Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về An toàn Trí tuệ nhân tạo

Tác giả: Thuỷ Tiên tổng hợp

Hội nghị thượng đỉnh về An toàn Trí tuệ nhân tạo kéo dài hai ngày với sự tham gia của 25 quốc gia tại Bletchley Park, diễn ra vào ngày 1 và ngày 2 tháng 11. Tham dự hội nghị, ngoài đại biểu là quan chức chính phủ, còn có sự góp mặt của các công ty công nghệ thông tin từ khắp nơi trên thế giới. Hoa Kỳ và Trung Quốc được xem như là hai siêu cường hiện nay trong cuộc đua phát triển các công nghệ AI tiên tiến. Bletchley Park là một địa danh lịch sử gắn liền với sự kiện năm 1941, một nhóm chuyên gia mã hóa đứng đầu bởi nhà khoa học và nhà toán học người Anh Alan Turing đã giải mã thành công máy Enigma nổi tiếng của Đức Quốc xã. Thành tựu giải mã máy Enigma đã có sự đóng góp quan trọng trong việc giải mã các thông tin quân sự quan trọng trong Thế Chiến thứ hai. Vì vậy, việc tổ chức hội nghị tại đây là một cách để Vương quốc Anh củng cố vị trí của mình như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực đổi mới và sáng tạo. Thủ tướng Rishi Sunak đã khẳng định với thế giới về vai trò của Vương quốc Anh trong việc đàm phán và thảo luận về AI trên toàn cầu, cũng như quy định các công nghệ liên quan đến AI.

Mục tiêu chính của Hội nghị AI của Vương quốc Anh là để đạt được sự phối hợp quốc tế trong việc đồng thuận một số nguyên tắc về sự phát triển đạo đức và có trách nhiệm của các mô hình AI. Các quốc gia tham dự, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, và EU, đã ký “Tuyên bố Bletchley”, tuyên bố rằng các quốc gia cần phải hợp tác và thiết lập một cách tiếp cận chung trong việc giám sát. Chính phủ Anh gọi đây là thỏa thuận “đầu tiên trên thế giới” giữa các bên ký kết, nhằm xác định “rủi ro an toàn AI trong mối quan tâm chung” và xây dựng “các chính sách dựa trên rủi ro tương ứng giữa các quốc gia”.

Hội nghị chủ yếu tập trung vào những mô hình AI được gọi là “Frontier AI” – hệ thống siêu trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs), như những mô hình được phát triển bởi các công ty như OpenAI, Anthropic và Cohere. Mô hình này có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến hậu quả thảm họa, cố ý hay không cố ý, xuất phát từ những khả năng quan trọng nhất của các mô hình AI này.

Hội nghị giải quyết hai rủi ro chính liên quan đến AI: lạm dụng và mất kiểm soát. Rủi ro về lạm dụng (Misuse risks): là rủi ro liên quan đến việc một thế lực xấu dùng các khả năng mới của AI để thực hiện các hành động xấu. Ví dụ, một tin tặc máy tính có thể sử dụng AI để phát triển một loại phần mềm độc hại mới mà không thể bị phát hiện bởi các nhà nghiên cứu bảo mật, hoặc có thể được sử dụng để giúp các thế lực quốc gia phát triển các loại vũ khí sinh học nguy hiểm. Rủi ro mất kiểm soát (Loss of control risks): là rủi ro mà AI do con người tạo ra dùng để chống lại con người. Nếu AI phát triển theo cách không mong muốn, có thể dẫn đến tình huống mà AI tự động thực hiện các hành động hoặc quyết định mà không tương thích với giá trị và ý định của con người.

Đại diện của các quốc gia chụp hình tại Hội nghị thượng đỉnh về An toàn AI. Nguồn: https://www.euronews.com/next/2023/11/01/a-world-first-ai-agreement-elon-musk-and-a-kings-speech-the-key-takeaways-from-the-uk-ai-s

Một số nhà điều hành công nghệ và các nhà lãnh đạo chính trị đã cảnh báo rằng sự phát triển nhanh chóng của AI là mối đe doạ hiện hữu cho thế giới nếu không được kiểm soát, gây ra các cuộc đua của các chính phủ và tổ chức quốc tế để nhanh chóng phát triển các biện pháp bảo vệ và quy định để ứng phó. Trong các nỗ lực của phương Tây để quản lý và phát triển an toàn trong lĩnh vực AI, các chính khách Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu tham gia cùng với các nhà điều hành công nghệ như Elon Musk và Sam Altman của Chat GPT tại Bletchley Park. Wu Zhaohui, Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc, đã phát biểu tại phiên khai mạc của hội nghị rằng Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác về an toàn AI để giúp xây dựng một “khuôn khổ quản trị” quốc tế. “Các quốc gia đều có quyền phát triển và sử dụng AI bất kể kích thước và quy mô quốc gia đó như thế nào”, ông nói.

