Năm ấy, tôi may mắn được dự lễ tưởng niệm chiến sỹ hy sinh bảo vệ Trường Sa đúng ngày 14-3, ngày mà 64 cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.
Tàu HQ – 996 neo gần đảo Gạc Ma, gió và sóng biển như lặng đi khi những vòng hoa thả xuống. Tiếng còi tàu vang lên từng hồi dài da diết đôi lúc nghẹn lại. Cho đến giờ thanh âm của nó dường như vẫn còn đập trong lòng những người hôm ấy. Nhìn vòng hoa trên biển, lại nhớ câu: “Có tuổi 20 thành sóng nước”. Bao nhiêu tuổi 20 đã thành sóng nước ở Trường Sa để rồi ngay cả tiếng còi tàu cũng vang lên bi tráng?
Ngày 14-3-1988, những chiến sỹ đã dùng máu của mình để bảo vệ lá cờ Tổ quốc khi quân Trung Quốc tràn lên đảo Gạc Ma. Họ đã làm nên một vòng tròn bất tử và dùng máu của mình bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma. 64 người con đất Việt đã hy sinh trong tư thế khiến kẻ dã tâm phải cúi đầu, cho dù đảo Gạc Ma đã rơi vào tay Trung Quốc vì tương quan lực lượng quá chênh lệch.
Đã bao năm qua, sự hy sinh của các anh đã có lúc tưởng chừng như bị quên lãng khi mà sự gọi tên và tưởng nhớ nó chẳng phải lúc nào cũng thuận. Tôi nhớ bài thơ “Đêm đại dương” của Đại văn hào Pháp Victo Hugo tiếc thương cho những thủy thủ đã bỏ xác trên biển: “Rồi chẳng còn ai nhớ… dần tan/ Thân trong nước, tên trong trí nhớ…/Thời gian qua dần phủ bóng đen;/ Trên biển sâu và lòng lãng quên!”.
Nhưng khác với cái chết của những thủy thủ đi biển vì mưu sinh, sâu thẳm hơn cả biển Đông, vang xa hơn cả tiếng còi tàu, sự quên mình vì Tổ quốc của 64 chiến sỹ ở đảo chìm Gạc Ma vẫn sừng sững hiên ngang giữa biển.
Những con tàu của Hải quân Việt Nam, mỗi lúc đi ngang qua Gạc Ma, sĩ quan, chiến sĩ đều kính cẩn cúi đầu trong tiếng còi tàu kéo lên tưởng niệm. Họ biết mình mạnh hơn khi nhớ về Gạc Ma.
Ở đất mẹ vẫn còn những mộ gió mang tên 64 chiến sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma và trên đó có nhiều hoa tươi và nước mắt. Nhưng hoa tươi và nước mắt trên các ngôi mộ gió ấy, không phải chỉ để tưởng nhớ quá khứ mà còn nhắc nhở, còn thúc giục, còn cảnh báo cho hiện tại và tương lai. Cảnh báo một điều không bao giờ cũ mà nhà văn Phuxich đã viết trong tác phẩm: “Viết dưới giá treo cổ”: Hãy cảnh giác.
Hãy cảnh giác với tham vọng và dã tâm muốn nuốt trọn biển Đông một cách phi lý. Hãy cảnh giác: Gạc Ma bị chiếm vào một ngày trời yên biển lặng, không hề có tuyên bố chiến tranh. Và từ khi Gạc Ma bị chiếm, ngày 14-3 trở nên ý nghĩa đáng nhớ và nóng hổi tính thời sự.