Ngọ Môn – công trình kiến trúc đặc sắc của triều Nguyễn

Tác giả: Trần Như Đăng Tuyên

Cùng với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử khác, Ngọ Môn, Đại Nội Huế được xem là công trình hội tụ đủ những giá trị về lịch sử, văn hóa và kết tinh của tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn. Đó là một kiến trúc đặc sắc có giá trị trên nhiều phương diện, công trình này được xem là hình ảnh tiêu biểu nhất của thành phố Huế nói chung và quần thể di tích cố đô Huế – di sản văn hóa thế giới nói riêng.

Ngọ Môn, biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc đậm tính bản địa và bản sắc dân tộc

Trải qua gần 180 năm với những tác động của thời gian, thiên nhiên – khí hậu miền Trung khắc nghiệt và cả khói lửa chiến tranh; nhưng Ngọ Môn vẫn tồn tại và đứng vững tới ngày hôm nay để trở thành một biểu tượng của xứ Huế. Là cổng chính phía nam của Hoàng Thành Huế, cũng được coi là bộ mặt của Hoàng Thành và vương triều phong kiến. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi chép, Ngọ Môn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), trong công cuộc quy hoạch xây dựng, nâng cấp tổng thể Hoàng cung triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho xây dựng Ngọ Môn – cổng chính phía nam Hoàng Thành. Tại vị trí này trước kia có kiến trúc Nam Khuyết Đài, được xây dựng dưới thời vua Gia Long; trên đài có điện Càn Nguyên, hai bên có hai cửa là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Tất cả các kiến trúc này đã bị triệt giải để xây dựng Ngọ Môn.

Ngọ Môn, biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc (ảnh: Trần Như Đăng Tuyên)

Về tính chất, Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành, cũng là hướng chính – phía nam trên phương diện Dịch học. Theo Kinh Dịch, vua luôn ngồi quay mặt về hướng nam để trị thiên hạ (hướng nam được hiểu rộng là từ đông nam đến tây nam). Chính vì vậy, toàn bộ Kinh Thành, Hoàng Thành được quy hoạch xây dựng theo nguyên tắc “tọa càn hướng tốn” (tây bắc – đông nam). Hướng này cũng được coi như hướng bắc – nam. Ngọ Môn nằm ở phía nam so với vị trí trung tâm là ngai vàng ở điện Thái Hòa trong Hoàng Thành.

Về quy mô, Ngọ Môn cũng là cổng thành lớn nhất trong 4 cổng Hoàng Thành. Căn cứ trên la kinh (la bàn) của địa lý phong thủy Đông phương, thì phía nam thuộc hướng “ngọ” trên trục “tý – ngọ” (bắc – nam). Cái tên Ngọ Môn xuất phát từ đó, mang ý nghĩa về không gian, phương hướng; chứ không phải nghĩa về thời gian. Là cổng chính nhưng Ngọ Môn không được sử dụng nhiều vì mang tính nghi thức rất cao. Xưa kia cổng thường đóng kín, chỉ mở trong những dịp đặc biệt như khi vua ra vào Hoàng Thành có đoàn ngự giá, hay trong những dịp tiếp đón sứ thần ngoại quốc quan trọng của Hoàng Cung.

Ngọ Môn về đêm (ảnh: Trần Như Đăng Tuyên)

Về mặt công năng, Ngọ Môn không chỉ là cổng Hoàng Thành, mà còn là một lễ đài hướng về quảng trường rộng lớn phía trước từ lớp tường Hoàng Thành tới lớp tường Kinh Thành – nơi thẳng trục có kiến trúc quan trọng khác là Kỳ Đài nằm ngay trong tường của Kinh Thành.

Về mặt kiến trúc và cấu trúc, Ngọ Môn là một phức hệ, có thể chia ra làm hai phần chính: phần nền đài ở phía dưới và phần Lầu Ngũ Phụng ở phía trên nền đài. Tuy tính chất và vật liệu xây dựng rất khác nhau nhưng hai thành phần này lại được thiết kế ăn khớp, hài hòa với nhau, trở thành một tổng thể thống nhất.

Hệ thống nền đài Ngọ Môn được xây bằng gạch vồ và đá Thanh, kết hợp kim loại (đồng). Nền đài có mặt bằng hình chữ U vuông góc, lòng hướng ra ngoài Hoàng Thành; chiều dài đáy 57,77m; chiều dài cánh là 27,06m; chiều cao chung gần 5m; diện tích chiếm đất hơn 1.560m2.

Ở phần giữa nền đài có 3 cửa đi song song nhau: Ngọ Môn ở giữa dành cho vua, hai bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho các quan văn võ trong đoàn ngự đạo. Đây là phần được xây dựng bằng đá. Ở trong lòng cánh chữ U mỗi bên có một cửa chạy xuyên qua lòng đài như đường hầm, lối ra – vào bên ngoài vuông góc với đường Dũng đạo (trục chính).

Tái hiện lễ Đổi gác (ảnh: Trần Như Đăng Tuyên)

Hai lối này gọi là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho quân lính và voi ngựa theo hầu. Hai cổng này được xây theo lối cuốn vòm và đỉnh cổng có hình cung; còn ba cổng ở giữa lại được thiết kế và xây dựng vuông – thẳng với sự tham gia của các thanh đồng chịu lực ở phía trên cổng. Phía trong Ngọ Môn (phía Hoàng Thành) có hệ thống thang lộ thiên ở hai bên để đi lên trên nền đài. Xung quanh mặt trên nền đài được bao bởi hệ thống lan can trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng tráng men ngũ sắc.

