Lần đầu tiên, quy trình lồng ghép nguy cơ trượt lở đất được đưa vào phương án sử dụng đất đã được nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh và cộng sự Trường Đại học Nông Lâm Huế đề xuất và nghiên cứu. Giải pháp đánh giá nguy cơ trượt lở đất nhằm nâng cao hiệu quả phương án sử dụng đất tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được nhóm nghiên cứu thực hiện thành công. Giải pháp sáng tạo kỹ thuật này đã được trao giải Ba tại Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2017.
Trượt lở đất đang trở thành vấn đề đang được xã hội quan tâm bởi hậu quả tác động của nó vô cùng lớn đến đời sống con người. Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân, ảnh hưởng, hậu quả và các biện pháp khắc phục hiện tượng lở đất nhưng chưa có công trình nghiên cứu sâu ảnh hưởng của trượt lở đất đến phát triển kinh tế – xã hội và các biện pháp giảm thiểu được lồng ghép trong quy hoạch sử dụng đất.
Lần đầu tiên, quy trình lồng ghép nguy cơ trượt lở đất được đưa vào phương án sử dụng đất đã được nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh và cộng sự Trường Đại học Nông Lâm Huế đề xuất và nghiên cứu. Giải pháp đánh giá nguy cơ trượt lở đất nhằm nâng cao hiệu quả phương án sử dụng đất tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được nhóm nghiên cứu thực hiện thành công. Giải pháp sáng tạo kỹ thuật này đã được trao giải Ba tại Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2017.
TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh cho biết: Phần lớn các kết quả nghiên cứu có liên quan đến trượt lở đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hoặc các địa phương khác ở miền Trung Việt Nam mới chỉ dừng ở việc xây dựng được quy trình đánh giá nguy cơ trượt lở đất bằng cách tích hợp công nghệ GIS và AHP. Trong khi đó, đề tài đã lồng ghép được bản đồ nguy cơ trượt lở đất vào phương án quy hoạch sử dụng đất để đề xuất các biện pháp sử dụng đất bền vững.
Quy hoạch sử dụng đất được xem là một biện pháp hữu hiệu nhằm tổ chức lại việc sử dụng đất đai, hạn chế sự chồng chéo gây lãng phí đất. Thực tế cho thấy, quy hoạch sử dụng đất hiện nay ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá tính thích hợp của đất cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, tác động về xã hội cũng như môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện phân bổ diện tích đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện A Lưới hoàn toàn chưa lồng ghép yếu tố môi trường, nhất là nguy cơ trượt lở đất nên có thể có nguy cơ cao ảnh hưởng đến kinh tế cũng như sự an toàn của người dân địa phương. Xuất phát từ điều kiện thực tế, nguy cơ trượt lở đất trên địa bàn huyện A Lưới được chọn để lồng ghép trong phương án quy hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển bền vững và hạn chế những rủi ro do trượt lở đất gây ra.
Để xác định phạm vi, ảnh hưởng của hiện tượng trượt lở đất đến tiềm năng sử dụng đất, ảnh hưởng đến kinh tế và định hướng phương án quy hoạch sử dụng đất có tính đến yếu tố trượt lở đất, nhóm nghiên cứu đã sử dụng đồng thời công cụ: ảnh viễn thám và phương pháp hệ thống thông tin địa lý GIS, phương pháp AHP (Anatytic Hierarchy Process) kết hợp với điều tra thực địa để xác định nguy cơ trượt lở đất; sử dụng các chỉ tiêu so sánh để đánh giá ảnh hưởng của trượt lở đất đến kinh tế – xã hội trên địa bàn nghiên cứu.
Giải pháp đã thành lập bản đồ nguy cơ trượt lở đất kết hợp dữ liệu viễn thám và hệ thống thông tin địa lý; đánh giá mức độ ảnh hưởng của trượt lở đất đến các yếu tố kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện A Lưới; Định hướng phương án sử dụng đất với yếu tố trượt lở đất trên địa bàn huyện A Lưới đến năm 2020.
Bản đồ nguy cơ trượt lở đất huyện A Lưới – tỉnh Thừa Thiên Huế
Nhóm tác giả cho biết thêm: So với phương pháp truyền thống thì ứng dụng công nghệ GIS – AHP đánh giá nguy cơ trượt lở đất có chi phí thấp và tiết kiệm thời gian, công sức trong khảo sát, đo vẽ thực địa nhưng vẫn đảm bảo về mặt kỹ thuật, khoa học và tính chính xác. Chi phí này phù hợp cho các đối tượng sử dụng khác nhau như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp &PTNT, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phường, xã.
Việc lồng ghép bản đồ nguy trượt lở đất vào phương án quy hoạch sử dụng đất giúp định hướng sử dụng đất hiệu quả, giảm thiệt hại đến con người và tài sản. Phương pháp ứng dụng công nghệ GIS – AHP nghiên cứu nguy cơ trượt lở đảm bảo tính chính xác cao. Cán bộ kỹ thuật ở các ngành như Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp cấp xã, huyện, tỉnh,…đều có thể dễ dàng chồng ghép bản đồ nguy cơ trượt lở đất với bản đồ quy hoạch sử dụng đất để thống kê được chính xác các vùng nên chuyển mục đích sử dụng đất; đề xuất được các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của trượt lở đất đến kinh tế – xã hội. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất quy trình xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lỡ đất và chuyển giao cho địa phương.
Quy trình xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất
Giải pháp quy hoạch sử dụng đất có tích hợp đánh giá nguy cơ sạt lở đất hoàn toàn có khả năng áp dụng cao cho tất cả các vùng có nguy cơ trượt lở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, và các tỉnh miền Trung Việt Nam nói chung.
Hồ Thành