Làm thế nào để công tác giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả

Trước hết, phải thống nhất cách hiểu hai khái niệm: Giám sát và phản biện xã hội. Theo tôi, giám sát là việc theo dõi, xem xét, phát hiện, đánh giá và kiến nghị đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, an ninh và quốc phòng. Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án,… đang thời kỳ dự thảo.

Giám sát và phản biện xã hội là hai công tác hết sức quan trọng. Trên thế giới, nước nào cũng vậy, đặc biệt là đối với những nước, chỉ có một Đảng duy nhất lãnh đạo, đều rất coi trọng công tác giám sát và phản biện xã hội. Trước đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội, nhưng chưa thường xuyên và chưa có văn bản nào quy định cụ thể nên hiệu quả còn rất hạn chế. Nhưng đây là công tác cần thiết, rất quan trọng, nên ngày 12/12/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 217 –QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội. Như vậy, từ đây giám sát và phản biện xã hội trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp.

Giám sát và phản biện xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ, tính xây dựng, và tính khoa học. Giám sát và phản biện xã hội có vai trò rất to lớn. Giám sát góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để kịp thời phổ biến nhân rộng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, làm cho đất nước phát

triển nhanh và bền vững. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể… ; Từ đó kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống xã hội và đảm bảo tính hiệu quả; đồng thời góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội làm cho đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống của nhân dân ngày càng hạnh phúc, văn minh.

Giám sát và phản biện xã hội là công tác khó khăn và phức tạp, chịu sự tác động nhiều chiều. Theo tôi muốn giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả cần phải thực hiện những vấn đề sau đây:

– Thứ nhất là phải phân công cụ thể. Trước hết phải coi việc giám sát và phản biện xã hội là công tác của toàn dân, ai cũng có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội. Nhưng cũng phải có cơ quan, đội ngũ trực tiếp tổ chức thực hiện, tức là có sự phân công cụ thể. Tổ chức nào, cấp nào, ai là người trực tiếp giám sát và phản biện xã hội, tránh phân công chung chung dễ xẩy ra tình trạng, có những việc thực hiện trùng lắp nhưng cũng có những việc không tổ chức nào thực hiện. Trong Quyết định số 217 của Ban chấp hành Trung ương đã nêu rõ việc giám sát và phản biện xã hội giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội. Tất nhiên, trong nội bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội cũng phải phân công cụ thể, việc nào cấp Trung ương thực hiện, việc nào cấp địa phương, cơ sở thực hiện; việc nào thì Mặt trận thực hiện, việc nào thì tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc phối hợp thực hiện…

– Thứ hai là chọn việc để giám sát và phản biện xã hội. Đất nước ta trong thời kỳ xây dựng và phát triển nên có nhiều việc phải giám sát và phản biện xã hội nhưng không thể làm một lúc, làm tất cả được. Do đó phải có kế hoạch dài hạn và từng giai đoạn, trước mắt nên lựa chọn những vấn đề phù hợp, thiết thực với đời sống, những vấn đề bức xúc mà nhân dân đang quan tâm để thực hiện trước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp cần có chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát và phản biện xã hội cụ thể, báo cáo cấp ủy và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai để được hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện.

– Thứ ba là cán bộ giám sát và phản biện xã hội . Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đội ngũ cán bộ được phân công giám sát và phản biện xã hội phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hiện, dám đương đầu và dám chịu trách nhiệm. Trong cộng đồng khu dân cư cần phát huy vai trò Ban giám sát cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân, những người có uy tín, có kinh nghiệm, có tri thức am hiểu vấn đề tham gia giám sát và phản biện xã hội. Khi cần thiết phải tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Nếu người được phân công giám sát và phản biện xã hội mà bản lĩnh non kém, kiến thức chuyên môn hạn chế, phẩm chất đạo đức lại có vấn đề hoặc cử cán bộ giám sát, phản biện theo kiểu “chọn mặt gửi vàng” thì đôi khi lại thỏa hiệp, hợp thức hóa cho những sai trái, tiêu cực.

– Thứ tư là cơ chế và chính sách. Đảng và Nhà nước cần tạo cho Mặt trận Tổ quốc có được vị trí tương đối độc lập, không lệ thuộc nhiều vào Nhà nước về tổ chức, cán bộ và tài chính. Đồng thời mọi thông tin về những việc cần giám sát và phản biện xã hội phải được minh bạch và công khai. Đảng, Nhà nước, các đoàn thể cần biểu dương, khích lệ những người làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, và có cơ chế bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh giám sát và phản biện xã hội, thấy đúng thì phát huy, thấy sai thì kịp thời sửa chữa. Có như vậy công việc giám sát và phản biện xã hội mới có hiệu quả, góp phần làm lành mạnh các hoạt động xã hội, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, xây dựng bộ máy Nhà nước thật sự trong sạch vững mạnh, đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 9 tháng 9 năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội năm 2015 và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý. Bản Kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung các công việc cần giám sát và thời gian thực hiện, đồng thời phân công cụ thể cho từng tổ chức thực hiện. Kế hoạch năm 2015, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng ta sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, giám sát việc huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia thực hiện chương trình nông thôn mới; giám sát một số hoạt động tư pháp, việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm, giám sát việc sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản và thức ăn gia súc….

Về công tác phản biện xã hội, năm 2015 sẽ tập trung tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật, các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp. Đây là những vấn đề, những công việc mà nhân dân tỉnh nhà đang đặc biệt quan tâm. Tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, sự tạo điều kiện của Chính quyền các cấp, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội của tỉnh, công tác giám sát và phản biện xã hội sẽ thu được những thành quả như mong muốn, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, cảnh quan sinh thái và thân thiện với môi trường.

PGS.TS. PHAN HÒA

Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban

MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email