Ngày 11/11/2014, đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TS. Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy và Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế để khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động, kết quả công tác kiểm tra của Liên hiệp hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X); những khó khăn, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của tổ chức để chuẩn bị cho việc xây dựng văn kiện phục vụ Đại hội Liên hiệp hội Việt Nam lần thứ VII.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đại diện các ban của Tỉnh ủy: Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Văn phòng UBND tỉnh cùng lãnh đạo Liên hiệp hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ…
Tại buổi làm việc, GS.TS. Trần Hữu Dàng – Chủ tịch Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã báo cáo khái quát về tình hình hoạt động trong những năm qua, theo đó từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản thực hiện Chỉ thị 42: Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 03/11/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 14/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 01/8/2012 của UBND tỉnh về kiện toàn tổ chức bộ máy Liên hiệp hội; Bên cạnh đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng và các tổ chức đảng có liên quan và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội.
Đến nay, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế có 39 tổ chức hội thành viên với hơn 20.000 hội viên, 07 trung tâm, 02 câu lạc bộ (CLB) và một nhóm chuyên gia đánh giá tác động môi trường, xã hội trực thuộc. Cơ quan Liên hiệp hội đã cơ cấu lại tổ chức gồm: Văn phòng và hai ban: Ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội và Ban Thông tin phổ biến kiến thức, với tổng biên chế 10 người. Trong những năm qua, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng: phát hành Bản tin Khoa học và Kỹ thuật; xây dựng Trang thông tin điện tử; phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế và Hội Nông dân tỉnh thực hiện chuyên mục Khoa học và Đời sống trên báo Thừa Thiên Huế và tiến hành thông tin phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho các hội viên nông dân các huyện, thị…
Bên cạnh đó, các hoạt động tổ chức Giải thưởng Sáng tạo KH&CN, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng được duy trì và tổ chức thường xuyên. Nhiều đề tài khoa học, công trình dự thi đạt giải đã được triển khai ứng dụng rộng rãi góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội. Ngoài ra, Liên hiệp hội đã triển khai một số dự án của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển không ngừng của đội ngũ trí thức, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tập hợp và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ trí thức trong việc nghiên cứu, tham mưu thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tiễn của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và khám chữa bệnh cho nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Mặc dù các chỉ thị của Đảng, gần đây nhất là Chỉ thị 42-CT/TW, đều xác định Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, các văn bản của Nhà nước lại xác định Liên hiệp hội Việt Nam là hội đặc thù, do đó chính sách đối với Liên hiệp hội ở mỗi nơi được vận dụng khác nhau, tùy thuộc vào sự quan tâm của mỗi tỉnh và chưa được “đối xử” bình đẳng như các đoàn thể chính trị – xã hội khác nên còn chịu thiệt thòi về nhiều mặt như: Trụ sở, phương tiện, nhân lực, chế độ phụ cấp công vụ…
Phát biểu tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng đội ngũ trí thức, đồng thời cho rằng nhận thức về vai trò, vị trí của trí thức phải chuyển biến từ trung ương đến địa phương. Liên hiệp hội phải được “đối xử” ngang hàng với các đoàn thể khác và đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước nhanh chóng thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tổ chức Liên hiệp hội từ trung ương đến địa phương.
Thay mặt đoàn công tác, TS. Phan Tùng Mậu đã cảm ơn Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thời gian qua đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp hội tỉnh. Ông cũng đánh giá cao những kết quả Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đạt được và cho biết Liên hiệp hội Việt Nam qua khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị sẽ kiến nghị Đảng, Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa việc thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để tập hợp ngày càng đông đảo trí thức tham gia nghiên cứu, đóng góp phát triển quê hương.
Doãn Quan