Đặc điểm Địa chất thủy văn khu vực Nam Đông, Thừa Thiên Huế

Đặc điểm Địa chất thủy văn (ĐCTV) của một lãnh thổ được phản ánh bởi sự phân bố của nước dưới đất theo diện cũng như theo chiều sâu; chất lượng, trữ lượng và động thái của nước dưới đất; miền cung cấp, miền thoát và quá trình vận động của nước dưới đất.

Căn cứ vào các đặc điểm đó, phân chia lãnh thổ khu vực Nam Đông thành các đơn vị có đặc điểm thạch học và địa chất thủy văn tương đối giống nhau được gọi là tầng chứa nước. Theo “Từ điển các thuật ngữ địa chất” của Mỹ (1983), “Tầng chứa nước là một thực thể đất đá có tính thấm đủ lớn để truyền dẫn nước dưới đất và cho phép khai thác với một lưu lượng có ý nghĩa kinh tế bởi các giếng, lỗ khoan hay mạch lộ”.

Bản đồ địa chất thủy văn được thành lập theo nguyên tắc “Dạng tồn tại của nước dưới đất” được thể hiện trong chú giải lập Bản đồ địa chất thủy văn của Hội Địa chất Thủy văn Quốc tế do F. Struckmeier và Jean Margat chủ biên, được UNESCO xuất bản vào năm 1995. Theo nguyên tắc này, căn cứ vào đặc điểm tồn tại và vận động của nước dưới đất có thể chia đất đá thành 3 dạng chứa nước sau:

  1. Các tầng chứa nước lỗ hỗng: Nước dưới đất tồn tại và vận động trong các lỗ hỗng giữa các hạt đất đá. Dạng tồn tại của nước này gặp trong các thành tạo đất đá bở rời như trầm tích hệ Đệ Tứ, hệ Neogen và trong đới phong hóa. Tầng chứa nước lỗ hỗng là môi trường chứa nước liên tục, khá đồng nhất và có các thông số địa chất thủy văn ít biến đổi trong không gian.
  2. Các tầng chứa nước khe nứt: Nước tồn tại và vận động trong các khe nứt, hang hốc karst. Dạng tồn tại của nước này gặp trong đá cứng bị nứt nẻ, các đới phá hủy kiến tạo, hang hốc karst. Tầng chứa nước này có môi trường không đồng nhất, mức độ chứa nước, thông số địa chất thủy văn biến đổi mạnh theo không gian.
  3. Các thể địa chất rất nghèo nước hay thực tế không chứa nước: Các lớp sét, sét pha; bột kết, sét kết; các thành tạo xâm nhập, phun trào đặc xít, một số đá biến chất như phiến sét.

Các nguyên tắc trên là cơ sở chủ yếu để nghiên cứu đặc điểm địa chất thủy văn khu vực Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong tự nhiên đất đá có độ rỗng và độ nứt nẻ không giống nhau, do đó khả năng chứa nước của chúng cũng khác nhau. Để đánh giá mức độ chứa nước của đất đá, dựa vào lưu lượng của các mạch lộ, giếng và tỷ lưu lượng của các lỗ khoan theo nguyên tắc đa số và phân thành 4 cấp chứa nước của đất đá từ giàu đến rất nghèo (Bảng 1).

Bảng 1. Phân chia mức độ chứa nước của đất đá

Độ chứa nước Lưu lượng mạch lộ, giếng Q (l/s) Tỷ lưu lượng

lỗ khoan q (l/s.m)

Giàu >1 >0,5
Trung bình 0,5 – 1 0,2 – 0,5
Nghèo 0,1 – 0,5 0,05 – 0,2
Rất nghèo và thực tế cách nước < 0,1 < 0,05

Dựa vào nguyên tắc dạng tồn tại nước dưới đất nêu trên, khu vực Nam Đông được phân chia thành 3 tầng chứa nước, bao gồm 1 tầng chứa nước lỗ hỗng và 2 tầng chứa nước khe nứt (Hình 1).

Hình 1. Sơ đồ Địa chất thủy văn khu vực Nam Đông, Thừa Thiên Huế 

BÙI THẮNG

Kiểm tra lại

Tiết Nguyên đán trong triều Nguyễn

Tác giả: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là một bộ sách được …