Đổi đời từ trang trại chăn nuôi

Đó là anh Phạm Văn Minh, người đàn ông có vẻ bề ngoài rất thư sinh, ở thôn Hòa Thành, xã Bình Thành (Hương Trà).

Anh Minh cho biết, trước đây, anh ở xã Dương Hòa (Hương Thủy). Thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa phục vụ dự án xây dựng hồ thủy điện Tả Trạch, gia đình anh chuyển đến thôn Hòa Thành tái định cư. Lúc còn ở Dương Hòa, gia đình anh sống bằng nghề nhận khoán trồng rừng. Nhưng cuộc sống rất bấp bênh, do giá công lao động không cao. Anh đang tính bỏ nghề. Trong lúc chưa tìm ra phương pháp làm ăn mới thì trong một lần đi thanh toán tiền công trồng rừng, vào nhà người bạn thấy trang trại nuôi cá quy mô và được nghe kể về hiệu quả, từ đó, anh có suy nghĩ chuyển hướng sang nuôi cá và thành lập trang trại.

Anh lập một kế hoạch cụ thể và chi tiết cho chiến lược phát triển kinh tế của mình. Đầu tiên, anh xây dựng chuồng trại nuôi lợn, tiếp đến đấu giá hồ nuôi cá của địa phương. Đầu tháng 6-2009, anh đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo hồ nuôi cá và nuôi lợn.

Đối với hồ nuôi cá, anh thả 11 vạn cá giống các loại như trê, rô phi, chim trắng, trắm. Với chăn nuôi, ngoài 70 con lợn giống, anh còn đa dạng hóa đối tượng nuôi bằng 200 con gia cầm, gồm 50 con gà và 150 con vịt.

Sau 6 tháng, anh bắt đầu thu tỉa. Đến thăm trang trại của anh trong một ngày nắng cuối tháng 1 – 2010, anh vui mừng cho biết, gia đình anh vừa thu nhập gần 140 triệu đồng từ bán tỉa cá, lợn, gà, vịt. Trừ chi phí, anh lãi ròng hơn 60 triệu đồng. Theo kế hoạch, đầu tháng 2, gia đình anh sẽ cung cấp cho thị trường phục vụ Tết Canh Dần khoảng 15 tấn cá các loại, 60 con lợn thịt và gần 100 con gà, vịt. Ước tính, đem lại thu nhập khoảng gần 400 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình anh lãi hơn 150 triệu đồng.

Kế hoạch sắp tới của gia đình anh Phạm Văn Minh là đầu tư 40 triệu đồng mở rộng chuồng trại. Theo đó, anh sẽ nuôi 2.000 con gà thịt và 200 con lợn thịt. Hỏi về bí quyết thành công của anh khi được biết rất nhiều người đấu giá hồ nuôi cá đều thất bại, anh cười hiền: “Tôi không có bí quyết. Chỉ làm đúng theo hướng dẫn của sách, báo và kinh nghiệm thực tế từ một số hộ đi trước. Tôi đặc biệt chú trọng khâu cải tạo ao hồ và xử lý nước thải. Nhờ vậy, cá rất ít bị dịch bệnh và chết. Đối với chăn nuôi, tôi thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của gia súc, gia cầm để kịp thời xử lý dịch bệnh và tiêm phòng đủ liều lượng vacxin theo hướng dẫn của ngành thú y”.

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Phạm Văn Minh đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng các yêu cầu khoa học – kỹ thuật, xứng là mô hình trang trại kiểu mẫu để bà con nông dân học tập, làm theo. Bài, ảnh: Đông Nguyên

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế, thứ hai ngày 22/2/2010

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email