Một số giải pháp hạn chế sự phát triển của bèo tây, đảm bảo vệ sinh môi trường và nguồn nước phục vụ sản xuất

     Bèo tây (danh pháp khoa học: Eichhornia crassipes) còn được gọi là bèo lục bình hay bèo Nhật Bản, là một loài thực vật thuỷ sinh nổi trên mặt nước, phân bố rộng rãi ở Việt Nam. Cây bèo tây mọc cao trên mặt nước khoảng 0,3 – 0,5m, bộ rễ phát triển mạnh dưới nước có thể dài hơn 1m, tốc độ sinh sản rất nhanh, một cây mẹ có thể đẻ cây con, tăng số gấp đôi mỗi 2 tuần nên dễ làm nghẽn ao hồ, kênh rạch; làm xấu cảnh quan môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh; ảnh hưởng giao thông thủy và khai thác nguồn nước chống hạn trong vụ hè thu; làm hạn chế khả năng thoát nước của hệ thống cống thoát, kênh rạch, sông ngòi, gia tăng tình trạng ngập úng khi mưa lớn.

Khi nguồn nước bị tù đọng, ô nhiễm thì bèo tây phát triển càng mạnh và lan nhanh. Do đó, bên cạnh giải pháp nạo vét sông hồ, cải thiện dòng chảy thì việc xử lý ô nhiễm và hạn chế ô nhiễm nguồn nước được xem là những biện pháp cơ bản và lâu dài để giải quyết vấn nạn bèo tây. Theo đó các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về xả thải vào nguồn nước từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân sinh…; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước của người dân địa phương như: nuôi cá lồng bè, sử dụng phân bón quá mức trong sản xuất nông nghiệp…

Thực tế ở nước ta, khi bèo tây phát triển tạo thành mảng lớn, dày đặc trong các sông, ao hồ, đồng ruộng, thì trục vớt bèo là một trong những biện pháp nhanh và phổ biến. Trục vớt thủ công là dùng các loại ghe thô sơ chèo chống bằng sào, hay thuyền nhỏ có động cơ, kết hợp với một số thiết bị đơn giản như lắp trên thuyền khung vớt bèo, dồn đẩy và vớt bèo đưa lên bờ để xử lý. Trục vớt cơ giới là dùng các loại máy múc máy đào hay xáng, phao bè lắp động cơ thủy lực có công suất lớn như gàu ngoạm hay thiết bị gom vớt bèo tải lên băng chuyền, đưa vào máy cắt/máy ép và chứa tạm vào thùng chứa, khi đầy sẽ đưa lên bờ.

Những năm gần đây, một số đề tài, đơn vị trong nước đã nghiên cứu chế tạo các loại thiết bị vớt bèo tây trên kênh rạch, ao hồ nhưng vẫn còn một số nhược điểm như: tính cơ động không cao, khả năng chứa thấp nên chu trình làm việc  của thiết bị không được lâu, khi đầy khoang chứa phải tốn thời gian di chuyển vào bờ hoặc đưa sang thuyền trung chuyển; kích thước không phù hợp với kênh rạch nhỏ, có nhiều cầu cống; thiết bị thủy lực chóng hư hỏng. Trên thị trường cũng có thiết bị cơ giới vớt bèo, rác chuyên dụng xuất xứ nước ngoài, nhưng giá thành rất cao, chi phí duy tu bảo dưỡng lớn.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, để giải quyết vấn nạn bèo tây lây lan gây ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất và đời sống, từ nhiều năm nay các cấp, ngành của tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai trục vớt bèo tây, khơi thông dòng chảy trên các sông, hói. Tập trung tại một số khu vực như: sông Bạch Yến, Hộ Thành Hà, hói Hàng Tổng, sông An Cựu, sông Như Ý, hói Phát Lát ở thành phố Huế; các sông: Như Ý, Phổ Lợi, Lợi Nông, Mộc Hàn, Đại Giang, Thiệu Hóa, sông Vực, sông Phú Bài thuộc địa bàn thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang; sông Nịu và hạ lưu đập Cửa Lác, sông Sịa, Kim Đôi, An Xuân thuộc huyện Quảng Điền và một số sông, hói, ao, hồ thuộc các huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà…

Cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trận lũ lụt lớn đã đẩy một lượng lớn bèo từ các sông, hói, ao, hồ, kênh rạch cuốn ra biển, một phần được các địa phương thu gom xử lý nên lượng bèo tây giảm khá nhiều. Nhưng từ đầu năm 2021 đến nay khi lưu lượng dòng chảy trên các sông hói giảm, bèo tây sinh sôi phát triển trở lại. Nhằm chủ động ngăn ngừa, hạn chế bèo tây lây lan trở lại, ngay từ đầu tháng 3/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh triển khai công tác vớt bèo; các địa phương trong tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện.

Để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường và hạn chế phát sinh bèo trên địa bàn, thiết nghĩ bên cạnh việc thường xuyên ra quân trục vớt, tỉnh nên giao các ngành, địa phương lập dự án nạo vét sông hói, ao hồ bị bồi lấp, ô nhiễm nhằm tạo dòng chảy thông thoáng, tránh tù đọng làm bèo phát triển. Các địa phương nên chủ động theo dõi khoanh vùng, dùng các dây phao gom không cho bèo phát tán trôi lây lan sang địa phương khác và triển khai trục vớt sớm khi lượng bèo chưa nhiều. Có kế hoạch điều tiết, bổ sung lưu lượng nước từ các hồ thủy điện thủy lợi lớn ở thượng nguồn nhằm tạo dòng chảy, phối hợp vận hành đập Thảo Long vừa đảm bảo ngăn nước mặn từ biển, đầm phá xâm nhập vào nhưng vẫn tạo được dòng chảy trên sông Hương và các chi lưu, nâng cao khả năng tự làm sạch của sông ngòi, giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sử dụng bèo làm phân hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp và trồng trọt để khuyến khích người dân trục vớt bèo./.

TS. NGUYỄN ĐÍNH

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email