Trong quá trình bôn ba ở ngoài nước, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đương giải phóng dân tộc. Người quyết định đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1920). Từ đó Người khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Muốn thực hiện mục tiêu đó, Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững thì cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”.
Để xây dựng Đảng vững mạnh, Hồ Chí Minh đề ra mấy nguyên tắc cơ bản sau đây:
Nguyên tắc tập trung dân chủ: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Người lý giải vấn đề tập trung trong Đảng là thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, bộ phận phục tùng toàn thể, tất cả đảng viên phải phục tùng vô điều kiện nghị quyết của Đảng. Đó là biểu hiện cụ thể của tính tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, Người còn nhấn mạnh phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình “Phải gom góp ý kiến đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng là sự thống nhất biện chứng giữa tập trung và dân chủ. Người chỉ rõ “Tập trung trên nền tảng dân chủ” và “Dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung”.
Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: Đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung. Độc đoán chuyên quyền cũng như sự dựa dẫm tập thể đều xa lạ với nguyên tắc này. Người lý giải nguyên tắc này như sau:
“Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo?” Vì một người, dù khôn ngoan, tài giỏi đến mấy, dù kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Theo Người, chỉ có tập thể lãnh đạo mới huy động được toàn bộ trí tuệ của đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Người nhấn mạnh: “Lãnh đạo không tập thể sẽ đưa đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc”.
“Vì sao cần phải cá nhân phụ trách?” Việc gì đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch rõ ràng rồi thì cần giao cho một người phụ trách, theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế công việc mới chạy. Người còn chỉ rõ: không phải vấn đề nhỏ nhặt, vụn vặt cũng đưa ra bàn mới là tập thể lãnh đạo. Cũng không vin vào trách nhiệm cá nhân để lấn át tập thể, chuyên quyền, độc đoán. Cá nhân phụ trách đòi hỏi cá nhân dám chịu trách nhiệm trước công việc được giao, sáng tạo, chủ động hoàn thành nhiệm vụ. Cá nhân phụ trách hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa cá nhân. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là tư tưởng nhất quán của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyên tắc tự phê bình và phê bình: Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Người cho rằng; Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”. “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái đọ của người cách mạng”. Vì vậy, “thang thuốc hay nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình”.
Việc này phải làm một cách thường xuyên để cho khuyết điểm ngày càng ít, ưu điểm ngày càng nhiều thêm. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”. Mỗi cán bộ, đảng viên hàng ngày phải kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như vậy thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng. Tự phê bình và phê bình phải “triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nếu không kiên quyết thực hiện tự phê bình và phê bình cũng giống như giấu giếm bệnh tật, không dám uồng thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng. Bên cạnh tính chất kiên quyết trong tự phê bình và phê bình, Người chú trọng cái tâm trong sáng trong sinh hoạt Đảng.
Trên đây là ba nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang tích cực thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, việc nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc này trong sinh hoạt Đảng là rất có ý nghĩa.
ThS. Trần Giải – Phó Chủ tịch thường trực
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế