Hội chứng hô hấp ở gà và cách phòng trị

Hội chứng hô hấp (HCHH) ở gia cầm là tên dùng chung chỉ các nhóm gia cầm mắc bệnh dẫn đến xuất hiện các triệu chứng, bệnh tích gây tổn thương trên đường hô hấp. HCHH có thể từ nhiều loại bệnh do vi khuẩn, vi rút gây ra ở dạng độc lập hoặc kết hợp và thường xuất hiện khi có những yếu tố bất lợi của môi trường.

Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính (CRD: Chronic Respiratory Disease) do vi khuẩn Mycoplasma gây viêm xoang mặt, xoang mũi, phế quản và túi khí. CRD thường là bệnh khởi đầu và kế phát là các bệnh khác gây nên HCHH ở gà. Các bệnh khác đó là: Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB: Infectious Bronchitis) do vius thuộc nhóm Coronavirus gây ra ở gà mọi lứa tuổi với những biểu hiện đặc trưng của bệnh đường hô hấp. Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT: Infectious Laryngotracheitis) do vius thuộc nhóm Herpes gây ra. Bệnh cúm gia cầm (Avian Influenza) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Các bệnh truyền nhiễm khác trên gia cầm như Tụ huyết trùng (Fowl Cholera), bệnh bạch lỵ và thương hàn (Salmonellois), bệnh đậu gà (Fowl Pox), bệnh Marex, bệnh dịch tả gà (Newcatsle Disease), bệnh do E.coli (Avian Colibacillosis), bệnh Gumboro (IBD: Infectious Bursal Disease)… đều có các triệu chứng trên đường hô hấp ở mức độ nhiều ít khác nhau. Bệnh có thể độc lập ở thể nhẹ, nhưng nếu kế phát hoặc kết hợp các bệnh khác thì nặng hơn và gây tổn thất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. HCHH có thể xuất hiện và bệnh phát ra trong điều kiện mới tiêm phòng các bệnh khác hay môi trường ẩm thấp, dơ bẩn, khí amoniac (NH3) trong chuồng nuôi quá cao thì bệnh càng nặng hơn. Đặc biệt nếu ghép 3 bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (do virus) viêm phế quản truyền nhiễm (do virus) và bệnh cúm (do virus + vi khuẩn haemophylus) thì bệnh càng trầm trọng kéo dài và không chữa trị được.

Theo các nghiên cứu của Nguyễn Xuân Bình và cộng tác viên, 1999; Lê Hồng Mận và cộng tác viên, 1999; Bùi Thị Tho, 2003 thì miền Bắc và miền Trung nước ta, thời tiết lạnh, khi ấm lên thì độ ẩm tăng cao (trời “nồm”) nên gia cầm rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp mãn tính (hội chứng viêm đường hô hấp mãn tính hoặc CRD) hay còn gọi là bệnh “hen”. Bệnh do Mycoplasma gây nên, có thể xảy ra ở các giống gia cầm như gà, vịt, ngan, và chim bồ câu ở các lứa tuổi khác nhau. Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt nặng vào mùa mưa rét hoặc nóng ẩm đầu năm, thường xuyên tái phát khi sức khoẻ gia cầm giảm sút do thay đổi thời tiết hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng kém. Tỷ lệ mắc HCHH lên đến 30% tổng đàn. Tại Thừa Thiên Huế, khảo sát trên 6700 gà thịt và 5000 gà đẻ tại hai cơ sở chăn nuôi tập trung tại xã Quảng Vinh, Quảng Điền năm 2015 cho kết quả gà mắc HCHH là 10,44% (gà thịt) và 12,4% (gà đẻ) (Nguyễn Đức Hưng và cộng sự, 2015).

– Động vật cảm thụ: Hầu hết các loại gia cầm đều mẫn cảm với bệnh này. Đặc biệt ở gà nuôi theo hướng tập trung công nghiệp thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Bệnh xuất hiện ở tất cả các nước trên thế giới.

– Nguyên nhân: Do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây nên. Đây là một loại vi khuẩn kích thước rất nhỏ, nhỏ hơn các vi khuẩn thường thấy, nhưng lớn hơn các loại virus. Nó ít mẫn cảm với các loại kháng sinh thông thường nên điều trị bệnh phải chọn kháng sinh đặc trị.

Do có nhiều serotype khác nhau nên bệnh lý thay đổi không hoàn toàn giống nhau giữa các đàn gà bị nhiễm bệnh này. Có loại bệnh tích gây viêm đường hô hấp, có loại gây viêm túi khí và có loại gây viêm khớp…

– Phương thức truyền bệnh:

+ Lây qua trứng từ những đàn gà bố mẹ bị nhiễm bệnh.Vi khuẩn xâm nhập vào phôi và gây chết phôi. Vi khuẩn có thể xâm nhập ngay trong lúc mới nở do vi khuẩn có sẵn ở ngoài vỏ trứng vào gà con qua đường hô hấp.

+ Lây nhiễm từ đàn gà khác có nhốt chung hoặc ở gần đó (vi khuẩn lây nhiễm từ đàn cũ qua đàn gà mới hoặc ngược lại).

+ Lây nhiễm qua các dụng cụ chăn nuôi và các cán bộ thú y đã nhiễm bệnh đi qua lại, mầm bệnh lây nhiễm vào không khí, vào thức ăn nước uống.

