Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông; Với sự phổ biến của Internet và sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức… thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, đặc biệt là tài năng trẻ có vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm đến công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; Đầu tư đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo cả về nội dung, phương pháp, cơ sở vật chất,… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tích cực tuyển chọn, gửi nhiều tài năng trẻ đi học tập, nghiên cứu, đào tạo ở nước ngoài; Nhanh chóng tiếp cận các công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới; Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc, các văn nghệ sĩ tài năng, các cán bộ khoa học trẻ. Thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ; Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tài năng cống hiến trưởng thành.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, ngành Giáo dục và đào tạo nước ta nói chung và các trường đại học nói riêng đã có những chủ trương, biện pháp quan trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài và đến nay đã thu được những kết quả nhất định. Hàng năm, số học sinh năm cuối của các trường Trung học phổ thông khối năng khiếu thi đỗ đại học đạt tỷ lệ khoảng trên 80%. Khối trường, lớp chuyên đã có những đóng góp rất lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; Đồng thời, góp phần tích cực nâng cao chất lượng và thành tích của các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, các cuộc thi Olympic Quốc tế.
Mặt khác, để đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là tài năng trẻ trong đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ phục vụ các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm, Chính phủ đã phê duyệt và bắt đầu thực hiện đề án cử người đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước từ năm 2000. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tuyển chọn được hàng chục ngàn lưu học sinh và thực tập sinh đi học tập, nghiên cứu ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Chỉ tính trong 3 năm 2011-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 3.272 người đi đào tạo tại nước ngoài, trong đó có 1.345 người làm tiến sỹ, 666 học thạc sỹ và 1.261 học đại học.
Các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả ở các đại học quốc gia, đại học vùng và một số trường đại học trọng điểm trong cả nước. Đây là một mô hình đào tạo tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng. Nhiều trường đại học đã xây dựng quỹ khuyến khích tài năng, kêu gọi tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên phấn đấu, trưởng thành.
Cạnh đó, công tác sử dụng tài năng trẻ cũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Hầu hết các cấp lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương đều tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức trong từng tổ chức, cơ quan, đơn vị; Đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao. Tuỳ theo năng lực, sở trường mà các đơn vị tổ chức sắp xếp, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc; Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các tài năng trẻ cống hiến trưởng thành. Thực tế cho thấy, có rất nhiều tài năng trẻ ở nước ta trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quản lý, khoa học quân sự, văn hoá nghệ thuật… đã xuất hiện, đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Cần cơ chế, chính sách công bằng
Tuy nhiên, công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng tài năng trẻ ở nước ta còn nhiều bất cập. Trong một thời gian dài mạng lưới các trường chuyên, lớp chọn phát triển tràn lan, tự phát, bộc lộ nhiều khiếm khuyết cả về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục, quản lý, tuyển sinh…Công tác bồi dưỡng tài năng ở bậc đại học và sau đại học, giai đoạn quan trọng nhất trong đào tạo trình độ nghề nghiệp, chưa rõ nét. Chưa có phương thức tích cực và chủ động để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng sinh viên xuất sắc ngay từ lúc mới vào trường đại học. Thiếu chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, chính sách, cơ chế quản lý thích hợp và đồng bộ cho đào tạo, bồi dưỡng sinh viên giỏi. Chưa quan tâm đầy đủ việc bố trí, sử dụng và theo dõi sự phát triển của sinh viên tài năng sau giai đoạn đào tạo ở nhà trường.
Bên cạnh đó, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng tài năng còn lạc hậu, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến của thế giới và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Một số tài năng trẻ được cử đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài không muốn về nước làm việc; Một số khác mới coi trọng bồi dưỡng chuyên môn, chưa tích cực học tập chính trị, tham gia các hoạt động xã hội.
Từ thực trạng nêu trên, để công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ ở nước ta đạt được kết quả cao hơn trong những năm sắp tới, Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành cần tập trung tạo cơ chế chính sách công bằng, thuận lợi để mọi tài năng trẻ đều nỗ lực phấn đấu trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động và cuộc sống; Tích cực tham gia xây dựng và phát triển đất nước; Tăng cường quản lý nhà nước về công tác đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ. Xây dựng hệ thống chính sách tài năng trẻ, tạo khung pháp lý để đưa công tác quản lý nhà nước vè vấn đề này ngày càng hiệu quả. Phát triển mạng lưới các trường, lớp bồi dưỡng năng khiếu bậc phổ thông, đặc biệt là các trường trung học phổ thông chuyên ở các địa phương và ở một số trường đại học có uy tín, chất lượng.
Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo cũng như các chế độ, chính sách đối với các loại trường, lớp này. Có chính sách thu hút, đãi ngộ thích đáng đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết tham gia đào tạo, bồi dưỡng các lớp tài năng trẻ; Tập trung xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế…
PGS.TS. NGUYỄN XUÂN KHOÁT
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Trưởng Ban tổ chức – nhân sự Đại học Huế