Vườn quốc gia Bạch Mã (VQGBM) được thành lập năm 1991 với tổng diện tích trên 22.000 ha (tương đương hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai), nay (tháng 1 năm 2008) đã được mở rộng lên đến 37.480 ha, là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương, có một vị trí hết sức quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới rất giàu và đẹp.
Từ những năm 30 của thế kỷ XX, khu vực Bạch Mã đã nổi tiếng là một khu nghỉ mát lý tưởng vào các tháng hè. Hiện nay, một số biệt thự cũ, đường mòn sinh thái và các cơ sở hạ tầng khác đã và đang phục hồi nhằm phục vụ việc tham quan, nghiên cứu và nghĩ dưỡng của du khách. Ngoài nguồn đa dạng sinh học phong phú, VQGBM chứa rất nhiều giá trị nhân văn khác nữa, những giá trị này không thể lượng hóa hay đo đếm bằng tiền bạc, nhưng vô cùng quan trọng đối với mọi cư dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy. trong 3 nhiệm vụ của VQG thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo tồn một hay nhiều hệ sinh thái đặc trưng hoặc đại diện không bị tác động hay chỉ tác động rất ít từ bên ngoài; bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu hoặc đang bị nguy cấp. Những hoạt động vì mục đích khác như du lịch sinh thái,…chỉ là phối hợp hay bổ trợ mà thôi.
Từ hơn 10 năm trở lại đây, Vườn chủ trương phát triển các loại hình gọi là Du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng kèm thêm các dịch vụ nhà hàng, khách sạn phục vụ khách nhằm tăng nguồn thu trang trải cho các hoạt động bảo tồn! Chủ trương này nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng thực chất do cách tiến hành không phù hợp nên tác động của các dòng người, xe ầm ào lên xuống Bạch Mã đã đẩy, xua nhiều loài động vật lùi sâu vào rừng hay tìm đến vùng khác yên tĩnh, an tòan hơn.
Trước đây, khi vào rừng tham quan cảnh đẹp thiên nhiên, chúng ta rất dễ gặp các loài vật quý hiếm như công, trĩ sao, gà lôi lam mào trắng, gà lôi lam mào xám, chồn, gấu, sao la, mang trường sơn,…và vô số chim rừng. Nhưng nay, với cách tiếp cận chuyên nghiệp như các nhà khoa học cũng không dễ gặp được các loài này. Từ một hệ sinh thái đa dạng và phong phú VQGBM chỉ còn trong sách vở và báo cáo khoa học mà thôi! Mục đích bảo tồn đã bị thay đổi! Bây giờ có nhiều sáng kiến làm kinh tế cho vườn được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND tỉnh ủng hộ (http://www.hue.vnn.vn/disandulich/30/7/08).
Kinh tế hóa VQGBM!
Một công ty kinh doanh về du lịch sinh thái ở Bạch Mã đã sớm hình thành để tổ chức đưa đón, phục vụ du khách. Hoạt động này đã chuyên nghiệp hóa thành một đối tác của Vườn và đã đem lại nguồn kinh phí đáng kể cho Vườn và nhà đầu tư.
Hoạt động kinh tế ngày càng được đẩy mạnh khi hệ thống các cụm chùa chiền được xây dựng, khách sạn được nâng cấp và hoàn thiện. Hoạt động kinh tế hướng tới việc thu hút các đại gia đến từ mọi miền đất nước bằng cách kêu gọi đầu tư CASINO- loại hình kinh doanh hiện đại vào khuôn viên VQGBM. Hoạt động vui chơi cờ bạc rất dễ kéo theo những tệ nạn xã hội ảnh hưởng không tốt đến những người dân quê vốn trong sáng, hiền hòa.
Tương lai của VQGBM?
Với diễn biến và xu hướng hoạt động hiện nay thì VQGBM sẽ ngày càng xa rời mục tiêu, nhiệm vụ chính của nó để chú trọng khai thác khía cạnh kinh tế bất chấp pháp lệnh bảo tồn, công ước quốc tế về bảo tồn.
