Diệt trừ mai dương: Thách thức và giải pháp

 

 

Mai dương là một loài cây thân gỗ dạng bụi, có tên khoa học Mimosa pigra, thuộc phân họ Trinh nữ – Mimosoideae, họ Đậu – Fabaceae, có nhiều tính năng hữu ích khiến từ đầu thế kỷ 19, đã được một bộ phân nhân loại quan tâm, sử dụng cho công việc cố định đạm tự do, cải tạo đất, làm hàng rào bảo vệ, làm cơ chất để sản xuất nấm, trích ta-nanh, làm nhiên liệu sinh học… Nhờ vậy, cây có điều kiện theo chân con người lang thang khắp đây đó.

Mai dương thường cao 1,5-2 m, lúc non thân màu xanh, mềm yếu, nhưng khi trưởng thành toàn thân hóa gỗ trở nên cứng cáp, chống chịu được các tác nhân gió và nước. Vỏ thân và cành mang rất nhiều gai nhọn, chống được sự luỗng đạp của động vật. Lá kép lông chim 2 lần, rất nhạy cảm, xếp lại khi có một va chạm nào đó, dù rất nhẹ. Hoa kép hình đầu, mang hằng trăm hoa tím. Cây có khả năng cho hoa 4-12 tháng sau khi mọc. Từ khi ra hoa đến lúc quả chín mất khoảng 4-5 tuần. Quả phân đốt, mỗi đốt chứa 1 hạt hình thuôn dài; khi quả già khô dần, các đốt tách ra, vỏ đốt mang rất nhiều lông tơ hóa gỗ, giúp đốt quả nổi dễ dàng trên mặt nước, bám dính vào lông động vật, vào áo quần và tóc của người, dễ dàng phát tán khắp nơi, cả môi trường nước và trên cạn.

Được chôn vùi dưới nền đất pha cát, hạt mai dương có thể sống sót vài chục năm, trong nền đất sét thì thời hạn cũng trên cả chục năm. Tùy mức độ bị vùi lấp sâu hay cạn mà hạt nảy mầm trước hay sau. Khi đất đủ ẩm và đủ ấm, hạt nứt nanh, nảy mầm. Chúng có thể nảy mầm quanh năm, nhưng mạnh nhất là vào đầu và cuối mùa ẩm ướt.

Với những đặc điểm sinh học như thế, mai dương nhân số lượng cá thể và quần thể rất nhanh, chiếm lĩnh những vùng đất hoang hóa, những bãi bồi ven sông, ven lòng hồ, bờ mương, kênh rạch… kể cả những vùng đất canh tác nông nghiệp thiếu kiểm soát. Bài học kinh nghiệm đáng sợ là ở Australia, chỉ trong vòng 50 năm (1952-2001), chúng đã phát triển rộng khắp và thay thế hết 80.000 ha thảm thực vật bản địa, làm suy thoái đa dạng sinh học, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ảnh hưởng canh tác nông nghiệp và sử dụng đất.

Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê chính thức, nhưng thực tế hiện nay cho thấy, chúng đã có mặt hầu khắp các miền đất nước, với diện tích quần thể không nhỏ.

Ở Thừa Thiên Huế, chúng hiện hữu khắp nơi, từ nhiều bản làng vùng cao A Lưới, Nam Đông đến tận vùng cát ven biển, từ các đồng bằng vùng nông thôn đến cả những rẽo đất hoang, nền đất thổ cư, thậm chí ở các công viên trong lòng đô thị. Với hệ thống thủy văn khá dày đặc, với những con sông nhiều hợp lưu và chi lưu, cộng thêm mùa mưa bão luôn xảy ra lũ lụt, địa bàn Thừa Thiên Huế là mảnh đất màu mỡ cho mai dương lưu thông, phân phát, chiếm lĩnh cư trường.

