Tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lầ thứ XI, năm 2018 (Cuộc thi), Ban tổ chức Cuộc thi đã rất ấn tượng với đề tài dự thi “ Thùng rác thông minh” của nhóm tác giả bốn (04) nhà sáng tạo tương lai, gồm có: Lê Anh Thư, Tống Phước Minh Trí, Đinh Hạnh Phương, Lê Nguyên Bảo Trường tiểu học Trường An, thành phố Huế. Đây là đề tài được Ban tổ chức quyết định trao giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2018
Xuất phát từ việc mong muốn tạo thuận lợi trong việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ môi trường học tập và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, với sự hướng dẫn và trợ giúp của Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, nhóm học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Trường An đã chế tạo thành công “Thùng rác thông minh” từ các nguyên vật liệu sẵn có.
Thùng rác thông minh được trình diễn và ứng dụng trong tiết học thu công tại lớp học
Khi được Ban giám khảo hỏi: Xuất phát từ đâu mà các em đã có ý tưởng và thực hiện đề tài thùng rác thông minh này ? Các em của đã chia sẽ: Chúng em muốn lớp học, sân trường và môi trường sống của chúng ta sạch hơn, từ đó chúng em có ý tưởng làm “Thùng rác thông minh” để tiện lợi cho các bạn trong việc thực hiện, giữ gìn vệ sinh lớp học, trường học luôn sạch sẽ. Chúng em đã trình bày ý tưởng này với cô giáo, bố mẹ của chúng em và đã được sự nhất trí và hỗ trợ để chúng em thực hiện ý tưởng.
Nguyên liệu để chế tạo ra thùng rác thông minh này, nhóm tác giả đã tận dụng những sản phẩm đồ chơi cũ như xe điều khiển từ xa, bộ pin dự phòng, thiết bị mạch điện đơn giản từ máy điện thoại cũ; loa từ xe cũ; thùng rác nhựa, khay đồ ăn cũ; dây điện sạc pin, hộp đồ ăn…Thùng rác được chế tạo thông qua 4 bước chính. Đầu tiên là chuẩn bị các vật dụng cần thiết như trên. Sau đó, tạo cân bằng cho thùng rác khi được đặt lên xe, thử cân bằng, trọng lượng và bố trí thiết bị hộp điện phù hợp, kiểm tra thiết bị cảm ứng, âm thanh. Dùng thùng rác kết dính với khay và xe điều khiển từ xa bằng keo dán, đảm bảo cân bằng trong quá trình di chuyển. Hàn các bo mạch với nhau: bo mạch điều khiển với hệ thống cảm biến sóng siêu âm và thiết bị cần điều khiển, nhận diện của bộ cảm biến sóng siêu âm, với nắp thùng rác được mở. Bước tiếp theo phải cố định các thiết bị, trang trí và cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm.
Để vận hành sản phẩm thông minh này, em Lê Nguyên Bảo chia sẻ: Chúng em đã gắn thiết bị vào nguồn điện 5V. Sau đó điều khiển thùng rác di chuyển đến trước vị trí người bỏ rác, người bỏ rác đưa tay đến gần bộ cảm biến với khoảng cách từ 4-5cm thì ở nắp thùng rác. Thiết bị cảm biến sóng siêu âm sẽ bật đèn tín hiệu và yêu cầu bỏ rác, bộ điều khiển lập tức mở nắp thùng rác, 5 giây sau thiết bị âm thanh phát ra âm thanh 1: “Xin bỏ rác vào thùng” sau 2 giây nắp đậy lại, đồng thời phát ra âm thanh 2: “Xin cảm ơn”. Nếu trong quá trình người bỏ nhiều rác có thể giữ tín hiệu lâu, đèn cảm biến vẫn đỏ, ở bộ cảm biến sóng siêu âm thì nắp của thùng rác vẫn giữ nguyên không đóng lại cho đến khi người bỏ rác vào thùng rút tay ra khỏi vị trị cảm biến, sau đó di chuyển đến vị trí khác. Nếu muốn cố định một chỗ, người dùng có thể tháo thùng rác ra khỏi thiết bị di chuyển, để ở vị trí cố định và các tính năng không thay đổi.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, giáo viên hướng dẫn các em cho biết, cả 4 em này đều học giỏi, nhanh nhẹn và đam mê nghiên cứu khoa học. “Thùng rác trên ứng dụng tốt, giúp các em có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nó như là một người bạn của các em vì biết di chuyển, biết nói…”.
Thùng rác thông minh này đã được các trường trên địa bàn thành phố Huế ứng dụng và nhân rộng linh hoạt trong các hoạt động trực nhật lớp học, lao động dọn dẹp vệ sinh sân trường, các tiết học thủ công tại lớp học,..
Hồ Thành