Diễn đàn nhân dân: Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên – quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan

Ngày 28/10/2014 tại TP Huế, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế và Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp tổ chức diễn đàn nhân dân về thủy điện miền Trung, Tây Nguyên- quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan.

Các ý kiến tại diễn đàn cho thấy, các dự án thủy điện đã đóng góp to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, thủy điện đã có nhiều tác động sâu sắc đến môi trường và xã hội.

Mặc dù các nhà đầu tư các công ty thủy điện và chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng hỗ trợ sinh kế cho nhân dân, nhưng việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, phục hồi sinh kế cho người dân còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Cộng đồng bị di dời, tái định cư phải chịu nhiều thiệt thòi. Theo ý kiến người dân: Nhiều cam kết và hứa hẹn về đền bù và hỗ trợ đã không được thực hiện đầy đủ. Mức đền bù, giá đất đền bù chưa thỏa đáng, diện tích đất được đền bù quá ít so với nhu cầu, chất lượng đất kém,… Ở nơi ở mới, người dân gặp nhiều khó khăn về sinh kế. Nhà ở tái định cư và các công trình hạ tầng đều kém chất lượng và thiếu sự phù hợp với văn hóa bản địa của từng dân tộc. Ngoài ra, người dân gặp nhiều trở ngại khác liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây chính là tác nhân dẫn đến bất ổn sinh kế cấp hộ gia đình, bất an trong hoạch định và bất bình trong công tác đền bù,…

Diễn đàn đã thảo luận tác động môi trường do các công trình thủy điện gây nên như đã làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở bờ sông, nơi thì gây khô hạn, nơi gây ngập lụt hạ lưu, làm mất các loài thủy sản. Ngoài ra, các thay đổi tự nhiên của dòng sông đã làm mất đi các tập tục văn hóa truyền thống gắn với sông nước và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của cộng đồng lưu vực sông. Nhìn chung, các cộng đồng tái định cư đều trở nên nghèo đói hơn, nhiều nhóm dân cư buộc phải xâm hại tài nguyên rừng, di cư tự do tìm nguồn sinh kế mới.

Diễn đàn đã thảo luận và thống nhất nội dung thông điệp gửi đến các cơ quan chức năng:

1. Các dự án thủy điện phải được xây dựng trên cơ sở xem xét toàn diện các tác động môi trường và xã hội. Các chi phí môi trường và xã hội cần được phản ánh và tính toán một cách đầy đủ trong các hồ sơ xây dựng dự án thủy điện. Đánh giá tác động xã hội cần phải được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc đối với các dự án có ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư. Bởi lẽ, những tác động xã hội tiêu cực mà thủy điện đem lại sẽ trở nên khó giải quyết theo thời gian nếu không được nghiên cứu thấu đáo và có phương án giải quyết hợp lý ngay từ đầu.

2. Giải trình trách nhiệm phải gắn liền với việc thực hiện các quyền cơ bản của người dân. Các cộng đồng bị ảnh hưởng phải được tham gia vào quá trình tham vấn, ra quyết định và giám sát các vấn đề liên quan. Tham vấn cộng đồng cần được thực hiện đúng theo nguyên tắc đồng thuận tự nguyện. Người dân phải được tiếp cận thông tin minh bạch và được tham gia đầy đủ trong suốt quá trình từ khâu quy hoạch, khảo sát thiết kế, đánh giá tác động môi trường, xây dựng, đề bù tái định cư, phục hồi sinh kế và vận hành các công trình, bởi lẻ người dân có năng lực, khả năng và đầy đủ các quyền pháp lý trong việc tham vấn và giám sát các tác động thủy điện. Vì vậy, các cơ quan quản lý môi trường cần ghi nhận các đánh giá, ý kiến phản biện của người dân trong quá trình phê duyệt các thủ tục về quản lý môi trường của các nhà máy thủy điện.

3. Các hoạt động di dân, đền bù, hỗ trợ sinh kế, phát triển cộng đồng đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thủy điện cần được thiết kế và thực thi trong cả ngắn hạn và dài hạn.

4. Các kênh đối thoại giữa công ty thủy điện, chính quyền các cấp và cộng đồng cần được duy trì thường xuyên không chỉ trong quá trình qui hoạch, thiết kế mà cả trong quá trình vận hành nhằm thu nhận những phản ánh và đề xuất từ phía cộng đồng địa phương, từ đó mà các công ty thủy điện và các cơ quan chức năng có thể nắm được nhu cầu và đánh giá hiệu quả của các hỗ trợ can thiệp đến cộng đồng địa phương. Mặt khác, kênh đối thoại cũng giúp giải quyết những vấn đề nảy sinh mới chưa dự đoán được trong quá trình lập dự án.

5. Các cộng đồng cần được sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc các cấp và hệ thống Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật và các tổ chức xã hội khác nhằm giúp cộng đồng đưa các thông tin, bằng chứng đến các bên có liên quan, chính quyền tỉnh và trung ương thông qua kênh khác nhau và đây chính là một trong chức năng giám sát phản biện xã hội của các tổ chức này.

Nguyễn Văn Quế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email