Thật lạ lùng là máu không chỉ vận chuyển ôxy và các chất dinh dưỡng mà còn có ảnh hưởng đến các quá trình tư duy. Nó điều khiển hoạt động của hệ thống thần kinh. Các nhà khoa học nhận thấy những khả năng to lớn của phát hiện này khi áp dụng vào thực tế.
Máu điều khiển ý nghĩ của con người
“Theo giả thiết của chúng tôi thì máu điều chỉnh tích cực quá trình tạo ra những thông tin được thực hiện bởi các tế bào thần kinh”,- Kristofer Mur ở Viện nghiên cứu Não Makgovern tuyên bố. “Trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy máu không chỉ thực hiện chức năng vận chuyển. Nó điều khiển hoạt động của hệ thống thần kinh, tương tự như một rơ-le. Như nhận định của chúng tôi, nó làm thay đổi những khả năng tư duy của con người cụ thể trong một khoảng thời gian nhất đinh” – ông Mure giải thích.
Theo như nhận định trong bài báo của Tạp chí Neurophysiology, những thay đổi trong máu có tác động đến tính hoạt tính của các tế bào thần kinh cục bộ liền kề, do đó ảnh hưởng đến sự truyền đạt thông tin. Các công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Mure chú ý đến những nguyên nhân thuộc về ý thức và việc tạo ra những khả năng điều trị các loại bệnh khác nhau như Alzheimer, bệnh tinh thần phân lập, bệnh đa xơ cứng và chứng động kinh.
“Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng, những triệu chứng của các bệnh nói trên chỉ là hậu quả những trục trặc của các dây thần kinh. Chúng tôi phỏng đoán rằng đó là những rối loạn của hệ tuần hoàn”,- ông Mure nhấn mạnh. Thí dụ như ở những người bị bệnh động kinh thì ở vùng não, đôi khi có sự rối loạn trong việc tạo ra các mạch máu. Các nhà khoa học dự định tiếp tục tìm hiểu về đề tài này và bắt tay vào việc chế tạo ra những loại thuốc mới.
Các nhà khoa học còn đưa ra một thí dụ-máu có ảnh hưởng đến mô não trong khi điều chỉnh nhiệt độ của nó. Do đó, ông Mure đưa ra một quan điểm hoàn toàn mới về não, bổ sung thêm cho ý kiến của các nhà triết học cổ, như Aristotel khẳng định rằng, hệ thống tuần hoàn chịu trách nhiệm về việc tư duy và cảm xúc.
Tạo ra mạch máu nhân tạo
Các nhà khoa học Nhật đã biết cách sử dụng da của loài cá hồi để tạo ra mạch máu nhân tạo. Theo báo “Mainity”, một nhóm các nhà nghiên cứu đã sáng chế ra công nghệ thu chất tạo keo collagen, được dùng như một thứ nguyên liệu để sản xuất mạch máu nhân tạo từ da của cá hồi.
Đây là trường hợp đầu tiên trong khoa học đã tạo được mạch máu cho con người từ chất tạo keo, có dùng những sinh vật biển làm nguyên liệu sản xuất. Công nghệ này hiện còn chưa được thử nghiệm trên người, nhưng các thí nghiệm được tiến hành trên chuột đã khẳng định khả năng sống của loài chuột. Theo các nhà sáng chế thì sẽ phải kiểm tra khả năng này trên các động vật lớn, sau đó có thể sẽ tính đến việc thử nghiệm trên người. Điều phức tạp của quá trình này là chất tạo keo bị phân huỷ ở nhiệt độ 15 độ C, vì thế mà không thể cấy vào cơ thể của người.
Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật đã nâng được độ chịu nhiệt của chất này sau khi tăng ngưỡng nhiệt độ của nó lên 55 độ C. Các nhà khoa học hy vọng rằng, những mạch máu nhân tạo này có thể sẽ được sử dụng để điều trị chứng nhồi máu cơ tim. Hiện nay bò và lợn đang được dùng để thu chất tạo keo. Tuy nhiên, khi dùng cách này cũng có nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân nếu như con vật đã bị nhiễm virus bò điên chẳng hạn.
Theo nhận định thì ở cá hồi không có nhược điểm này. Ngoài ra, đối với nước Nhật có nguồn tài nguyên biển dồi dào thì sẽ không gặp các vấn đề về nguyên liệu. Chỉ riêng ở phía bắc hòn đảo Hocaido, nơi phát minh ra công nghệ này, trong một năm có thể thu dược 2 nghìn tấn da cá hồi, từ đó có thể sản xuất được gần 600 tấn chất tạo keo.
Theo Nông nghiệp Việt Nam