2. Những thách thức trong công tác diệt trừ mai dương

Từ lâu, nhiều nơi trên thế giới đã xếp mai dương vào loại cỏ dại độc hại cần được tiêu diệt. Nhiều chương trình quốc gia được đặt ra ở một số nước, điển hình là ở Australia. Ở Việt Nam, đã có nhiều đề tài thuộc các cấp quản lý khác nhau với những kết luận hấp dẫn, nhưng khả năng áp dụng chưa cao. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Quy trình phòng trừ tổng hợp cây mai dương (kèm theo Quyết định số 3061/QĐ-BNN-KHCN ngày 15/10/2007 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT), nhưng khó áp dụng đồng loạt cho các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước.

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành chỉ thị số 14/2010/CT-UBND yêu cầu các ban ngành, các đơn vị hành chính trực thuộc lập kế hoạch diệt trừ mai dương trong vòng 3-5 năm. Đây là một chủ trương đúng đắn đáng mừng. Để triển khai chỉ thị của UBND tỉnh, chiều ngày mồng 3 tháng 6 năm 2010, Sở Tài nguyên Môi trường TTH đã tổ chức cuộc hội thảo nhằm xới xáo vấn đề, tìm ra phương hướng hành động và đã thu nhận được nhiều ý kiến tham luận có chất lượng góp thêm sức mạnh cho Sở đẩy mạnh kế hoạch hành động.

Nhiều thành tựu diệt trừ mai dương đã cho thấy, có thể diệt trừ thủ công, cơ giới kết hợp dùng lửa, hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát sinh học… Việc chọn phương cách nào còn tùy thuộc vào điều kiện môi trường, sức người, sức của và mật độ của quần thể mai dương.

Điều cần lưu tâm là bất kỳ ai, ở đâu, khi tiến hành diệt trừ mai dương cũng không nên quá nóng vội, phải biết chấp nhận các thách thức tất yếu của vấn đề để chọn lựa phương cách phù hợp nhằm đạt kết quả tốt nhất trong điều kiện cho phép mà không gây hiệu ứng bất lợi cho môi trường, tránh phá vỡ sự quân bình sinh thái.

Nhìn chung, thực hiện bất kỳ một biện pháp cụ thể nào cũng nảy sinh nhưng thách thức nhất định. Biết đối mặt với thách thức để chọn lựa chấp nhận cũng là một phương thức cần thiết để tiến hành ngăn chặn sự phát triển và diệt trừ tận gốc giặc mai dương.

2.1. Biện pháp thủ công

Với biện pháp thủ công, việc sử dụng lực lượng lao động là bài toán không đơn giản. Với những địa bàn có kích cỡ quần thể mai dương lớn, các đơn vị hành chính, kinh tế… thường sử dụng lực lượng lao động phong trào.

Để có lực lượng đó đòi hỏi tính thời vụ – nông dân thì sau mùa gặt hái vụ đông xuân, sinh viên học sinh thì dịp nghỉ hè… – lúc đó cũng là lúc mai dương đang rộ mùa quả chín, cứ phát chặt là làm một công đôi việc, triệt cây già, nhưng lại rải mầm để tái tạo cây con. Dụng cụ, áo quần, túi xách,… và cả động vật đi kèm là phương tiện phát tán những đốt quả mai dương lý tưởng. Khi chặt phá, các động tác lay động, vứt ném.. là phương cách tung bắn các đổt quả ra xa, những đốt quả này lại có thêm điều kiện tiếp xúc dòng nước, lông động vật… để phát tán rộng rãi, mở rộng cư trường.

Nhiều khuyến cáo cho rằng cần phải đào bới sâu, rộng để loại trừ toàn bộ gốc và rễ mai dương. Đây là một việc làm có nguy cơ gây sạt lỡ hoặc xói mòn nghiêm trọng khi tác động trên diện rộng và ở những nơi xung yếu.

