Đó là chủ đề của hội thảo toàn quốc lần tứ VI do Phân hội Khoa học và Công nghệ Các hợp chất vô cơ (thuộc Hội Hóa học Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức vào ngày 18/6/2015, tại thành phố Huế. Đến dự có GS.VS.TSKH. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, các trường đại học, viện nghiên cứu và hơn 100 cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất liên quan đến chuyên ngành khoa học các hợp chất vô cơ trên toàn quốc.
Phát biểu chỉ đạo và chào mừng hội thảo, GS.VS.TSKH. Đặng Vũ Minh biểu dương sự nổ lực, phấn đấu của các nhà khoa học trong việc tích cực tham gia nghiên cứu, triển khai kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, đồng thời nhấn mạnh: hóa vô cơ, phân bón phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt cho y tế, bảo vệ môi trường và an ninh lương thực của đất nước. Sản xuất các hợp chất vô cơ và phân bón có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp hóa chất ở nước ta và đóng góp lớn trong sự phát triển nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác.
Tại hội thảo có 136 bài báo khoa học được công bố thuộc các chuyên ngành vật liệu xúc tác, vật liệu hấp thụ, vật liệu y sinh, vật liệu gốm, vật liệu nano, vật liệu chứa đất hiếm và phân bón sinh học, trong đó có 12 công trình được báo cáo tại hội thảo, gồm: Nghiên cứu chiết xuất một số nguyên tố đất hiếm bằng hỗn hợp triphenylphotphin oxit di- photphoric từ môi trường axit acetic và các dẫn xuất clo của nó (ThS. Phạm Yên Khang); Nghiên cứu chế tạo canxi hydroxyapatit từ vỏ sò ở Thừa Thiên Huế (ThS. Nguyễn Thị Hạnh); Tổng quan hướng nghiên cứu phức chất của platin: Các kết quả đã đạt được và định hướng phát triển (PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Chi); Phương pháp đơn giản điều chế vật liệu nano TiO2 pha tạp đồng thời bởi N và W có hoạt tính quang xúc tác cao trong vùng ánh sáng nhìn thấy (TS. Nguyễn Văn Hưng); Qúa trình khử gipsum bằng cacbon hoạt tính kết hợp với silic dioxit ở nhiệt độ cao (NCS. Nguyễn Văn Quang); Ảnh hưởng của tỷ lệ diện tích điện cực trên thể tích dung dịch điện phân đến đặc tính nano bạc điều chế bằng phương pháp điện hóa (NCS. Trương Anh Khoa); Tổng hợp,nghiên cứu cấu trúc và thăm dò hoạt tính sinh học của một số phức chất kim loại chuyển tiếp với benzamiđin/thiosemicacbazon ba càng (PGS.TS. Nguyễn Hùng Huy); Nghên cứu ảnh hưởng các phức chất đất hiếm với axit lactic kích thích sinih trưởng trên cây cà chua ở Đơn Dương – Lâm Đồng (TS. Nguyễn Thành Anh); Nghiên cứu ảnh hưởng tỷ lệ tiền chất đến quá trình tổng hợp dung dịch rắn GaN-ZnO (PGS.TS. Võ Viễn); Nghiên cứu tổng hợp nano CeO2 bằng phương pháp sol-gel và thử khả năng quang xúc tác (ThS. Nguyễn Thị Trang); Nghiên cứu ảnh hưởng của giá trị đường khử (DE) đến sự hình thành vật liệu phức hợp sắt – polysaccarit (NCS. Nguyễn Đình Vinh); Nghiên cứu khả năng quang xúc tác của vật liệu BiFeO3 phân hủy xanh metylen và metyl da cam dưới ánh sáng trong vùng khả kiến (TS. Đào Ngọc Nhiệm).
Các nhà khoa học đã trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác và gắn kết những nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này để ngày càng nâng cao chất lượng các công trình khoa học. Đặc biệt, tại hội thảo các doanh nghiệp đã có những ý kiến đóng góp về sự hợp tác giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn và mong muốn có sự rút ngắn khoảng cách từ nghiên cứu đến ứng dụng.
Được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, hội thảo là dịp gặp gỡ của đội ngũ những nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Hóa học ở Việt Nam, những người làm công tác quản lí, nghiên cứu, giảng dạy, những người quan tâm đến hóa vô cơ, phân bón và đất hiếm; tạo cơ hội để tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thiện đề tài, đồng thời công bố các kết quả nghiên cứu triển khai về hóa vô cơ và một số lĩnh vực liên quan kể từ sau hội nghị “Hóa Vô cơ – Đất hiếm – Phân bón” lần thứ V, năm 2013 đến nay.
Doãn Quan