Tác giả: Đăng Tuyên
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Bài viết góp phần nhận thức rõ về khởi đổi mới sáng tạo và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Một số khái niệm
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up): là quá trình khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm, dịch vụ đã từng có trên thị trường và được phát triển nhanh chóng vượt bậc”.
Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup ecosystem) bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, trong đó có chính sách và luật pháp của nhà nước (thành lập doanh nghiệp, thành lập tổ chức đầu tư mạo hiểm, thuế, cơ chế thoái vốn,…); cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp (các khu không gian làm việc chung, cơ sở – vật chất phục vụ thí nghiệm, thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu,…); vốn và tài chính (các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân, các ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính, …); văn hóa khởi nghiệp (văn hóa doanh nhân, văn hóa chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, thất bại); các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các huấn luyện viên khởi nghiệp và nhà tư vấn khởi nghiệp; các trường đại học; các khóa đào tạo, tập huấn cho cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp; nhà đầu tư khởi nghiệp; nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp; thị trường trong nước và quốc tế.
Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Business Incubator) là các tổ chức có chức năng hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp để họ đi từ bước có ý tưởng ĐMST đến hoàn thiện công nghệ hoặc một mục đích nhất định của cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp đó (ví dụ: mục đích gọi vốn, đổi mới công nghệ…). Quá trình ươm tạo có thể kéo từ vài tháng đến vài năm. Thông thường, các cơ sở ươm tạo hỗ trợ dưới hình thức tư vấn, cung cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật (ví dụ: phòng thí nghiệm, thử nghiệm, không gian làm việc). Các cơ sở ươm tạo thường thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu và sử dụng ngân sách nhà nước để hoạt động.
Tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator) là tổ chức có chức năng hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư từ các quỹ Đầu tư mạo hiểm (ĐTMH). Một quy trình hỗ trợ khởi nghiệp của các BA thường kéo dài từ 3 đến 4 tháng. BA thường chỉ nhận hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp có công nghệ hoàn chỉnh hoặc có ý tưởng sáng tạo nhưng không mất nhiều thời gian để hoàn thiện công nghệ (ví dụ các ý tưởng về thương mại điện tử). Hoạt động của BA cũng có thể coi là hoạt động “hậu ươm tạo” (sau khi nhóm khởi nghiệp đã được hỗ trợ qua cơ sở ươm tạo). BA thường cung cấp hỗ trợ dưới dạng tư vấn, khu không gian làm việc chung và đặc biệt là cấp vốn mồi để đổi lấy một phần sở hữu của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khu vực địa lý cận kề, trong đó, có các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, bao gồm: khu làm việc chung (co-working space), các đơn vị tư vấn, hỗ trợ, ươm tạo, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, văn phòng đại diện các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST,…nhằm mục đích kết nối, hỗ trợ tối đa nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Trong các khu tập trung dịch vụ này, thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội thảo, tọa đàm,… để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, đồng thời, triển lãm sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nhằm thu hút các nguồn đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện cụ thể của các quốc gia, chính sách đặc thù dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thể được phép thử nghiệm tại đây.
Sự kiện khởi nghiệp ĐMST có thể bao gồm các hoạt động như sau: tọa đàm, hội thảo, hội thảo khoa học về khởi nghiệp ĐMST; triển lãm, trưng bày các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; các cuộc thi ý tưởng, dự án, thi thuyết trình, gọi vốn đầu tư, thi kỹ năng đặc thù, … của cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối đầu tư – doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp – doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối nhân lực cho khởi nghiệp ĐMST và các hoạt động khác.
Những kết quả đạt được trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Phát biểu tại chương trình Dấu ấn Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là năm thứ 9 sự kiện này được tổ chức, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đồng thời truyền tải thông điệp của Chính phủ: “Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách tổng thể, toàn diện, hướng tới Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cởi mở; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt Nam, ý chí người Việt Nam từng bước khẳng định và vươn lên trong thế giới đầy biến động, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, hội nhập với thế giới.” Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định
Chính phủ luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững đất nước; Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và là động lực quan trọng phát triển nhanh và bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong top dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển. Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, kiều bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia vừa được khánh thành tại Hòa Lạc, Hà Nội. Cả nước đã có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm.
Trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023
Tuy nhiên, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là: hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi; nguồn lực tài chính phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và các trường đại học/viện nghiên cứu.
Như vậy, Việt Nam bước đầu đã hội tụ được các yếu tố thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập được những yếu tố cơ bản hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Ở cấp độ địa phương, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Dương, Hải Phòng, Long An… đã có những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành một số trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở các trường đại học, khu công nghệ cao, vườn ươm tạo công nghệ cao. Ở thành phố Hà Nội, vườn ươm khởi nghiệp hỗ trợ tích cực cho các hoạt động xúc tiến, kết nối các nhà đầu tư bổ túc kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, xây dựng và lựa chọn phương án khởi nghiệp, cách thức tiếp cận các nguồn lực: Đất đai, vốn, công nghệ và các quỹ hỗ trợ; tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công với các bạn trẻ chuẩn bị khởi nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt Nam, ý chí người Việt Nam từng bước khẳng định và vươn lên trong thế giới đầy biến động, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, hội nhập với thế giới.