2.2. Dùng lửa

Dùng lửa đốt quần thể hoặc gom cây mai dương bị chặt hạ để đốt là động tác kích thích, như một hoạt động xử lý hạt, giúp hạt nứt vỏ, dễ thấm nước và nảy mầm sau đó. Thậm chí, sức nóng do lửa còn tạo điều kiện cho những hạt lưu cửu trong đất lâu ngày dễ dàng tăng tỉ lệ nảy mầm hơn, thay vì hưu miên rồi chết dần.

2.3. Dùng hóa chất bảo vệ thực vật

Dùng hóa chất bảo vệ thực vật là con dao hai lưỡi, lợi bất cập hại, lắm trường hợp chỉ gây chết phần ngọn, kích thích phần gốc tái sinh chồi và thiếu kiểm soát sẽ gây ô nhiễm môi trường, tác hại sức khỏe con người và động vật, làm suy thoái đa dạng sinh học, phá vỡ tính quân bình sinh thái.

2.4. Kiểm soát sinh học

Kiểm soát sinh học là phương cách hiện đại hấp dẫn, nhưng đòi hỏi quy trình công nghệ cao, lực lượng lao động khoa học tinh nhuệ, phòng thí nghiệm chuyên sâu và phải mất thời gian dài để nghiên cứu sự tương tác. Nhiều chủng loại côn trùng, nấm bệnh đã được một số nước sử dụng, được cho là vô hại, nhưng muốn áp dụng cũng phải có công tác thử nghiệm khu vực hóa, vì môi trường sinh thái của chúng ta không đồng nhất với nơi họ đã dùng. Tiểu khí hậu, thành phần đa dạng sinh học luôn là yếu tố chi phối gây hiệu ứng khó lường.

3. Một vài giải pháp

Để thực hiện tốt chỉ thị số 14/2010/CT-UBND ngày 30 tháng 4 năm 2010 của UBND tỉnh, không còn cách nào hơn là phải vạch ra một chiến lược cụ thể, bao gồm nghiên cứu chọn lọc một số biện pháp được nêu ở Quy trình của Bộ NN & PTNT, đồng thời cũng nên tiến hành song song các giải pháp sau:

3.1. Giải pháp khoa học kỹ thuật

– Chủ động sử dụng biện pháp thủ công, kết hợp một cách thận trọng việc dùng hóa chất diện hẹp có kiểm soát;

– Luân canh, gối vụ cây trồng trên những vùng đất canh tác;

– Sử dụng hệ thống thực vật cạnh tranh cho những vùng lòng hồ, bãi bồi ven sông, vùng đất hoang hóa chưa sử dụng;

– Nghiên cứu phát triển: triển khai một đề tài khoa học ứng dụng nhằm tìm ra các biện pháp tối ưu phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường và sinh thái nhân văn của từng địa bàn, từng tiểu vùng trong tỉnh. Đề tài cần được triển khai sớm và nhanh gọn để kịp thời ứng dụng.

3.2. Giải pháp xã hội

– Nâng cao nhận thức xã hội về tai họa do sự bành trướng của mai dương và xây dựng ý thức cộng đồng về ngăn chặn và diệt trừ mai dương;

– Xã hội hóa công tác nhận biết, ngăn chặn và diệt trừ mai dương bằng các hoạt động lồng ghép thông qua các tổ chức xã hội, trường học. Dùng mọi hình thức thông tin có thể có để tuyên truyền, vận động quần chúng, nhân dân, công chức, bộ đội…nhập cuộc;

– Ban hành những quy ước, hương ước cụ thể, bao gồm cả việc buộc các chủ sử dụng đất phải chịu trách nhiệm diệt trừ cây mai dương trên đất thuộc quyền sử dụng của mình;

3.3. Giải pháp bao trùm

– Triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh vào những thời điểm thích hợp nhất trong năm, lặp lại nhiều năm liền một cách kiên trì;

– Kiểm tra định kỳ hằng năm và tổng kiểm tra sau mỗi 3 năm;

– Khen thưởng khích lệ các đơn vị, cá nhân tích cực và xử phạt thích đáng bất kỳ ai vi phạm quy ước, hương ước.

Đỗ Xuân Cẩm

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email