Ngọ Môn là biểu tượng của kỹ thuật và trình độ xây dựng thời bấy giờ. Với khả năng sử dụng và phối hợp nhuần nhuyễn các loại vật liệu bản địa; những người thợ, những nghệ nhân đã làm nên một công trình bền vững hàng thế kỷ. Ngọ Môn cũng là biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc đậm tính bản địa và bản sắc dân tộc; tiêu biểu cho kiến trúc triều Nguyễn ở Huế nói riêng và kiến trúc truyền thống Việt Nam nói chung.

Ô cửa hình khánh trên lầu Ngũ Phụng, Ngọ Môn (ảnh: Trần Như Đăng Tuyên)

Đó là một kiệt tác, một đỉnh cao của kiến trúc Cung đình Huế; từng là biểu tượng của một kinh thành vàng son và vương triều phong kiến. Nhưng vượt lên cả yếu tố chính trị và thời cuộc, Ngọ Môn trở thành biểu tượng của Huế, mãi là hình ảnh đẹp không phai của miền Cố đô thơ mộng.

Nơi chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử

Cùng với cầu Trường Tiền, Cột cờ Phu Vân Lâu, tháp Phước Duyên (chùa Linh Mụ)…, với hệ thống kiến trúc độc đáo của mình, Ngọ Môn từ lâu được xem là biểu tượng của Huế.

Ngọ Môn ngoài chức năng là cổng chính ra vào Hoàng Thành thì đây còn là một lễ đài trong nhiều sự kiện trọng đại của triều đình. Lễ đài và quảng trường Ngọ Môn là nơi cử hành các cuộc lễ lớn của triều đình như lễ Truyền lô (xướng danh các sĩ tử thi đỗ tiến sĩ), lễ Ban sóc (Phát lịch, ban bố lịch vào năm mới cho cả nước), lễ Duyệt binh…

Đặc biệt vào ngày 30/8/1945, Ngọ Môn cũng là địa điểm lịch sử – nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Chính tại nơi này, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm lại cho chính quyền cách mạng và chính thức nền phong kiến Việt Nam cáo chung.

Trong lịch sử, Ngọ Môn đã trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó phải kể đến những lần “bế quan” để trung tu dưới thời vua Minh Mạng thứ 20 (1839) và dưới các đời vua Thành Thái, Khải Định. Lần tu bổ lớn nhất là vào năm 1923 dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh của nhà vua (mừng sinh nhật 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924. Ngọ Môn đã được đại trùng tu, toàn bộ lầu Ngũ Phụng được hạ giải để tu bổ.

Trùng tu Ngọ Môn (ảnh: Trần Như Đăng Tuyên)

Trước năm 1975, việc trùng tu Ngọ Môn cũng đã được thực hiện nhiều lần vào các năm: 1956, 1963, 1972, 1973. Năm 1968, trong biến cố Tết Mậu Thân, Ngọ Môn nằm trong trọng tâm của vùng chiến sự nên đã bị hư hại nghiêm trọng, đặc biệt là Tả – Hữu Dực Lâu. Ngoài ra, hệ lan can chung quanh lầu cùng với hệ lan can hồ Ngoại Kim Thủy cũng đã bị tổn hại phần lớn.

Sau ngày đất nước được thống nhất, xác định đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa lớn của dân tộc được vinh danh di sản văn hóa thế giới, Ngọ Môn tiếp tục nhận được sự quan tâm và trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, phục hồi, giữ lại vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ ban đầu. Ngay sau khi thành lập (năm 1982), Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế (tiền thân của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cũng đã tu bổ cấp thiết Ngọ Môn vào năm 1986. Trong các năm 1992 – 2000, công trình lại tiếp tục được trùng tu ở quy mô lớn hơn. Năm 2012, dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn chính thức được triển khai với số vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn 2012 – 2015 và 2016 – 2019. Trong đó, giai đoạn 2, công trình được đầu tư với khoảng kinh phí 44 tỷ đồng. Các hạng mục được trùng tu ở giai đoạn này bao gồm: sơn thếp toàn bộ cấu kiện gỗ lầu Ngũ Phụng (hai tầng nhà chính và Tả, Hữu Dực Lâu) bằng kỹ thuật sơn truyền thống gồm sơn son thếp vàng, sơn son không thếp, sơn quang tùy vào từng không gian khác nhau; hạ tầng xung quanh khu vực Ngọ Môn và gắn kết với công trình về mặt giao thông cũng như cảnh quan từ mọi góc nhìn; hệ thống sân, mặt cầu, lan can, cây xanh; hệ thống chiếu sáng nội thất, chống cháy theo kỹ thuật hiện đại và tiêu chuẩn Việt Nam…

Ngọ Môn lung linh trong Festival Huế năm 2016 (ảnh: Trần Như Đăng Tuyên)

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, sự kết tinh của tinh hoa và cả tâm hồn người Việt, Ngọ Môn được người dân xem như đại diện tiêu biểu cho những giá trị của xưa cũ vẫn còn hiện hữu và gắn bó trong tâm hồn người dân xứ Huế. Nơi đây là sân khấu lớn cho sự kiện Festival tổ chức theo định kỳ. Đặc biệt trong năm 2023, ngay ngày đầu năm, tại Ngọ Môn, Đại Nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tổ chức công bố chương trình Festival Huế 2023 với hoạt động tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn.

Festival Huế 2023 gắn liền với điểm nhấn quan trọng là các hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, 20 năm Nhã nhạc được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Festival Huế 2023 tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng nhân dân; tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, quảng bá điểm đến Huế an toàn, thân thiện, thành phố Festival đặc trưng, tạo động lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng; tập trung nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo”./.

Ngọ Môn là sự kết tinh của tinh hoa và cả tâm hồn người Việt (ảnh: Trần Như Đăng Tuyên)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email