Chắc chắn rằng giá trị của bảo tồn là vô cùng to lớn, rất khó lượng hoá thành tiền nhưng các giá trị đó lớn gấp trăm ngàn lần những giá trị vật chất lấy được từ rừng! Bảo tồn không bao giờ song hành cùng các hoạt động mang tính kinh tế. Việc kết hợp các hoạt động thu lợi mà VQGBM gọi là Du lịch sinh thái đang tiến hành đã làm nghèo hơn bao giờ hết nguồn đa dạng sinh học vốn rất phong phú trước đây ở Bạch Mã.
Tương lai của VQGBM thật là ảm đạm khi những người có trách nhiệm quản lý hiện nay chưa thực sự hiểu đúng ý nghĩa và giá trị của bảo tồn! Khi họ quá coi trọng khía cạnh kinh tế và tính thực dung!
Giải pháp nào cho Vườn Quốc gia Bạch Mã ?
Theo tôi, để bảo tồn VQGBM cần tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp mang tính nguyên tắc sau đây:
1. Thực hiện nguyên lý Đất lành chim đậu. Không để bất kỳ ai, bất kỳ hoạt động nào đe doạ đến cuộc sống của động vật ngoài tự nhiên. Đó là giải pháp đơn giản, ít tốm kém mà hiệu quả nhất không những để bảo tồn mà còn làm phong phú thêm đa dạng sinh học.
2. Giải pháp chế tài: xử phạt nặng gấp mười đến hai mươi lần giá trị sản vật bị người dân đánh cắp từ rừng. Phạt nặng hơn nữa (gấp trăm lần) nếu cán bộ quản lý VQG, KBT, lãnh đạo địa phương hay cán bộ kiểm lâm thực hiện hành vi đó (lâm tặc).
3. Giải pháp kinh tế: nâng cao mức sống cho cán bộ và người dân sống ở vùng đệm. Cùng với biện pháp chế tài ở trên thì đây là cách hạn chế hữu hiệu nhất nạn khai thác rừng trái phép của người dân. Dân no chẳng lo phá rừng!
4. Chấm dứt tất cả các hoạt động sinh lợi từ các KBT, VQG như Du lịch Sinh Thái, Casino,…đã và đang kêu gọi đầu tư vào VQGBM,….Chỉ được lựa chọn một trong hai: Bảo tồn hay Kinh tế vì hai lĩnh vực này không thể tồn tại trên cùng một địa bàn!
5. Giải pháp kỹ thuật: nâng cao chất lượng độ che phủ của rừng. Theo báo cáo mới nhất của sở NN&PTNT (12.2007) thì độ che phủ rừng Thừa Thiên Huế đạt 54%. Đây là con số lý tưởng nhất trên thế giới, nhưng chất lượng độ che phủ rừng thì quá thấp. Rừng có độ che phủ tốt phải thực hiện được vai trò điều tiết nước, không thể cứ mưa là thành lũ quét, hết mưa thì hết nước ngọt về xuôi!
6. Chỉ được phép kết hợp™ với VQG, KBT các hoạt động Du lịch sinh thái đúng nghĩa của nó. Đó là việc tổ chức các tour du lịch ngậm tăm- Tuyệt đối không để phát ra tiếng động dù rất nhỏ. Du khách phải đi bộ trong đường hầm nằm sâu trong lòng đất, chỉ được phép quan sát, chụp ảnh, quay phim từ Chòi quan sát kín theo đúng yêu cầu và hướng dẫn của cán bộ bảo tồn. Không đầu tư để có được những hệ thống đường hầm như thế thì đừng nên nghĩ đến việc làm Du lịch sinh thái mà phải đánh đổi tất cả giá trị của VQG!
7. Biến một số vùng sinh thái thuận lợi thành các khu nuôi nhốt bán tự nhiên một số loài động vật quý hiếm, động vật dễ thuần hoá nhằm gìn giữ nguồn gen quý; tạo điều kiện cho du khách có thể tận mắt quan sát hoạt động của chúng qua các đài quan sát từ xa; tăng số lượng cá thể cho tự nhiên (thả trở lại vào rừng). Chỉ chọn những cá thể già, yếu, bị tai nạn do đánh nhau,…phục vụ nhu cầu ẩm thực cho các Thượng đế để thu lợi và không được lạm dụng hoạt động này mà xâm hại đến đời sống động vật ngoài tự nhiên.
Lê Văn Miên