Năm 2013: Thừa Thiên Huế phấn đấu để tiến tới đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I

Trong mọi trường hợp, phải cố gắng bảo đảm thực hiện các mục tiêu xã hội như: tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…; đồng thời, gắn với triển khai quyết liệt các đề án, dự án thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, phấn đấu để tiến tới đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I. Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013.

Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (Khóa XIV) đã dành nguyên ngày 03/12 để tập trung thảo luận về tình hình KT-XH, quốc phòng, an ninh năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2012, Thừa Thiên Huế phải đối mặt với những điều kiện và hoàn cảnh hết sức khó khăn, phức tạp, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động theo chiều hướng xấu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế trong nước; việc thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, cắt giảm chi tiêu, lãi suất tín dụng tăng cao, làm sản xuất – kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Song, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kế thừa và phát huy thành quả của những năm trước; tập trung chỉ đạo quyết liệt trên nhiều lĩnh vực; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, nỗ lực của các doanh nghiệp, đồng thuận của toàn xã hội và tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, nên tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2012 cơ bản ổn định, đạt và vượt 10/13 chỉ tiêu quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 9,7%, mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng là một trong những tỉnh trong toàn quốc đạt mức tăng trưởng khá cao trong điều kiện hiện nay. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 12.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so năm 2011. Thu ngân sách đạt trên 5861 tỷ đồng, tăng 55%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa và phát triển toàn diện. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Khu vực dịch vụ tiếp tục có bước phát triển. Các lĩnh vực văn hóa – du lịch, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức thành công Festival Huế 2012, Năm Du lịch Quốc gia và nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác, đã góp phần nâng cao vị thế Thừa Thiên Huế trong nước và khu vực. Đặc biệt, thực hiện chủ đề “Năm đô thị 2012”, đã tập trung cao độ cho chương trình nâng cấp và chỉnh trang đô thị; triển khai tích cực các công trình trọng điểm, tạo bước phát triển vượt bậc kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đưa quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh, đều khắp, hình thành diện mạo mới, quyết tâm mới trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Những kết quả đạt được của năm 2012 là hết sức quan trọng, thể hiện sự đoàn kết thống nhất trong Ban Thường vụ, trong Ban Chấp hành và các cấp ủy đảng, là ý chí, quyết tâm của quân và dân Thừa Thiên Huế trong thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Hội nghị Tỉnh ủy nhận định: Tỉnh Thừa Thiên Huế đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu quan trọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và huy động vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có xu hướng chậm lại và tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm trước. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm về chỉnh trang đô thị, hạ tầng kinh tế – xã hội còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Công tác quản lý xây dựng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu.

Năm 2013 được dự báo còn có nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2012, do bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Trung ương với trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; đồng thời, nền kinh tế nước ta đứng trước những tác động không thuận của tình hình kinh tế thế giới, khu vực.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra mục tiêu cho năm 2013 là “Năm đô thị”. Huy động tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo chuyển biến căn bản diện mạo đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phấn đấu để tiến tới đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I. Duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý găn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, du lịch, ý tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, làm nền tảng vững chắc để phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuông Trung ương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề ra 13 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt trên 10%; Tổng sản phẩmtrong tỉnh bình quân đầu người là 1.760 USD; Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 540 triệu USD; Tổng đầu tư toàn xã hội 14.500 tỷ đồng; Thu ngân sách nhà nước đạt 5.200 tỷ đồng; Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 50%; Tạo việc làm mới cho 16.000 người…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã năm 2013, cần bám sát thực tiễn, phát huy tối đa trách nhiệm của Ban Chấp hành nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở và doanh nghiệp; các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân phải phát huy cao độ tinh thần thi đua yêu nước, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra. Trong mọi trường hợp, phải cố gắng bảo đảm thực hiện các mục tiêu xã hội như: tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…; đồng thời, gắn với triển khai quyết liệt các đề án, dự án thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh năm 2013, quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo cần xác định rõ: Thừa Thiên Huế là một địa bàn trọng điểm, luôn có nhiều tiềm ẩn về an ninh chính trị. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phải không ngừng tăng cường quốc phòng – an ninh, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang một cách toàn diện. Trước hết và có tính nguyên tắc là phải xây dựng vững mạnh về chính trị để làm cơ sở nền tảng, đảm bảo lực lượng vũ trang là một khối thống nhất ý chí và hành động; đồng thời, tạo mọi điều kiện để lực lượng quân đội, công an, biên phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email