Kiên quyết phản đối tàu Trung Quốc bắn tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa

“Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam TTXVN đưa tin, ngày 25-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 20-3-2013, một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết tàu cá bị bắn mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. “Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ông Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”. Ông Nghị cũng cho biết, ngày 25-3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc. Vô cớ truy đuổi và nã đạn vào tàu của ngư dân Việt Theo lời kể của thuyền trưởng Bùi Văn Phải (xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) , khoảng 10 giờ ngày 20/3, khi sắp kết thúc phiên đánh bắt tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu ông – gồm 9 ngư dân – đụng phải chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc mang số 786, sơn màu trắng xám. Tàu sắt Trung Quốc liền hùng hổ đuổi theo. Thuyền trưởng Phải kéo ga chạy thật nhanh. Bọn lính bên tàu tuần tra liên tục buộc tàu ngư dân dừng lại. Khoảng 30 phút sau, bất ngờ đạn lửa từ tàu tuần tra Trung Quốc (có thể là động tác cảnh cáo) bắt đầu nã sang ca bin tàu ngư dân của ta. Hốt hoảng và bất ngờ, các ngư dân đang ngồi trước mũi thuyền liền đưa tay lên đầu la to. Nóc cabin bắt đầu bốc cháy ầm ầm. Tấm bạt nhựa trên cabin tan chảy để lộ ra 4 bình gas đang nằm giữa đống lửa rừng rực. Sau khi tích cực chữa cháy, khoảng 30 phút sau lửa trên tàu được dập tắt. Tuy nhiên, toàn bộ áo quần, mền, chiếu… của ngư dân bị cháy rụi. Vì không còn quần áo, lương thực nên tàu QNg 96382 TS đành quay về”.

Để chứng minh cho lời kể của chủ tàu và thuyền trưởng, ngư dân Lê Thu kéo tấm nhựa màu xanh lợp vội trên nóc cabin cháy rụi xuống và kể thêm: “Khi tàu Trung Quốc kẹp mạn tàu chúng tôi, một số lính của họ không nói không rằng liên tục nã đạn uy hiếp dù anh em chúng tôi đã tập trung trên mũi tàu. Ngay loạt đạn lửa đầu tiên, cabin đã bốc cháy”.

Ông Thạch lo lắng nói: “Vài ngày trước, tàu chúng tôi bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công bằng vòi rồng. Nay lại bị bắn cháy tàu bằng súng đạn lửa, ngư dân chúng tôi rất hoang mang”. Thuyền trưởng Phải cho biết, chi phí sửa chữa tàu chỉ vài chục triệu đồng, nhưng thiệt hại vì tổn phí chuyến biển lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, theo ông Phải, tại ngư trường Hoàng Sa có nhiều tàu thuộc các lực lượng kiểm ngư, hải giám, tuần tra của Trung Quốc ráo riết hoạt động, thường xuyên xua đuổi, tấn công tàu cá Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn cho biết: “Sau khi tàu về, chúng tôi đã hướng dẫn chủ tàu làm đơn báo cáo với bên biên phòng và chính quyền, ngành ngư nghiệp địa phương. Nghiệp đoàn cũng sẽ có văn bản đề nghị UBND huyện, tỉnh và Sở NNPTNT giúp đỡ chủ tàu và các ngư dân. Đồng thời, sẽ huy động đoàn viên nghiệp đoàn đóng góp hỗ trợ chủ tàu và các ngư dân. Tuy nhiên, thiệt hại lần này của tàu cá QNg 96382 là quá lớn, chúng tôi mong họ sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn của các ban ngành, đơn vị, các nhà hảo tâm để để họ có thể sửa tàu, tiếp tục vươn khơi bám biển”. Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đồn phó đồn Biên phòng Lý Sơn, cho biết, đơn vị đã chỉ đạo cho các đội nghiệp vụ thu thập hồ sơ để báo cáo về trên xử lý. Được biết, hiện Trung Quốc đang duy trì liên tục khoảng 21 tàu Ngư chính trên các vùng biển khác nhau tại Biển Đông và thậm chí mới đây còn điều một đội tàu Hải giám chính thức đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, mà thực chất bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhằm bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá trộm của ngư dân Trung Quốc. Ngày 19/3/2013, Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam.”

Theo Phapluatxahoi.vn

Kiểm tra lại

Khai mạc Hội thảo “Di sản và phát triển bền vững”

Sáng 21/5/2015, tại khách sạn Sài Gòn Morin, thành phố Huế, UBND thành phố Huế …