Hướng dẫn phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa gieo sạ

Cỏ dại là một trong những đối tượng thường xuất hiện trên đồng ruộng, có đặc tính chống chịu cao, sinh trưởng mạnh cạnh tranh dinh dưỡng, nước làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây lúa, đồng thời là nơi trú ẩn của chuột và các loại sâu bệnh hại gây khác….. Cỏ dại là đối tượng dịch hại đa dạng về loài và tùy theo điều kiện ngoại cảnh như ẩm độ, nhiệt độ, ánh sánh mà chúng sẽ nảy mầm và sinh trưởng khác nhau. Hầu hết nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ cỏ dại. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân thời tiết thường gặp mưa và rét kéo dài nên việc sử dụng thuốc trừ cỏ sẽ không an toàn cho cây lúa, hiệu quả thấp nếu không sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn. Vì vậy, vấn đề phòng trừ cỏ dại cho lúa là yêu cầu hết sức quan trọng trong sản xuất lúa.

Để phòng trừ cỏ dại tốt, phải nhận diện được cỏ dại thuốc nhóm cỏ nào để có biện pháp quản lý và phòng trừ thích hợp.

1. Phân loại cỏ

1.1. Phân loại theo chu kỳ sinh trưởng

– Cỏ hàng năm: là các loại cỏ hoàn thành vòng đời (từ hạt đến nảy mầm ra hoa tạo hạt) trong một hoặc hai mùa canh tác trong một năm. Các loại cỏ này thường chết vào mùa khô sau khi hoàn thành vòng đời của chúng.

– Cỏ lâu năm: là những loại cỏ sống lâu hơn một năm. Loại cỏ này rất khó diệt vì có thân ngầm hoặc thân bò trên mặt đất, có bộ rễ, củ phát triển sâu, khả năng sinh sản vô tính mạnh.

1.2Phân loại theo hình thái

– Cỏ một lá mầm: có những đặc tính chung như: lá hẹp, dày, mọc xiên, mặt lá có lông, rễ thường là rễ chùm, ăn nông, đỉnh sinh trưởng được bọc kín trong bẹ lá. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có một số loại cỏ có đặc tính hơi khác như cỏ cói lác lá hẹp nhưng mềm, mỏng và trơn.

– Cỏ hai lá mầm: thường có lá rộng, nằm ngang, mỏng và mềm; rễ thường là rễ cọc, ăn sâu, đỉnh sinh trưởng để lộ ra ngoài.

1.3. Phân loại theo đặc điểm thực vật

– Nhóm cỏ hoà bản: Có đốt đặc và lóng rỗng, thân tròn. Bản lá hẹp, dài, gân phụ song song với gân chính chạy dài từ đầu lá tới cổ lá. Thân tròn và rỗng ruột, lá mọc cách, đính trên thân theo hai hàng. Rễ: thường là rễ chùm, ăn nông.

– Nhóm cỏ chác, lác: lá hẹp nhưng ngắn hơn cỏ hoà bản, thân thường đặc ruột có góc cạnh tam giác. Không phân biệt bẹ lá và phiến lá, lá đính trên thân theo 3 hàng phía quanh thân. Phần gốc các lá tạo thành ống bao quanh thân.

– Nhóm cỏ lá rộng: lá rộng, nằm ngang, mọc đối, mặt lá ít lông, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau (gân lá hình mạng lưới đối với cỏ song tử diệp và gân lá song song với đơn tử diệp).

2. Quản lý và phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa gieo sạ

2.1. Biện pháp canh tác

– Cày lật đất trước khi gieo sạ khoảng 20-25 ngày để vùi lấp tàn dư cỏ dại, lúa chét và hạn chế mầm mống sinh vật gây hại.

– Trước khi cày lật đất tiến hành thu gom các tàn dư cây trồng, nhất là cỏ dại và bông cỏ đem tiêu hủy. Cày lật đất sớm trước khi xuống vụ để vùi sâu cỏ dại, lúa chét trong đất trước khi bừa trục để gieo cấy.

– Làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt và bón lót theo qui trình, bón phân lân từ 20-25 kg/sào (500m2) để tạo điều kiện cho cây lúa sau khi bén rễ hồi xanh có đủ chất dinh dưỡng để cây lúa hút và phát triển nhanh lấn át cỏ dại, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu cho lúa khi gặp điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi (mưa, rét).

– Sử dụng giống xác nhận để gieo sạ, có tỷ lệ nảy mầm cao, đạt trên 90% nhằm hạn chế khả năng lẫn tạp hạt cỏ từ nguồn giống. Trước khi ngâm ủ cần sàng sẩy loại bỏ hạt lép, lững và hạt cỏ dại.

