Hội nuôi ong tỉnh Thừa Thiên Huế và công tác phát triển đàn ong trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, hoạt động của hội còn gặp nhiều khó khăn về tổ chức và nguồn kinh phí, nhận thức của hội viên với con ong còn hạn chế, phương thức và kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, dịch hại trên đàn ong diễn biến phức tạp, ngành ong trên địa bàn chưa được người dân và chính quyền quan tâm đúng mức. Số lượng đàn ong giảm mạnh, đến cuối năm 2006 đàn ong nội từ 278 đàn giảm xuống còn 80 đàn.

Với sự nổ lực của ban chấp hành tỉnh hội, các chi hội, của toàn thể hội viên và người nuôi ong, sự quan tâm của tỉnh, địa phương, hội Nuôi Ong Việt Nam, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các sở, ban, ngành, đặc biệt của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổ chức hoạt động của hội Nuôi Ong tỉnh đã từng bước củng cố, kiện toàn góp phần quan trọng trong việc phát triển đàn ong trên địa bàn .

Hệ thống tổ chức hội đã tích cực phối hợp với địa phương trong việc nâng cao chất lượng đàn ong hiện có, phát triển thêm đàn ở các vùng có nhiều tiềm năng như Hương Thủy, Phú Lộc, A Lưới; coi trọng việc nâng cao kỹ thuật cho người nuôi ong . Các chi hội được đào tạo kỹ thuật viên, người nuôi ong được trang bị các kiến thức cơ bản như: Quản lý, chăm sóc đàn ong, phương pháp tạo chúa, chia đàn, cách phòng trị bệnh và sinh vật hại, xây dựng một số kiểu thùng ong, làm thức ăn bổ sung cho ong, tìm hiểu về nguồn hoa nuôi ong, cách thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm ong; tạo điều kiện để hội viên chia sẻ kinh nghiệm, đầu vụ giúp nhau tạo chúa, xây tổ, xây đàn, kịp thời bổ khuyết, giúp nhau khắc phục những vướng mắc của từng gia đình, cuối vụ giúp nhau cách giữ đàn, vệ sinh thùng ong, nguồn hoa,… Đến nay, hầu hết người nuôi ong đều nắm được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi ong. Tỉnh hội cũng đã tăng cường phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Ngư tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, báo Thừa Thiên Huế, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của con ong, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi ong, nêu các gương điển hình nuôi ong giỏi, kết hợp với Công ty ong Phương Nam tiến hành lập đề án nuôi ong và giải quyết đầu ra cho sản phẩm nuôi ong trên địa bàn tỉnh, tổ chức nuôi thử nghiệm và nhân rộng thành công mô hình nuôi ong ngoại. Trong 05 năm đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho các chủ nuôi ong trên địa bàn tỉnh với 480 lượt người tham gia. Hội đã vận động và tổ chức nuôi thí điểm ban đầu 10 đàn ong ngoại ở Nam đông và Bình điền cho kết quả tốt, năng suất mật gấp 3- 4 lần ong nội. Đến nay, toàn tỉnh có trên 150 hộ nuôi với gần 2.500 đàn ong ở Bình Điền, Nam Đông, Phú Lộc, Huế, Hương Thủy, và A Lưới, đạt sản lượng gần 75 tấn mật/năm. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình, nuôi ong còn làm gia tăng sự thụ phấn, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng.

Tuy nhiên, tình hình phát triển đàn ong trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại về tổ chức hoạt động, nguồn lực và nhận thức của người dân. So với tiềm năng thì nghề nuôi ong trên địa bàn tỉnh phát triển còn rất hạn chế.

Để phát triển mạnh đàn ong, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Thời gian tới tỉnh Hội cần tập trung một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như:

1. Về xây dựng tổ chức: Củng cố hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, phối hợp với các địa phương xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển đàn ong, đào tạo kỹ thuật viên, tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật cho người nuôi ong;

2. Công tác tuyên truyền: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương phát triển nghề ong, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường cho người nuôi ong;

3. Về công tác hợp tác tăng cường nguồn lực: Tạo mối liên hệ chặt chẽ với Trung ương hội, các ban ngành, các tổ chức, các công ty nuôi ong trong và ngoài nước để đề xuất tranh thủ các nguồn hổ trợ cho phát triển đàn ong, nghiên cứu thành lập cửa hàng kinh doanh, dịch vụ vật tư nuôi ong và các sản phẩm từ ong … tạo thương hiệu ong mật của Thừa Thiên Huế.

Để tạo điều kiện nâng cao năng lực hoạt động của hội, đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo và có chính sách tạo điều kiện phát triển nghề ong trên địa bàn, đề nghị các cơ quan, ban ngành địa phương quan tâm phối hợp, đề nghị hội Nuôi Ong Việt Nam hỗ trợ công tác đào tạo, tham quan học tập rút kinh nghiệm, cung cấp tài liệu chuyên môn kỹ thuật, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh tạo điều kiện để hội được tham gia thực hiện các đề tài khoa học liên quan, có chính sách đào tạo, phát triển kỹ năng hoạt động cho các hội thành viên, tăng cường các hội thảo đúc rút kinh nghiệm để thúc đẩy và phát triển nhân rộng hoạt động của các hội thành viên.

ThS. Hoàng Hữu Hè

Chủ hội Nuôi Ong Thừa Thiên Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email