Ngày 5 tháng 10 năm 2012, hội Nghề Cá tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tổ chức hội thảo với chủ đề: Tài chính bền vững cho các khu Bảo vệ thủy sản.
Tham dự hội thảo có 50 đại biểu đến từ các chi hội Nghề Cá cơ sở, phòng Nông nghiệp các huyện, các ban ngành liên quan và các nhà khoa học.
Các đại biểu đã được nghe các báo cáo: Giới thiệu tổng quan về hệ thống các khu Bảo vệ thủy sản đầm phá Thừa Thiên Huế; Báo cáo kết quả 3 năm bảo vệ và phát triển các khu Bảo vệ thủy sản; Thực trạng huy động các nguồn tài chính tại các khu Bảo vệ thủy sản và định hướng phát triển các khu Bảo vệ thủy sản gắn kết tài chính bền vững.
Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến tham gia nhằm tìm giải pháp huy động các nguồn tài chính bền vững cho các khu Bảo vệ thủy sản đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Hội thảo cũng xác định tài chính bền vững là giải pháp căn cơ nhất để duy trì và phát triến các khu Bảo vệ thủy sản. Nguồn tài chính cho các khu Bảo vệ thủy sản phải được huy động từ nhiều nguồn như: ngân sách nhà nước, tài trợ của các tổ chức quốc tế và đóng góp của cộng đồng…Trong đó, nhà nước và các tổ chức quốc tế đóng vai trò hỗ trợ, nguồn do cộng đồng đóng góp từ những hoạt động sinh lợi tại các khu Bảo vệ thủy sản là chủ yếu. Tuy nhiên, trước mắt, sự hỗ trợ của nhà nước để xây dựng hạ tầng cho các khu Bảo vệ thủy sản có vai trò hết sức quan trọng.
Được biết, đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định thành lập 7 khu Bảo vệ thủy sản với 222,7 hecta mặt nước đầm phá, giao cho 7 chi hội Nghề Cá quản lí. Sau 3 năm thực hiện, môi trường, sinh thái, nguồn lợi tại các khu Bảo vệ thủy sản đã có những chuyến biến tích cực.
<p< <=”” p=””>
Huệ Nhân