+ Khi gà con trưởng thành, con đường xâm nhập của vi khuẩn chủ yếu qua không khí vào đường hô hấp. Từ đó các vi khuẩn khác lây nhiễm kế phát qua vết thương làm cho bệnh phát ra trầm trọng với nhiều triệu chứng và bệnh tích khác nhau gây khó chẩn đoán.

Bệnh nếu chỉ có một mình loại Mycoplasma gây bệnh thì nhẹ. Nhưng nếu kế phát thì năng hơn. Hoặc bệnh phát ra trong điều kiện mới tiêm phòng các bệnh khác hay môi trường ẩm thấp, dơ bẩn, khí amoniac (NH3) trong chuồng nuôi quá cao thì bệnh sẽ phát nặng hơn. Đặc biệt nếu ghép 3 bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (do virus) viêm phế quản truyền nhiễm (do virus) và bệnh cúm (do virus + vi khuẩn haemophylus) thì bệnh càng trầm trọng kéo dài và không chữa trị được.

– Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra trong những tháng mùa đông (tháng 9, 10, 11, 12) và đầu xuân (1, 2) khi mà thời tiết khí hậu lạnh cộng với gió và mưa làm giảm sức đề kháng của gà. Bệnh xảy ra ở gà ở mọi lứa tuổi (cả gà con và gà lớn).

+ Triệu chứng ở gà con:

Trong những ngày đầu nhiễm bệnh thấy nước dịch chảy ra ở mũi, mắt, lúc đầu trong và loãng sau đặc và nhầy trắng. Gà ho hay thở khò khè về ban đêm và sáng. Gà ít ăn, chậm lớn chết ít (3-5%). Nếu kế phát với các bệnh khác mới chết cao (10-15%).

+ Triệu chứng ở gà lớn và gà đẻ:

Gà lớn tăng trọng chậm và cũng thở khò khè. Gà đẻ những ngày đầu thấy đẻ trứng giảm (tỷ lệ đẻ trong đàn có thể giảm từ 5-50% tùy theo mức độ bệnh). Đôi khi cũng có con thở khò khè. Trứng đổi màu, vỏ xù xì. Nếu có ghép bệnh E. coli thì trứng méo mó và vỏ trứng có vệt màu đỏ lấm tấm. Trứng đem ấp, tỷ lệ nở thấp do phôi thường bị chết do trong trường hợp bị ứ nhớt trong đường khí quản nên không thở được.

– Phòng và trị bệnh:

+ Phòng bệnh

Yêu cầu đầu tiên là chỉ nhập gà từ những đàn gà sạch bênh. Bệnh CRD liên quan chặt chẽ đến sức đề kháng của cơ thể, do đó luôn chú ý nâng cao sức đề kháng của cơ thể, như đảm bảo mật độ nuôi hợp lý, chuồng trại khô ráo, thông thoáng tốt. Thức ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng, khẩu phần thức ăn cân đối. Thức ăn, nước uống đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh: không có vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh, lượng aflatoxin trong thức ăn ở mức độ cho phép. Dùng đúng, đầy đủ lịch trình vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm khác. Khi sức đề kháng bị giảm sút (do tiêm phòng, chọn giống, vận chuyển, thời tiết thay đổi…), cần bổ sung kháng sinh, phòng Mycoplasma vào thức ăn hoặc nước uống. Đối với đàn gà giống, đảm bảo nghiêm túc việc kiểm tra định kì bằng phản ứng ngưng kết huyết thanh, kịp thời phát triển và loại thải những gà mang bệnh. Đặc biệt trước khi gà lên đẻ, kiểm tra 100% đàn và loại thải toàn bộ số gà dương tính với phản ứng ngưng kết. Có thể phòng bệnh CRD bằng vacxin. Hiện nay đã có một số vacxin phòng CRD ngoại (có được tỷ lệ kháng thể cao).

+ Điều trị bệnh

Trước tiên, loại thải ngay những gà mắc bệnh này. Cần tìm hiểu nguyên nhân làm giảm sức đề kháng của gà. Để điều trị bệnh, có thể dung Tylosin, Tiamulin, Morfloxin, Spiramicin, các chế phẩm đặc trị CRD của các Xí nghiệp thuốc thú y trong nước hoặc các hãng nước ngoài. Cần nhớ rằng việc điều trị không loại trừ được trạng thái mang trùng ở đàn bị bệnh, mới chỉ làm giảm việc thải mầm bệnh ở chất dịch đường hô hấp và trứng. Với gà con nở từ các đàn bố mẹ bị bệnh, điều trị với kháng sinh thích hợp ngay từ những ngày tuổi đầu (2-3 ngày sau khi nở). Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng đã và đang khó kiểm soát. Sử dụng kháng sinh không đúng cách đã không mang lại hiệu quả trong phòng, trị bệnh do vi khuẩn kháng thuốc, mặt khác lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Gần đây các nghiên cứu sử dụng các chế phẩm thảo dược (CPTD) trong nước để phòng và trị HCHH trên gà đã được thực hiện tại một số cơ sở chăn nuôi gà thịt và gà đẻ tại Thừa Thiên Huế cho hiệu quả tốt (tương đương và cao hơn so với dùng kháng sinh). Sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược có thể thay thế cho việc dùng kháng sinh mở ra triển vọng giảm dần và ngừng hẳn việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi gà, tránh tồn dư kháng sinh, độc hại trong sản phẩm (thịt, trứng) dảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hưng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Thừa Thiên Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email