Để khắc phục hoặc hạn chế tác hại của quá trình xói lở, cần nghiên cứu đề xuất, lựa chọn và triển khai các giải pháp phòng chống có tính hệ thống nhằm hạn chế những nguyên nhân đã hỗ trợ hoặc thúc đẩy hoạt động xói lở ở khu vực nghiên cứu, đồng thời phải phù hợp với khả năng kinh tế – kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sông Hương là nơi có chế độ thủy văn, vận tốc và lưu lượng dòng chảy bị chi phối rất mạnh mẽ bởi thảm thực vật
Tăng độ che phủ rừng, bảo vệ và cải thiện chất lượng lớp phủ thực vật, triển khai hệ thống kỹ thuật canh tác hợp lý trên đất dốc – đồi trọc. Sông Hương là nơi có chế độ thủy văn, vận tốc và lưu lượng dòng chảy bị chi phối rất mạnh mẽ bởi thảm thực vật. Tuy vậy, sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá và tệ nạn đốt phá rừng lấy gỗ và trồng trọt với kỹ thuật canh tác không hợp lý đã làm cho diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến độ che phủ rừng hiện nay trên lãnh thổ ở đầu nguồn sông Hương rất thấp. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng cơ bản thúc đẩy quá trình bồi – xói xảy ra rất mạnh mẽ trên nhiều đoạn sông uốn khúc chảy qua vùng đồng bằng thấp cấu tạo từ các loại đất có tính chất xói lở yếu (Hương Hồ, Tiên Nộn, Bao Vinh). Từ khi triển khai chương trình khôi phục rừng 327 và 773, độ che phủ rừng đã tăng lên đáng kể, song chất lượng thực tế của thảm thực vật trồng vẫn thấp và chỉ đạt khoảng 2/3 mật độ cây tự nhiên của rừng nhiệt đới, cho nên tác dụng điều tiết dòng chảy lũ của rừng trồng cũng rất hạn chế. Vì thế, theo chúng tôi cần tiến hành một cách đồng thời các giải pháp cụ thể. Thay đổi tập quán canh tác kiểu du canh – du cư, phá rừng làm rẫy của đồng bào dân tộc, phát triển hệ thống kỹ thuật canh tác phù hợp với đất dốc và đất đồi. Quy hoạch các khu canh tác và tiến hành giao khoán đất rừng cho nhân dân quản lý. Nghiêm cấm tệ nạn khai thác gỗ bừa bãi, tăng cường lực lượng kiểm lâm trong vai trò quản lý rừng. Đồng thời tăng cường phát triển và bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Các giải pháp nêu trên là những vấn đề phòng ngừa rất cơ bản và lâu dài, chúng có khả năng hạn chế được tác hại của hầu hết các quá trình địa động lực và tai biến địa chất phát sinh – phát triển trên lãnh thổ đồi núi, trong đó có quá trình xói – bồi lòng dẫn của sông. Tuy vậy, cần có một sự đầu tư lớn, sự quan tâm của các ngành các cấp và của mỗi người dân mới có thể thực hiện được các giải pháp nêu trên. Nhìn chung, xét về mặt lợi ích lâu dài trong việc phát triển kinh tế vùng sâu – vùng xa cũng như giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai – lũ lụt gây ra thì giải pháp này có vai trò rất quan trọng.
Đổi mới công tác quy hoạch, phân bố lại các khu dân cư và dự án phát triển kinh tế – xã hội của lãnh thổ. Trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội bền vững của Thừa Thiên Huế, thì nhóm giải pháp này là cơ bản nhất. Đây cũng là giải pháp bảo tồn quỹ đất trồng cây lương thực vốn rất hạn chế của Thừa Thiên Huế. Đối với những khu dân cư (Thủy Bằng, Hương Hồ, Kim Long, Bao Vinh…), các công trình kinh tế – xã hội và quốc phòng, các di tích lịch sử – văn hóa (lăng Minh Mạng, chùa Linh Mụ, Điện Hòn Chén…) đang có nguy cơ bị đe dọa bởi quá trình xói – bồi, cần ưu tiên triển khai một số giải pháp công trình để thích nghi với môi trường bất lợi đó. Việc quy hoạch lại hay di dời các cụm dân cư và công trình đi nơi khác chỉ nên thực hiện trong trường hợp khẩn cấp. Những khu vực có độ ổn định bờ kém như đoạn từ ngã 3 Tuần đến Xước Dũ, cần di dời các hộ dân ven sông, đang có nguy cơ bị xói lở vào mùa lũ đến. Đây là khu vực đã và đang bị bồi – xói rất nghiêm trọng, cho dù có thi công các giải pháp công trình cũng không thể đảm bảo an toàn lâu dài. Các khu vực có mật độ dân cư thấp, rất ít hoặc không có các công trình kinh tế, dân sinh quan trọng (đoạn trên ngã ba Tuần) do vấn đề chi phí xây dựng các công trình bảo vệ bờ quá lớn so với giá trị đất đai, nhà cửa được bảo vệ. Khu vực mà các công trình chỉnh trị có tác dụng gây xói lở mạnh đoạn bờ đối diện (Nguyệt Biều) hoặc những vùng nằm lân cận các đoạn bờ được cấu tạo từ đá gốc (Ngọc Hồ). Những khu vực tụ cư và tập trung các công trình kinh tế – dân sinh đang bị bồi – xói mạnh và có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão tới, nhưng chưa có kinh phí để thực hiện (đoạn sông phía trên kè Thủy Bằng và kè Xước Dũ, đoạn trên và dưới kè Linh Mụ…) nên di dời các hộ dân, các công trình đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, phân bổ lại dân cư và các khu công nghiệp cũng như đường giao thông mới trong tương lai cũng cần phải quán triệt và thực thi đầy đủ nguyên tắc phát triển bền vững. Trong công tác này nên chú ý đến vùng gò đồi và vùng cát nội đồng để tránh lũ, đồng thời tiết kiệm được diện tích đất canh tác. Đặc biệt, không nên quy hoạch, bố trí dân cư đồng thời hạn chế xây cất công trình trên lãnh thổ thấp trũng hoặc phải tôn cao nền, nâng tầng, kiên cố hóa nhà ở, công trình công cộng ở khu vực thường bị ngập lụt sâu và dài ngày (Hải Dương, Hòa Duân, Vinh Hải…), nằm kế cận khu vực đang có nguy cơ xói lở, ngập lụt nghiêm trọng hoặc lũ quét, sụt lở, nứt đất qui mô lớn (Thủy Bằng, Hương Hồ, nơi hợp lưu của sông Tả Trạch và Hữu Trạch, sông Hương và sông Bạch Yến).
Ngoài ra, vấn đề khoanh vùng nuôi trồng trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cũng cần có tổ chức, quản lý và điều hành thống nhất, không làm ảnh hưởng đến quá trình bồi – xói đầm phá và sông Hương; cuối cùng là việc quy hoạch lại cửa biển, đây là vấn đề rất hệ trọng, cần nghiên cứu nghiêm túc để có giải pháp hữu hiệu.
Bùi Thắng