Lo ngại về tác động của AI đối với nền kinh tế và xã hội đã xảy ra vào tháng 11 năm ngoái khi OpenAI, một tổ chức được hậu thuẫn bởi Microsoft (MSFT.O), đã cho phép bất kỳ ai cũng có thể truy cập và sử dụng hệ thống AI Chat GPT. Việc sử dụng các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra cuộc trò chuyện giống con người đã dấy lên lo ngại, kể cả một số người tiên phong trong lĩnh vực AI, rằng máy móc có thể vượt qua trí tuệ của con người theo thời gian, dẫn đến những hậu quả không lường trước được.

Hiện tại, các chính phủ và quan chức đang cùng cố gắng vạch ra con đường tương lai cùng với các công ty AI vốn lo ngại bị áp đặt quy định và kiểm soát quá nhiều trước khi công nghệ AI đạt đến tiềm năng đầy đủ của nó. Trong khi Liên minh châu Âu tập trung vào giám sát AI liên quan đến quyền riêng tư và giám sát dữ liệu, cũng như tác động tiềm năng của chúng đối với quyền con người, thì hội nghị ở Anh đang xem xét những rủi ro mà có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài người từ các mô hình AI tổng quát mạnh mẽ được gọi là “Frontier AI”. Các công ty công nghệ đang cạnh tranh để thống trị trong lĩnh vực AI, thì các chính phủ cũng đang cố gắng dẫn đầu trong việc thiết lập các quy định liên quan đến AI.

Tỷ phú Elon Musk cho biết ông không biết chính xác những quy tắc công bằng là gì, nhưng trước khi thiết lập các quy tắc và kiểm soát thì cần phải hiểu rõ về cách hoạt động và tác động của công nghệ AI này. Elon Musk cũng đề cập đến việc sử dụng một “trọng tài bên thứ ba” để đánh giá và báo cáo về các rủi ro hoặc vấn đề có thể xuất hiện. “Và sau đó, bạn biết đấy, hãy thận trọng trong cách áp dụng các quy định, để không cản trở mặt tích cực của AI.”, Musk nói. Mustafa Suleyman, người đồng sáng lập Google Deepmind, nói rằng ông không nghĩ các mô hình AI tiên tiến hiện tại gây ra bất kỳ “tác động đe doạ nghiêm trọng” nào, nhưng cho rằng việc lập kế hoạch trước là hợp lý, đặc biệt là khi ngành công nghiệp AI đang đào tạo ra các mô hình AI ngày càng lớn và phức tạp hơn.

Bộ trưởng số hóa Anh Michelle Donelan cho rằng việc đưa nhiều nhân vật quan trọng và chủ chốt cùng tham gia trong cuộc họp này là một thành tựu đáng tự hào. Bà Donelan nói với các phóng viên rằng “Đây là lần đầu tiên chúng ta có các quốc gia đồng tình rằng cần phải xem xét không chỉ một cách độc lập mà còn cả tập thể trước những rủi ro từ hệ thống siêu trí tuệ nhân tạo “Frontier AI”.”

Chính phủ Anh cũng thông báo sẽ tổ chức các hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI trong tương lai. Hàn Quốc sẽ tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với quy mô nhỏ về AI trong sáu tháng tới và Pháp sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh AI trực tiếp tiếp theo vào năm tới.

Nguồn:

  1. https://www.reuters.com/technology/britain-brings-together-political-tech-leaders-talk-ai-2023-11-01/
  2. https://www.cnbc.com/2023/10/31/what-you-need-to-know-about-uk-ai-summit-attendees-agenda-and-more.html
  3. https://www.euronews.com/next/2023/11/01/a-world-first-ai-agreement-elon-musk-and-a-kings-speech-the-key-takeaways-from-the-uk-ai-s
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email