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh triển khai sớm Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và đã có những bước tiến tích cực: hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng và ban hành các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho khởi nghiệp. Sau 05 năm triển khai, tỉnh đã chủ động ban hành Đề án “Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, điều chỉnh nội dung đề án phù hợp hơn với tình hình mới và định hướng phát triển của tỉnh, nhằm góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2020/ND-HĐND ngày 23/12/2020 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030”; UBND tỉnh ban hành Quyết đinh 07/2021/QĐ-UBND ngày 24/02/2021 ban hành Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh thừa thiên huế đến năm 2025 góp phần hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Hướng đi đúng đắn này sẽ góp phần hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đo lường và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.
Những thuận lợi, khó khăn thách thức
Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam bắt đầu có những tiến triển đáng khích lệ, đặc biệt là sau khi có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những ứng dụng vượt trội hỗ trợ lựa chọn phương án kinh doanh tiếp cận thị trường huy động các nguồn lực; nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, đã mở rộng không gian phát triển;… tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển những ngành, lĩnh vực, các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, các yếu tố vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh liên tục được cải thiện, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, số người sử dụng internet và giá trị thương mại điện tử tăng nhanh,… cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp.
Mặc dù hoạt động khởi nghiệp đã có bước phát triển khởi đầu thuận lợi, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn:
Thứ nhất, hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp chưa đầy đủ, còn thiếu một số quy định đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp: Đăng ký mã ngành, huy động vốn cộng đồng, vốn đối ứng từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân.
Thứ hai, Việt Nam chưa thực sự có văn hóa khởi nghiệp: Đầu tư phát triển để làm giàu cho bản thân, gia đình và làm giàu cho đất nước; sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, rủi ro. Chính vì thế, trên thực tế, nhiều cơ hội chưa được tận dụng để chuyển hóa tiềm năng thành khả năng thực hiện.
Thứ ba, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn, ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực khởi nghiệp, như thị trường quyền sử dụng đất, các sản phẩm công nghệ, lao động chất lượng cao.
Thứ tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng đối với kinh tế, nhưng Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, liên kết với các nước trong khu vực và toàn cầu.
Thứ năm, doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu ở các lĩnh vực, như bất động sản, công nghệ thông tin, giáo dục – đào tạo, y tế…, trong khi một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng và lợi thế phát triển chiếm tỷ trọng thấp, như nông nghiệp, du lịch, chế biến, chế tạo.
Thứ sáu, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp, chẳng hạn truyền thông, tiếp nhận chính sách, thành lập và quản lý các quỹ hỗ trợ đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm; giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các vườn ươm khởi nghiệp để hình thành các giải pháp đồng bộ và có tính khả thi cho hoạt động khởi nghiệp. Chuyển đổi số đã mang lại những tiện ích cho hoạt động khởi nghiệp nhưng triển khai còn chậm, chủ yếu thực hiện ở một số thành phố lớn và một số địa phương.
Thứ bảy, năng lực của các doanh nhân khởi nghiệp còn hạn chế do sự bất cập của hệ thống giáo dục – đào tạo và những vướng mắc trong chính sách thu hút nhân tài.
Đề xuất một số giải pháp phát triển khởi nghiệp sáng tạo
Từ những phân tích trên, có thể thấy ở Việt Nam, khởi nghiệp vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ. Để sớm thu hẹp khoảng cách phát triển và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có giải pháp gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tri thức, khoa học công nghệ và đặc thù riêng, ngoài ra cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, giải quyết các bài toán về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng lao động…
Hai là, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến khởi nghiệp, qua đó khơi dậy niềm tin và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; có công cụ và chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương, quốc gia. Khuyến khích những ý tưởng mới, những kế hoạch sáng tạo, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế.
Diễn đàn “Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch” tỉnh Thừa Thiên Huế
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, quyền sở hữu trí tuệ. Tháo gỡ một số vấn đề đang là điểm nghẽn trong việc huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nhân khởi nghiệp có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, ban hành các quy định về việc tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành thị trường quyền sử dụng đất để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận thay vì việc phân bổ của cơ quan nhà nước. Thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian và chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bốn là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ, sản phẩm mới… có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.
Năm là, quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo: Kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các trường đại học, các viện nghiên cứu, chuyên gia tư vấn vườn ươm khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong thời kỳ đầu, sự hỗ trợ của Nhà nước có tác động lan tỏa việc huy động các nguồn lực khác. Trong dài hạn, Nhà nước sẽ từng bước thoái vốn chuyển các quỹ đầu tư cho khu vực tư nhân.
Sáu là, để nâng cao năng lực doanh nhân khởi nghiệp, cần tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại, góp phần hình thành đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, năng lực và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bảy là, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông và ngay từ những ngày đầu khi thanh niên có ý tưởng lập nghiệp. Đẩy mạnh phát triển giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật làm nền tảng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tám là, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Với tinh thần “Đổi mới sáng tạo mở – Khơi nguồn tư duy mới”, mỗi công dân là một nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, dám đối diện với khó khăn, thách thức, mạnh mẽ, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro để tạo nên những điều phi thường, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển bền vững./.