Ngày 23/5/2021 là Ngày hội của toàn dân tộc Việt Nam, đây chính là dịp mỗi công dân thể hiện quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc. Vì vậy, tất cả những ai có đủ điều kiện đều mong muốn được mang lên mình bộ trang phục trang trọng và đẹp nhất khi thể hiện quyền công dân của mình.
1. Trang phục thường được lựa chọn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số là bộ trang phục truyền thống dân tộc của họ, đều rất đẹp và giàu bản sắc. Nhưng đối với người Việt (người Kinh) thì nữ thường chọn bộ áo dài truyền thống, nam chọn bộ veston hoặc quần âu, áo sơ mi dài tay thắt cà vạt. Sự “khập khiểng” trong trang phục giữa nam và nữ này do nhiều nguyên nhân về lịch sử, chính trị, xã hội, tuy nhiên, do đã trở thành thói quen trong một thời gian khá dài nên ít người để ý đến điều này. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể từng bước khắc phục được sự “khập khiểng” trên, chỉ cần mỗi công dân (chủ yếu là nam giới) hiểu và trân trọng truyền thống văn hóa của dân tộc, và nhà nước có những quy định phù hợp hơn về lễ phục.
2. Huế là cái nôi của áo dài ngũ thân, áo dài truyền thống Việt Nam. Từ đầu thế kỷ 17, áo dài ngũ thân đã xuất hiện tại Huế, và dần dần trở thành trang phục chung của cư dân Đàng Trong (từ nam Quảng Bình trở vào trong). Và đến đầu thế kỷ 19, với vai trò của hoàng đế Minh Mạng thì áo ngũ thân đã trở thành quốc phục của người Việt, được cha ông chúng ta sử dụng trong hàng trăm năm, xem đó là hồn cốt dân tộc, là niềm tự hào “y phục xứng kỳ đức”, có chế độ “y quan rực rỡ” của một quốc gia có văn hiến.
Ngày nay Thừa Thiên Huế đang quyết tâm xây dựng lại thương hiệu “kinh đô áo dài Việt Nam” và đang dẫn đầu cả nước trong công cuộc phục hưng, phát triển các loại hình áo dài truyền thống; xem áo dài truyền thống/áo ngũ thân không chỉ là câu chuyện về văn hóa mà còn là thương hiệu để phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Vì vậy, Ngày hội toàn dân toàn dân 23.5.2021 tới đây chính là cơ hội rất tốt để mỗi “công dân Huế” thể hiện tình yêu, sự trân trọng của bản thân đối với truyền thống văn hóa và di sản của cha ông. Lựa chọn chiếc áo dài truyền thống/áo ngũ thân cho Ngày hội bầu cử chắc chắn sẽ là một điều tuyệt vời, và mỗi cử tri Thừa Thiên Huế sẽ góp phần xây dựng nên hình ảnh một cố đô đầy bản sắc, rất Huế.
3. Có một số ý kiến cho rằng, trong ngày bầu cử sắp tới, nam giới mặc áo dài truyền thống/áo ngũ thân sẽ không phù hợp vì thời tiết mùa hè nóng nực có lẽ là do họ chưa từng được trải nghiệm mặc loại trang phục này. So với bộ veston đóng kín, hay ngay cả bộ âu phục áo sơ mi dài tay thắt cà vạt (không mặc áo khoác) thì mặc bộ ngũ thân vẫn rộng rãi, thoáng mát hơn rất nhiều. Vả lại, những người này đã quên hoặc cố tình quên rằng, hầu hết phụ nữ cũng mặc áo dài truyền thống trong “Ngày hội non sông” đó, có người mặc suốt cả ngày để làm việc mà không hề phàn nàn kêu ca gì! Xem ra, những người đàn ông này vẫn còn rất ích kỷ, hoặc còn bảo thủ, lạc hậu hơn chị em phụ nữ rất nhiều!
Trong nhiệm kỳ vừa qua, áo dài ngũ thân đã vào diễn đàn Quốc hội. Ngày 17/11/2020, trong phiên họp bế mạc của nhiệm kỳ XIV, các đại biểu Dương Trung Quốc (đại biểu tỉnh Bến Tre), Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Thành phố Hà Nội)… đã mặc áo ngũ thân. Họ rất nổi bật trên diễn đàn bởi vẻ đẹp trang trọng và đầy bản sắc dân tộc.
Vậy thì còn phân vân, chần chừ gì nữa các bạn? Hãy chọn áo dài truyền thống/áo ngũ thân cho Ngày hội toàn dân!
Không chỉ tại Huế, những người yêu quý trang phục truyền thống/áo ngũ thân của cả nước cũng đã sẵn sàng rồi!
TS PHAN THANH HẢI