Ngày 24/7 tại thành phố Huế, Hội Phụ sản Thừa Thiên Huế và Hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức Hội nghị Phụ sản miền Trung mở rộng lần thứ 5. Bên lề hội nghị này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS. Cao Ngọc Thành (ảnh bên), Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ sản Thừa Thiên Huế về những nhận định của ông đối với ngành Phụ Sản và định hướng phát triển của khu vực miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
GS.TS. Cao Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ sản Thừa Thiên Huế
* Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết mục đích của hội nghị lần này là gì?
GS.TS. Cao Ngọc Thành: Diễn ra hai năm một lần, Hội nghị Phụ sản khu vực miền Trung mở rộng là dịp để các chuyên gia, cán bộ của ngành phụ sản trong khu vực nói riêng và cả trong nước nói chung cùng nhìn lại những kết quả đạt được trong lĩnh vực phụ sản, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và thảo luận về những định hướng trong thời gian tới. Tham dự hội nghị lần này có PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, các Ủy viên Thường vụ và Ban Chấp hành Hội cùng trên 450 đại biểu là các giáo sư, bác sĩ, các nhà khoa học đang công tác, giảng dạy tại các hội chuyên ngành, các cơ sở đào tạo và điều trị khu vực miền Trung và một số đơn vị chuyên ngành tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng các chuyên gia nước ngoài. Tiếp tục truyền thống các lần Hội nghị đã được tổ chức, trọng tâm của Hội nghị lần này là sinh hoạt khoa học và giao lưu chuyên môn của các thầy thuốc trong chuyên ngành Sản Phụ khoa, Sức khoẻ sinh sản và Kế hoạch hoá gia đình của các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên, đồng thời là dịp để các đại biểu cùng chia sẻ, cập nhật những tiến bộ mới trong lĩnh vực này thuộc các lĩnh vực sản, phụ khoa.
* Xin Giáo sư cho biết những thành tựu, thách thức của ngành Phụ sản khu vực nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trong những năm qua?
GS.TS. Cao Ngọc Thành: Trong sự phát triển chung của ngành sản phụ khoa Việt Nam, ngành sản phụ khoa khu vực cũng đã bắt nhịp và có những bước tiến vững chắc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực này cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn, trong đó là vấn đề chất lượng chăm sóc tiền sản, chăm sóc trong khi sinh ở các vùng khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Tỷ lệ mổ lấy thai những năm gần đây đã tăng cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Công tác tư vấn sức khỏe sinh sản vẫn chưa được chú trọng nhiều ở các nhóm đặc thù. Ngoài ra, còn có những vấn đề mới phát sinh như mang thai hộ, phẫu thuật tạo hình can thiệp khi thai nhi còn trong bụng mẹ…
* Thưa giáo sư, được biết Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược Huế là một trong 3 trung tâm sàng lọc khu vực được Tổng cục dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) chọn để hướng dẫn chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn cho khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Ông có thể cho biết những nhiệm vụ chính và kết quả đạt được của Trung tâm trong thời gian vừa qua?
GS.TS. Cao Ngọc Thành: Sàng lọc sơ sinh được khởi xướng tại Hoa Kỳ năm 1960, sau đó mở rộng sang các nước Châu Âu và năm 1982, sàng lọc sơ sinh trở thành chương trình quốc tế. Thời gian đầu, người ta sử dụng các xét nghiệm đơn lẻ để phát hiện sự gia tăng hoặc giảm bất thường của một số chất trong máu mẹ như Alpha Fetoprotein, HCG toàn phần hay bán phần alpha và beta, Estriol không liên hợp, Inhibin A… Siêu âm là một trong những thăm dò được áp dụng rộng rãi và hữu hiệu trong chẩn đoán trước sinh. Từ những năm đầu thập kỷ 90, người ta đã phát hiện ra mối tương quan thống kê giữa dấu hiệu siêu âm về khoảng cách vùng da gáy (phát hiện sau gáy) của thai nhi được phát hiện sau 12-14 tuần tuổi thai có liên quan bất thường về nhiễm sắc thể. Mô hình sử dụng siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai nhi, phát hiện các bất thường về hình thể, các dấu hiệu chỉ điểm và việc thực hiện các xét nghiệm hóa sinh, di truyền để xác định một số bệnh nguy hiểm ở thai nhi, điểm hình là hội chứng Down (hội chứng gây trạng thái suy giảm trí tuệ bẩm sinh do thừa nhiễm sắc thể 21) là mô hình hữu hiệu góp phần giảm thiểu sơ sinh bị các dị tật, dị dạng bẩm sinh và một số bệnh di truyền không thể chữa trị được.