– Sau khi gieo sạ tùy theo điều kiện thời tiết và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, cần điều tiết mực nước trong ruộng thích hợp có tác dụng hạn chế cỏ dại phát triển và khi thời tiết thuận lợi (nhiệt độ thích hợp) có thể sử dụng thuốc trừ cỏ để xử lý và căn cứ vào thời gian, loại cỏ trên ruộng để lựa chọn thuốc trừ cỏ phù hợp

2.2. Biện pháp hóa học: Cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng

* Dùng đúng loại thuốc trừ cỏ

– Nên sử dụng thuốc trừ cỏ có hiệu quả cao với loài cỏ dại cần phòng trừ nhưng ít độc hại với con người và môi trường. Không sử dụng thuốc cấm, thuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng. Khi dùng thuốc trừ cỏ cho lúa nước phải dùng thuốc trừ cỏ chọn lọc được khuyến cáo sử dụng cho lúa nước (ví dụ như : Sofit 300EC, Ferim 18,5WP…), không được dùng thuốc trừ cỏ có phổ tác động rộng hoặc thuốc trừ cỏ khai hoang để phun trừ cỏ trên ruộng lúa, sẽ tiêu diệt cả lúa và cỏ dại

– Mỗi loại thuốc trừ cỏ có hoạt chất diệt cỏ khác nhau, khi sử dụng cần lựa chọn loại thuốc có tác dụng diệt trừ cao đối với loại cỏ cần phòng trừ.

– Nhóm thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Đối tượng phòng trừ là các loại cỏ mọc từ hạt (khi hạt cỏ chưa nảy mầm).

– Nhóm thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm và hậu nảy mầm muộn : Đối tượng phòng trừ là các loại cỏ đã nảy mầm từ 1,5-2 lá như: Cỏ lồng vực, đuôi phụng, cói lác và cỏ lá rộng (cỏ dừa, rau sam, rau bợ, cỏ me,…).

Dùng thuốc trừ cỏ đúng lúc, đúng thời điểm

– Đối với thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (Sofit 300 EC, Prefit 300EC, Vifiso 300 EC, …) phun sau khi gieo sạ từ 1-3 ngày, khi hạt cỏ chưa nảy mầm. Đối tượng phòng trừ: Cỏ lồng vực, đuôi phụng, nhóm cói lác và một số cỏ lá hẹp,…

– Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm (Sirius 10 WP, Sunrice, sơn trà, Nominee 10 SC, Clincher 10 EC …) phun khi cỏ đã mọc từ 1,5 – 2 lá. Đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm muộn thì phun khi cỏ mọc từ 2,5 – 3 lá.

– Không phun thuốc trừ cỏ khi trời sắp mưa, gió to hoặc khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dưới 180C. Khi cây trồng đang thời kỳ xung yếu (dễ mẫn cảm với thuốc).

Dùng thuốc trừ cỏ đúng liều lượng nồng độ

– Dùng thuốc cỏ đúng liều lượng, nồng độ là sử dụng lượng thuốc tối thiểu trên đơn vị diện tích để đảm bảo tiêu diệt hết cỏ dại nhưng không gây hại tới cây trồng. Nếu pha liều lượng nồng độ cao hơn quy định thì ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa như vàng lá, xoắn lá, có thể gây chết lúa. Nếu pha liều lượng nồng độ thấp hơn quy định thì hiệu quả trừ cỏ của các loại thuốc sẽ thấp.

– Đối với thuốc trừ cỏ dạng nước: Liều lượng phun từ 1,0 – 1,2 lít/ha. Đối với thuốc trừ cỏ dạng bột: Liều lượng phun 250-300g/ha. Lượng nước phun từ 320-400 lít/ha.

Dùng thuốc trừ cỏ đúng kỹ thuật

– Giữ ẩm trong ruộng lúa, không để ruộng khô nước, nứt nẻ, không để ruộng đọng nước cục bộ gây chết lúa.

– Khi phun mở béc phun nhỏ, mịn, béc phun cách mặt ruộng từ 20-25cm, đi chậm và đều để thuốc được trải đều trên bề mặt ruộng, không đi chồng lối sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây lúa.

Lưu ý:

– Chỉ được dùng nước sạch để pha chế thuốc trừ cỏ.

– Khi phun thuốc trừ cỏ không được trộn chung với các loại thuốc trừ cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác. Không được sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate (Bravo 480SL, Go Up 480SC, Glyphosan 480DD, …,), Paraquat (Gramaxon 20SL, Fagon 20AS, Tungmaxone 20SL,…,) để phun trừ lúa chét và cỏ dại trên đồng ruộng trước khi làm đất, gieo sạ sẽ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa sau khi gieo sạ.

– Không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ để phun trừ trong điều kiện thời tiết mưa rét, nhiệt độ thấp <180C

– Sau khi phun thuốc 1- 2 ngày gặp thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, cần giữ nước trong ruộng, không bón thêm phân đạm, cần tăng cường bón tro bếp, phân lân, kali để chống rét cho cây lúa.

ThS.Hồ Đắc Thọ

Phó Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email