Học sinh tiểu học sáng tạo “Chiếc cặp thông minh”

Để giúp cho chính bản thân và các bạn học sinh đảm bảo rằng mang đủ sách, vở theo thời khóa biểu và an toàn hơn khi đến trường, em Lương Quỳnh Hương và em Âu Thanh Thanh học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Huế đã nảy sinh ý tưởng và sáng tạo thành công “Chiếc cặp thông minh” với nhiều tiện ích. Đây là đề tài đã được trao giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI, năm 2018.

 

Lương Quỳnh Hương và Âu Thanh Thanh nỗ lực hoàn thiện “Chiếc cặp thông minh” để tham gia Cuộc thi toàn quốc

Em Lương Quỳnh Hương chia sẻ: Chiếc cặp là người bạn đồng hành thân quen, gần gũi cùng học sinh khi đến trường. Hàng ngày, trước khi đi học thì chúng em phải chuẩn bị sách vở theo thời khóa biểu nhưng đôi lúc cũng bị nhầm lẫn hoặc chuẩn bị sót, thiếu sách vở. Khi đến trường, chúng em không có đủ sách vở để học bài, ghi bài. Vì thế, em không nắm được đầy đủ nội dung học tập. Đôi lúc lại phải nhờ phụ huynh mang bổ sung sách vở đến trường giúp khiến bố mẹ phải bỏ dở công việc của mình, rất vất vả. Và ‘Chiếc cặp thông minh” đã giúp em cũng như các bạn khắc phục được tình trạng này một cách dễ dàng.

Để làm tạo ra “ Chiếc cặp thông minh” này, ngoài chiếc cặp, các em đã mày mò, tìm kiếm một số nguyên vật liệu cần thiết với sự giúp đỡ của Thầy Phan Hải Phong, gồm có các bo mạch Arduino, các mô – đun mở rộng khác như: Bo điều khiển chính: Arduino Uno, Arduino Nano hoặc bo Intel Galileo; Bo giao tiếp RFID: RC522; Bo giao tiếp bluetooth: HC05; Bo thời gian thực: DS1307; Bo truyền nhận GSM/GPRS – định vị GPS: SIM808; Bo màn hình oled,..

Về nguyên tắc hoạt động của chiếc cặp, sách vở của một môn học sẽ được gắn một mã định danh tương ứng thông qua một thẻ RFID được dán trên vở. Thẻ này sẽ lưu thông tin định danh và gắn với một môn học trong thời khóa biểu. Khi đưa sách vở vào gần cặp, một cảm biến RFID sẽ đọc mã trong chiếc thẻ RFID đó. Nếu học sinh để sách vở nhầm hoặc chưa đủ theo thời khóa biểu, hệ thống sẽ phát tín hiệu báo cho học sinh. Đồng thời, thông báo cho phụ huynh biết thông qua điện thoại. Phụ huynh có thể kiểm tra vị trí của con mình/vị trí cặp bằng việc nhắn tin đến số điện thoại được gắn trong hệ thống. Hệ thống sẽ gửi lại thông tin về vị trí qua tin nhắn SMS, đồng thời một đường dẫn (link) sẽ được gửi đến số điện thoại của bố mẹ để có thể xem trực tiếp vị trí của chiếc cặp trên bản đồ Google Map. Ngoài ra thông qua một phần mềm điều khiển trên điện thoại thông minh, phụ huynh có thể cập nhật thời khoá biểu trong tuần của các em học sinh lên hệ thống điều khiển.

Mô hình hệ thống điều khiển cho cặp thông minh.

Trường hợp cần thiết, khẩn cấp, học sinh có thể tự kích hoạt hệ thống báo động và cặp sẽ phát ra âm thanh để thu hút mọi người xung quanh giúp đỡ. Đồng thời, hệ thống cũng sẽ gửi một tin nhắn cảnh báo kèm theo vị trí hiện tại của học sinh đó đến những số điện thoại được cài đặt trước.

Chiếc cặp còn có tính năng như chiếc la bàn để các em tự tìm đường về khi bị lạc đường. Một màn hình nhỏ sẽ hiển thị khoảng cách từ vị trí chiếc cặp đến một vị trí cố định được đặt trước như trường học, nhà riêng,…. Nếu học sinh đi sai hướng thì khoảng cách này sẽ tăng lên và ngược lại nếu đi đúng đường thì khoảng cách này sẽ giảm dần.

Chiếc cặp thông minh với đa tính năng hữu ích, giá thành không cao này không những hoàn toàn có thể giúp cho học sinh tự kiểm tra được số lượng sách vở của môn học trong ngày mà còn giúp các phụ huynh hỗ trợ tự động và quản lý, định vị được con cái mình một cách chính xác và an toàn.

Hồ Thành

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email