Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế: Thêm động lực đưa đề tài nghiên cứu vào cuộc sống

Cứ hai năm một lần vào các năm chẵn, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Khoa học Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế và các sở ban, ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ (Giải thưởng). Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học và công nghệ, tác giả của những công trình có giá trị khoa học, kinh tế – xã hội được triển khai, áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Giải thưởng tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của tỉnh như: sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Qua 8 lần tổ chức, đã có 518 công trình đăng ký tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có 223 công trình được trao giải, số lượng cá nhân, đơn vị tham gia không ngừng gia tăng, các công trình đạt giải ở tỉnh và toàn quốc ngày càng nhiều.

Các công trình đoạt giải tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Giải thưởng đã có tiếng vang, có uy tín lớn trong giới khoa học, trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong cả nước. Mặc dù tiền thưởng dành cho các công trình đoạt giải còn khiêm tốn nhưng các nhà khoa học vẫn hăng hái tham gia vì đây thật sự là sân chơi bổ ích; động viên, khuyến khích, tôn vinh các nhà sáng tạo trong cả nước.

Năm 2016, Ban tổ chức Giải thưởng trao giải cho 59 công trình thuộc 07 lĩnh vực dự thi, gồm: 09 giải Nhất, 15 giải Nhì, 18 giải Ba và 17 giải Khuyến khích. Điều đáng nói là Giải thưởng không chỉ thuộc về các tác giả có năng lực chuyên môn trên lĩnh vực phụ trách, mà còn là những cá nhân có thể chưa hiểu đầy đủ khái niệm “khoa học”, song họ có niềm đam mê sáng tạo và đã tạo ra những sản phẩm hữu ích. Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao tặng Bằng Lao động sáng tạo cho 39 cá nhân là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của các công trình đoạt giải cao.

Thành công của 8 lần tổ chức Giải thưởng có sự đóng góp tích cực, nhiệt tình của các sở, ban, ngành; các viện, trường đại học, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong các đơn vị tích cực tham gia và nhận được nhiều giải thưởng phải kể đến Công ty TNHH NNN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), VNPT Thừa Thiên Huế.

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Ðể có kết quả đó, lãnh đạo tỉnh đến đến địa phương, đơn vị ngày càng quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng; đến hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ cũng như các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Công tác tổ chức giải ngày càng có uy tín, được đông đảo các nhà khoa học, quần chúng nhân dân tham gia và được xã hội đánh giá cao; là sân chơi công bằng, minh bạch, động viên và tôn vinh kịp thời đối với các nhà khoa học, công nghệ và các nhà sáng tạo trong trên địa bàn tỉnh.

GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng cho biết: Giải thưởng ngày càng góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của quần chúng trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nó đã trở thành “cái nôi” của phong trào lao động sáng tạo. Giải thưởng không chỉ vinh danh các tác giả đoạt giải mà còn góp phần hướng phong trào lao động sáng tạo ngày càng phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Vì vậy, việc tổ chức Giải thưởng có ý nghĩa hết sức thiết thực trong vấn đề đưa khoa học đến gần hơn với cuộc sống.

Thực tế cho thấy, qua 8 lần tổ chức giải thưởng, một số hạn chế, bất cập về cơ chế chính sách vẫn còn làm ảnh hưởng tới chất lượng giải thưởng. Các cấp có thẩm quyền cần có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sáng tạo; cần hình thành hệ thống các dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ vào đời sống; có chính sách giúp các nhà khoa học công nghệ làm giàu bằng chính sản phẩm của mình. Tỉnh cần hỗ trợ, cho vay vốn từ Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, nhất là những công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, lại do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng.

Qua 8 lần tổ chức, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành động lực động viên, khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trên địa bàn tỉnh hăng say đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Các công trình đoạt Giải thưởng đã góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, khẳng định tài năng, sức sáng tạo của đội ngũ khoa học tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 2012, Thừa Thiên Huế có 05 công trình đoạt Giải thưởng toàn quốc, gồm: 02 giải ba và 03 giải khuyến khích; năm 2014 có 06 công trình đoạt giải thưởng toàn quốc, gồm: 01 giải Ba và 05 giải khuyến khích; năm 2015 có 03 công trình được trao Giải thưởng toàn quốc, gồm: 1 giải nhất và 2 giải ba; năm 2016, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã thống nhất thông qua kết quả đánh giá của Hội đồng giám khảo với 45 công trình được xét trao giải, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế có 09 công trình, gồm 01 giải nhì, 03 giải ba và 05 giải khuyến khích.

 

Doãn Quan

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email