Hậu quả xã hội từ những cuộc di biến của dân công trình

 

Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, hàng loạt các công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng trên khắp mọi miền đất nước mang lại cuộc sống ấm no và niềm vui hạnh phúc cho biết bao bà con dân tộc thiểu số ở những vùng sâu vùng xa. Mỗi công trình hoàn thiện và đi vào hoạt động đều khắc dấu những cống hiến của đơn vị thi công nhưng ít ai biết đến rằng sau ngày hoàn thành, sự ra đi của dân công trình để lại bao niềm thương, nỗi nhớ, những kỉ niệm và không ít các hậu quả xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi họ dừng chân.

Cuộc sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số sẽ hết sức khó khăn khi mô hình sinh kế của họ thay đổi do việc lấy đất làm đường, nhà máy thủy điện hay hồ chứa nước. Do đó, trong khung thiết kế dự án người ta rất chú ý đến công tác đền bù và việc tổ chức tái định cư cho bà con để các công trình được khởi đầu suôn sẻ. Sau ngày hoàn thành, nhà tài trợ, ban quản lí dự án, chính quyền địa phương chỉ lo xem xét đánh giá chất lượng công trình như thế nào, các yếu tố kỹ thuật ra làm sao nhằm đảm bảo cho công trình được vận hành đúng như thiết kế. Để thực hiện được mục đích mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho cộng đồng, cho quốc gia mà nhiều khi người hưởng lợi không có sự có mặt của những bà con dân tộc thiểu số trong vùng dự án, nơi công trình thi công. Chỉ đến khi những người công nhân cuối cùng của công trình nhổ lán đi đến những vùng đất khác, người ta mới thấy hết các hậu quả xã hội của các công trình.

Những đứa con không cha, những bà mẹ trẻ không chồng, những thằng con trai chưa kịp lớn đã học cách hút thuốc lá đầu lọc, sáng ngồi quán café, chiều về tập trung nhậu nhẹt, thỉnh thoảng trạm xá lại nhận được sự thắc mắc về các căn bệnh lây qua đường tình dục của những cô gái trẻ mà trước đây họ hiếm khi nhận được. Còn những người đàn ông, đàn bà trong bản, dường như vẫn sững sờ trước sự ra đi của đám dân công trình mà không nghĩ rằng đó là điều tất yếu phải làm khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ ngày công trình khởi công, một không khí rộn ràng của sự trao đổi, buôn bán những thứ có sẵn của thôn bản cho công nhân công trình khiến họ cảm thấy vui vẻ hơn. Nhìn thấy những đứa con gái của họ thích làm đẹp và tủm tỉm cười trước những anh chàng kỹ sư trí thức khỏe mạnh mà họ cũng mến, cũng thích được nhận làm rễ khiến cho họ khấp khởi hy vọng. Bởi người dân ở bản cái bụng của họ rất thiệt, đã ưa ai, quý ai thì hết sức hết lòng. Họ đâu biết rằng nhiều gã đàn ông xa nhà biền biệt có khi cả nửa năm trời sống trên vùng rừng núi heo hút không về thăm vợ con, những chàng trai trẻ mấy tháng đầu còn hừng hực lửa khí ghé về thăm người yêu đôi lần, sau giao thông đi lại khó khăn, yêu cầu của công việc, những cuộc viếng thăm quê nhà của họ cũng thưa dần. Nên người ta tìm đến các cô gái nhẹ dạ cả tin như là một liều thuốc để giải sầu cho những đêm khuya thiếu phương tiện nghe nhìn và cả thiếu người để cùng hàn huyên tâm sự hay giải quyết nhu cầu. Điều đáng buồn là không phải cô gái nào cũng hiểu được điều đó và không phải anh công trình nào cũng ý thức được sứ mệnh thiêng liêng của mình là đang đi làm công trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng đất nước, mang cuộc sống ấm no cho những người dân, nhất là vùng đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Họ chỉ biết thỏa mãn cái khát khao sinh lý đang trỗi dậy mà quên đi những hậu quả để lại sau sự ra đi của mình, đó là việc mất niềm tin của những đồng bào dân tộc thiểu số đối với người Kinh, đối với cán bộ. Điều này đi ngược lại với những nỗ lực, cố gắng của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng đại đoàn kết dân tộc từ ngày giành độc đất nước đến nay. Lấy được niềm tin đã khó, giữ được niềm tin lại càng khó hơn. Đối với người dân tộc thiểu số, tầm hiểu biết của họ chưa cao, lối suy nghĩ đơn giản nhiều khi là ưu điểm nhưng cũng là hạn chế lớn nhất. Từ việc mất niềm tin đối với một nhóm người có thể là trở lực cho việc thực hiện các mục tiêu quốc gia đối với người dân tộc thiểu số về sau. Đó là chưa tính đến những hậu quả của sự xáo trộn xã hội và lây truyền dịch bệnh, du nhập lối sống tiêu cực ảnh hưởng xấu đến văn hóa bản địa.

Nên chăng cần có những quy định, quy ước giữa ban quản lí dự án, chính quyền địa phương với những nhà làm thầu, chủ các công trình về trách nhiệm quản lí nhân công của họ nhằm tránh những hậu quả xã hội đáng tiếc từ những cuộc di biến của các công trình phát triển kinh tế – xã hội gây ra.

Phan Thị Ngọc Thúy

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email