Tại Việt Nam, đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua xây dựng và mở rộng hệ thống sàng lọc trước sinh và sơ sinh được bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2007, đến năm 2011 được mở rộng tại 3633 xã, phường thuộc 430 quận, huyện của 51 tỉnh, thành phố. 3 trung tâm khu vực được thành lập chịu trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật là Bệnh viện Phụ sản Trung ương (phụ trách 18 tỉnh, thành phố phía Bắc), Đại học Y dược Huế (13 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên) và Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh (20 tỉnh, thành phố phía Nam).
Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh được công nhận là một chương trình sức khỏe cộng đồng thiết yếu nhằm giảm tỷ lệ tử vong và chậm phát triển về thể chất và trí tuệ ngay từ giai đoạn đầu đời của con người qua sử dụng các xét nghiệm đơn giản để phát hiện sự tăng hoặc giảm bất thường của một số chất trong máu mẹ. Sử dụng siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai nhi, phát hiện các bất thường về hình thể, phát hiện các dấu hiệu “độ mờ da gáy” và thực hiện các xét nghiệm sinh hóa, di truyền để xác định một số bệnh ở thai nhi góp phần giảm thiểu trẻ sơ sinh dị tật, dị dạng và mắc một số bệnh di truyền không chữa trị được. Sàng lọc sơ sinh là hoạt động thực hiện các loại xét nghiệm đơn giản, có tính đặc hiệu cao trong những ngày đầu sau sinh và những trường hợp nghi ngờ phải được cơ sở xét nghiệm đủ điều kiện chẩn đoán xác định mắc bệnh hay không bị bệnh.
Trong những năm qua, Trung tâm đã sàng lọc trước sinh cho 7.400 thai phụ (tính từ năm 2011, riêng từ đầu năm 2014 đến nay đã sàng lọc cho 2.500 thai phụ), phát hiện được nhiều trường hợp có chỉ số dương tính, nghi ngờ bất thường để tư vấn chấm dứt thai kỳ hoặc điều trị sau sinh; sàng lọc bằng mẫu máu gót chân được 33.690 trẻ sơ sinh (tính từ năm 2011, từ đầu năm 2014 đến nay đã sàng lọc cho 7.500 trẻ), phát hiện được nhiều trường hợp bị mắc bệnh thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh để quản lý giám sát và tư vấn điều trị.
Trung tâm tập trung ưu tiên đầu tư các dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh nhằm tạo bước đột phá trong các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Trong giai đoạn 2012-2015, sẽ tập trung sàng lọc những bệnh, tật có tỷ lệ mắc cao; từng bước mở rộng đề án, tiến tới mở rộng cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, đưa các dịch vụ này trở thành thường quy tại bệnh viện. Bên cạnh đó sẽ mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, kiện toàn Trung tâm chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, từng bước chuyển giao kỹ thuật cho các trung tâm tuyến tỉnh: Tiếp tục tập huấn kỹ thuật siêu âm chẩn đoán trước sinh cho các bác sỹ tuyến huyện; tập huấn kỹ thuật viên tuyến tỉnh, huyện, xã về lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh; đảm bảo kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cơ bản; đảm bảo dụng cụ, vật tư thiết yếu thực hiện có chất lượng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; bổ sung, chỉnh lý tài liệu truyền thông; tập huấn kỹ năng tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại cộng đồng.
* Xin Giáo sư cho biết những định hướng phát triển của ngành Phụ sản trong thời gian đến?
GS.TS. Cao Ngọc Thành: Trong thời gian đến, trên cơ sở phát huy những thành tựu khoa học trong ngành Sản Phụ khoa và sức khỏe sinh sản, đặc biệt trong các lĩnh vực chăm sóc tiền sản, hỗ trợ sinh sản, sàng lọc và điều trị các ung thư phụ khoa, ngành sẽ tập trung phát triển một số định hướng mới trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bao gồm tư vấn và sàng lọc tiền thai, chẩn đoán di truyền trước làm tổ, dự báo và điều trị dự phòng bệnh lý tiền sản giật – sản giật, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số ung thư phụ khoa.
* Xin cám ơn Giáo sư!
Doãn Quan (thực hiện)