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. “Vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của nước mình thì mình đánh bắt, không việc gì phải sợ mà chùn bước”, thuyền trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy rối, truy đuổi nên thuyền trưởng Dương Văn Thọ (xã An Hải) mong mỏi Chính phủ “sớm có những đội tàu hùng mạnh bảo vệ an toàn cho ngư dâm yên tâm bám trụ hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa”.
gồi trầm ngâm nhìn ra phía biển xa, thuyền trưởng Trần Ngọc Quý (32 tuổi) bảo, mùa biển động ngư dân bám biển khó khăn đủ đường, có khi bỏ hàng chục triệu đổ dầu ra khơi nhưng tôm cá ít dần nên nhiều chuyến lỗ nặng.”Hết lần này đến lần khác Trung Quốc đưa ra các chính sách phi lý để o ép chúng tôi. Họ tự nhận chủ quyền ở ngư trường Hoàng Sa, nơi từ đời tổ tiên đến thế hệ chúng tôi ra vào đánh bắt, khiến ngư trường bị thu hẹp”, ông Trần Văn Hậu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) bức xúc.
12 năm bám biển, anh Quý nhiều lần đối mặt với tàu tuần tra của Trung Quốc. Dù biết mình đánh bắt hợp pháp nhưng vì không muốn giáp mặt rồi lại bị bắt giữ, đòi tiền chuộc nên anh đắng lòng nổ máy rời đi nơi khác. “Chính phủ cần cứng rắn hơn nữa với phía Trung Quốc”, thuyền trưởng Quý chia sẻ.
Còn chủ tàu cá tàu hậu cần lớn nhất miền Trung Lê Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho rằng, Trung Quốc mới đưa ra đạo luật kiểm soát tàu cá ở biển Đông, nhưng không biết họ sẽ thực hiện như thế nào. Biển là nguồn sống của hàng nghìn ngư dân nên để kiếm miếng cơm manh áo, ngư dân phải tiếp tục bám biển.
“Bây giờ, một tàu không ra khơi là hàng chục lao động thất nghiệp. Đội tàu hậu cần nghề cá của gia đình tôi vẫn tiếp tục ra khơi cung ứng nguyên liệu, thực phẩm cho ngư dân bám biển dài ngày. Nếu xảy ra tình huống bị kiểm tra, trục xuất tàu bè khi đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam chắc chắn sẽ có Hải quân can thiệp”, anh Sang khẳng khái.
Để đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động ở vùng biển xa bờ, ông Toàn cho rằng, việc thành lập lực lượng kiểm ngư sẽ tạo chỗ dựa vững chắc, giúp người dân yên tâm khai thác thủy hải sản trên vùng biển Việt Nam.Trao đổi với VnExpress.net, ông Phùng Đình Toàn, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi khuyến cáo, trước quy định của Trung Quốc về kiểm soát tàu cá trên Biển Đông, ngư dân cần bình tĩnh, tiếp tục ra khơi theo mô hình “tổ, đội” như thường lệ. “Chúng tôi tiếp tục kiến nghị các cấp thẩm quyền lên tiếng phản đối phía Trung Quốc để đảm bảo quyền khai thác thủy sản hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam như lâu nay”, ông Toàn bộc bạch.
Thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm nay, tình hình an ninh trên biển diễn biến phức tạp, việc bắt giữ, xử phạt tàu cá của ngư dân tiếp tục diễn ra. 31 phương tiện và 307 ngư dân Việt Nam bị bắt, xử lý.
Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.600 tàu cá đang hoạt động trên biển (gần 1.770 tàu cá đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa) với hơn 40.000 lao động trực tiếp đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản…
Theo VnExpress